Thứ Ba, 14/01/2020, 14:57 [GMT+7]

Dân nhậu đã… biết sợ

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm hiện thực hóa quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sau hơn 1 tuần có hiệu lực đã có tác dụng rõ rệt. Số lượng người uống bia, rượu tham gia giao thông giảm đáng kể.
 
Quán nhậu đìu hiu vì khách sợ… hết tiền thưởng Tết
 
Trưa 8-1, chúng tôi có mặt tại khu vực đường Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội), tại một quán bia khá nổi tiếng, trên bàn rượu, bia đã được thay bằng phần lớn nước ngọt. Anh Lê Văn Bằng cho hay: "Hôm nay công ty tôi tổ chức tất niên, anh em đến uống nếu xác định tự đi đến đây thì không uống rượu, bia, nhỡ ra đường bị thổi thì coi như hết thưởng Tết. Tôi nghĩ cứ mạnh tay thế này chắc chắn dần dần sẽ trở thành thói quen, rồi nạn uống rượu, bia cũng sẽ giảm".
Từ khi nghị định 100 được thực thi, rất nhiều quán nhậu vắng khách đi trông thấy.
Từ khi nghị định 100 được thực thi, rất nhiều quán nhậu vắng khách đi trông thấy.
Anh Ngô Văn Kỳ chia sẻ: "Bây giờ đi nhậu mà bị CSGT đo nồng độ cồn, phạt nặng thì xem như toi. Chỉ còn cách bỏ nhậu, nếu đi thì chỉ có thuê xe ôm, taxi sau khi uống rượu".
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những giờ dân nhậu hay tụ tập, hầu hết những nhà hàng lớn thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa…đều trong tình trạng thưa thớt khách. Các quán ăn này liên tục cho ra các chiêu thức để kéo khách như: Có xe lớn đưa đón khách về tận cơ quan, hay gọi xe Grab cho khách…
 
Anh Huy, chủ quán bia trên đường Tố Hữu chia sẻ: "Đúng là từ khi Nghị định 100 được thực thi thì lượng khách của quán giảm đến 2/3, gây thiệt hại rất lớn cho những người kinh doanh như chúng tôi. Không chỉ nhà hàng của tôi đâu mà hầu hết các nhà hàng khác cũng rơi vào tình trạng ế khách".
 
Trước tình trạng này, nhà hàng đã phải đưa ra những phương án hỗ trợ khách hàng đến ăn nhậu. Đặc biệt những khách hàng trong vòng bán kính 5km, nhà hàng sẽ hỗ trợ đưa khách về tận nhà miễn phí. Còn với những khách hàng đi ô tô sẽ có 3 lái xe túc trực, luôn trong tình trạng sẵn sàng chở khách về tận nhà trong bán kính 5km. Những thực khách nhà xa hơn 5km sẽ phải trả phí cho nhân viên.
 
Tương tự, anh Nguyễn Quang Minh, chủ một nhà hàng trên phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết. "Quả thực với mức phạt nặng như vậy thì thực khách tỏ ra e sợ, không dám đến nhà hàng. Cả tuần nay nhà hàng của tôi giảm đáng kể lượng khách, đặc biệt vào những ngày cuối năm, nhu cầu ăn uống của người dân lên cao. Chúng tôi đang có phương án hỗ trợ đưa khách hàng về tận nhà. Hy vọng với cách làm này tình trạng sẽ được cải thiện hơn".
 
Còn tại quán bia hơi khá lớn trên phố Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) treo luôn biển: "Bạn uống- Tôi lái" để thu hút khách nhậu. Anh Trần Hà, quản lý quán bia cho hay: "Chúng tôi đã cho ra dịch vụ này ngay sau khi Nghị định 100 được thực thi. Nói chung dù có biện pháp thì lượng khách cũng giảm đi rất nhiều.
 
Vì nhiều người uống cả chục cốc bia vẫn tỉnh táo bình thường, họ cho rằng mình vẫn tự lái được xe, trong khi chỉ uống 2 cốc bia thôi cũng không dám tham gia giao thông. Thực khách cho rằng, như vậy là rất phiền toái vì khi đến họ tự đi, khi về lại được chở về, còn phương tiện của họ thì sao?
 
Tôi nghĩ Nghị định 100 là cần thiết để giảm tình trạng tai nạn giao thông và một số các hệ lụy khác. Mình làm kinh doanh thì cũng cần tuân thủ, dần dần sẽ đi vào ổn định, nhu cầu ăn uống là không thể thiếu, khách hàng sẽ tự biết cách ăn uống để an toàn và không bị phạm luật".
 
Nắm bắt được nhu cầu của nhiều người, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện không ít những dịch vụ đưa đón cho thực khách. Các dịch vụ như: "Đưa đón người uống rượu"; "Đón những người nhậu say" hay "Xế xịn".
 
Các dịch vụ này có giá chỉ nhỉnh hơn xe ôm, taxi đôi chút. Đặc biệt là dịch vụ "Xế xịn", người uống rượu bia chỉ cần điện thoại hoặc nhắn tin địa điểm sẽ có một tài xế đến tận nơi lái xe của khách về nơi an toàn. Bên cạnh đó, lái xe này còn sẵn sàng dìu khách lên nhà…
 
Tác dụng đã thấy rõ
 
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay, đã có không ít trường hợp khi bị kiểm tra phát hiện nồng độ cồn đưa ra nhiều lý do để xin bỏ qua, nhưng các tổ công tác vẫn kiên quyết xử lý. Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn tăng khá cao so với trước nên đảm bảo mức răn đe. Nhiều người bị phạt đã "choáng váng" với mức phạt cao và cho biết, đây chính là lý do để không tái phạm.
Cảnh sát giao thông xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Cảnh sát giao thông xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.
Chỉ sau 1 tuần thực thi Nghị định 100, CSGT đã xử phạt 2.673 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Những địa phương có kết quả xử lý cao nhất là: Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
 
Ghi nhận tại một số bệnh viện, số ca bệnh nhập viện do tai nạn giao thông giảm đáng kể. Ths.Bs Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ về việc tăng mức phạt đối với người có nồng độ cồn, số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do rượu bia đã giảm đáng kể.
 
Theo bác sĩ Hùng, bình thường, mỗi ngày tại khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-130 bệnh nhân, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, chỉ còn khoảng 60-70 ca cấp cứu. Điều đặc biệt là không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia.
 
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia quốc gia cho hay: "Tính đến nay chưa có con số toàn diện, đầy đủ nhưng theo số liệu thống kê sơ bộ thì trong hai ngày 1 và 2-1-2020, số người tử vong do tai nạn giao thông là 37, tức là mỗi ngày trung bình hơn 18 người.
 
Trong khi đó, con số bình quân số người tử vong do tai nạn giao thông năm 2019 là gần 21 người. Như vậy, số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trong 2 ngày lễ thấp hơn ngày bình thường. Chế tài nặng nhằm gửi đi thông điệp "Đừng vi phạm" chứ không phải để lực lượng thực thi công vụ chung chi, tiêu cực. Tất cả là vì an toàn cho người dân, cho người tham gia giao thông".
Trong bối cảnh không còn được vui tới bến như trước, cánh tài xế còn rỉ tai nhau một phương cách để phòng thân, đó là tự trang bị máy đo nồng độ cồn riêng. Và cũng chính điều này khiến thị trường máy đo nồng độ trở nên náo nhiệt.
 
Theo đại diện một công ty chuyên cung cấp các thiết bị đo lường, thời gian gần đây, máy đo nồng độ cồn được người dân tìm mua rất nhiều. Trong đó, các loại máy được tìm mua nhiều nhất là loại có mức giá khoảng 2 triệu đồng.
 
Tìm hiểu trên thị trường, với xuất xứ chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, máy đo nồng độ cồn chính hãng được bán với giá dao động trong khoảng vài triệu tới vài chục triệu đồng. Trong khi đó, trên một số website bán hàng qua mạng, một số máy đo nồng độ cồn lại được bán với giá chỉ từ khoảng 200 đến 600 ngàn đồng. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó đều rất khó để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ.
 
Ở chiều ngược lại, để giúp các thượng khách của mình tránh "ăn quả đắng" sau khi nhậu nhẹt, nhiều nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ khách nhậu về nhà bằng xe của nhà hàng (các nhà hàng chỉ thu phí 100 - 200 ngàn đồng/lượt để giữ khách), giữ xe của khách qua đêm, hoặc phối hợp với các hãng vận tải đưa đón khách.
 
Nhiều chủ nhà hàng cho biết, đây chỉ là tiền xăng xe và công tài xế, chứ không kinh doanh như dịch vụ. Hoặc nếu lái xe về giúp khách, một số nhà hàng chỉ thu đủ tiền xe ôm cho tài xế về lại nhà hàng.
 
Các nhà hàng có hỗ trợ lái xe cho khách thường bố trí 3 - 5 tài xế để khách không phải đợi quá lâu... Đơn cử như chủ một chuỗi nhà hàng món nướng trên địa bàn phường Tam Bình, quận Thủ Đức, đã chuẩn bị xe máy, ô tô và bố trí nhân viên túc trực để đưa khách trở về nhà sau chầu nhậu. Nhà hàng này cũng chuẩn bị sẵn bãi giữ xe qua đêm, khi khách có nhu cầu, nhân viên sẽ đưa xe vào bãi, chở khách về bằng phương tiện của nhà hàng…
 
Tuy vậy, trước nỗi lo mức tiền phạt lớn cùng với việc rút giấy phép lái xe dài ngày sau khi thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, tại TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều quán nhậu trên các tuyến đường như Trường Sa (quận Bình Thạnh - quận Phú Nhuận), Hoàng Sa (quận 3, quận Tân Bình), Thành Thái, Tô Hiến Thành (quận 10), Ba Tháng Hai (quận 11)… lượng khách đến quán có phần giảm mạnh. Trong khi trước đó khu vực này luôn ồn ào, náo nhiệt về đêm. Không khí ăn nhậu rầm rộ, nhất là vào ngày cuối tuần các quán này đều đông khách.
 
Anh Hoàng Long, nhân viên một quán nhậu trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) cho biết, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1-1 thì lượng khách đến quán bắt đầu giảm dần vì người ta sợ bị phạt nồng độ cồn. Đúng ra vào thời điểm cuối năm này và cả những năm trước, luôn là khoảng thời gian có doanh thu cao điểm nhất vì liên hoan, tất niên nhiều.
 
Theo chủ một số quán nhậu trên đường Hoàng Sa, lượng khách đến quán giảm mạnh đang khiến doanh thu của các quán nhậu bị ảnh hưởng lớn. Nhiều quán có doanh thu bị giảm từ 30 - 50% trong vài ngày qua. Một số quán nhậu lâu năm, doanh thu lớn cũng chịu cảnh sụt giảm khách hàng tương tự…
 
Có thể thấy, Nghị định 100 đã có tác động lớn đến tâm lý của người dân cũng như những gì thực tế đang diễn ra như kể trên. Sự khó khăn trong việc thay đổi thói quen sử dụng bia rượu thường xuyên sau rất nhiều năm là không dễ. Và nguy cơ của những tiêu cực, tất nhiên lúc nào cũng có. Nhưng đó là những chuyện của cá nhân, hoặc của công tác kiểm soát lực lượng thực thi công vụ, hoàn toàn không liên quan đến việc người dân tự giác chấp hành pháp luật. (Ánh Xuân)
.

Nguồn: Phong Anh/CAND

.