Thứ Năm, 30/05/2019, 09:45 [GMT+7]

Châu Á giữa cuộc thương chiến Mỹ – Trung

Sau khi Washington tăng thuế từ 10 lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực trong thời gian tới, mới đây Bắc Kinh đã công bố áp thuế trả đũa đối với số hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD từ ngày 1-6.
 
Theo các nhà phân tích, các trung tâm sản xuất giá rẻ của châu Á sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi các công ty tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất hoặc cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chi phí kinh doanh tăng lên, bất chấp khả năng xuất khẩu toàn khu vực tiếp tục suy giảm.
Malaysia có cơ hội trong ngành khí tự nhiên hóa lỏng.
Malaysia có cơ hội trong ngành khí tự nhiên hóa lỏng.
Đối với Tập đoàn may mặc Viyellatex của Bangladesh, căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ lại xem ra có lợi. Thuế quan của Mỹ đã đẩy giá thành của các sản phẩm Trung Quốc tăng đến mức người mua đã chuyển sang lựa chọn Viyellatex thay vì các nhà sản xuất Trung Quốc.
 
David Hasanat, Chủ tịch Tập đoàn Viyallatex nói: “Cho đến gần đây, phần lớn hàng xuất khẩu của chúng tôi là sang thị trường châu Âu, nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn từ các khách hàng Mỹ. Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến năm 2018, khách hàng Mỹ đã đến và đặt hàng số lượng lớn với chúng tôi”.
 
30% khách hàng mà Hasanat hiện đang phục vụ là từ Mỹ, tăng 20% so với thời điểm 2018. Trong đó có cả các thương hiệu hàng đầu của Mỹ như Calvin Klein hay Tommy Hilfiger. Doanh thu của Viyellatex đạt gần 200 triệu USD năm 2018.
 
Giống như Bangladesh, các nền kinh tế châu Á khác vốn là nơi tập trung chế tạo giá rẻ như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia được đánh giá là sẽ hưởng lợi từ những thay đổi do cuộc chiến mang lại, bất chấp sự tê liệt tăng trưởng toàn cầu và đánh mạnh vào các thị trường xuất khẩu mà nó dự đoán sẽ gây ra.
 
Nhưng đối với Singapore, Hongkong, Đài Loan và Hàn Quốc – từng nổi tiếng là những con hổ châu Á – thì triển vọng thật ảm đạm khi khối lượng vận chuyển dự kiến sẽ giảm và tình trạng không chắc chắn khiến kế hoạch tăng trưởng rơi vào trạng thái lấp lửng.
 
Trong cú đánh tiếp theo vào thương mại, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng công nghệ của bất kỳ công ty nào bị đánh giá là mối đe dọa an ninh quốc gia. Vài giờ sau khi lệnh cấm ban hành, Huawei và 70 chi nhánh của công ty này đã bị đưa vào danh sách sẽ bị áp đặt lệnh cấm mua linh kiện và công nghệ của Mỹ, trừ phi người bán được chính phủ chấp thuận.
 
Những lệnh cấm kiểu này là một khía cạnh nữa của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khiến Bắc Kinh lo sợ rằng người Mỹ đang tìm cách kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc. Jakob Korslund, Giám đốc điều hành của Deutsche Risk Group nói rằng các công ty trên khắp châu Á sẽ coi những diễn biến mới nhất này như một lời nhắc nhở về hoạt động kinh doanh của chính họ.
Sắp xếp lại dây chuyền
 
Các chuyên gia cho rằng một số nền kinh tế lớn nhất ASEAN đã sẵn nền tảng để hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các dây chuyền cung ứng toàn cầu mà cuộc chiến thương mại góp phần tạo ra. Chẳng hạn như Malaysia có cơ hội trong ngành khí tự nhiên hóa lỏng và Thái Lan là ngành ôtô – theo dữ liệu từ Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN + 3 (AMRO) năm 2019.
 
Ngoài ra, các nước này đều được hưởng lợi trong ngành thiết bị công nghệ thông tin và sản xuất điện tử. Sự kết hợp của môi trường pháp lý có thể dự đoán được, cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tăng chi tiêu công khiến Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mà cuộc chiến thương mại dự kiến sẽ mang lại, từ đó thoát khỏi sự giảm xuất khẩu đang diễn ra trong toàn khu vực.
Triển lãm ô tô quốc tế 2017 tại BangKok, Thái Lan.
Triển lãm ô tô quốc tế 2017 tại BangKok, Thái Lan.
Siwage Dharma Negara, thành viên cấp cao và điều phối viên của Trung tâm nghiên cứu APEC tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết rằng điều này đã khiến ASEAN ngày càng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi cuộc thương chiến đã “như hổ thêm cánh” cho các nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á, chỉ những nước đặt được nền tảng đúng đắn mới có thể tận dụng cơ hội này.
 
Michael Taylor, Giám đốc tín dụng phụ trách châu Á tại Tổ chức xếp hạng tín dụng Moodys ở Singapore cho rằng yếu tố hạn chế mức độ các nước có thể được lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chính là cơ sở hạ tầng. Nghĩa là nước nào có cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ cần 1,7 tỷ USD chi cho cơ sở hạ tầng mỗi năm cho đến 2030.
 
Jow Cowley, luật sư thương mại quốc tế cấp cao của Baker McKenzie tại Hongkong cho rằng đến nay, hầu hết sự dịch chuyển mới chỉ diễn ra trong các ngành có trình độ thấp như dệt may, thay vì các ngành có trình độ cao như công nghệ thông tin, mặc dù một số khía cạnh của chuỗi giá trị công nghệ cao đã bắt đầu tái phân bổ khỏi Trung Quốc.
 
Trong khi dường như bị những căng thẳng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh thúc đẩy, nhiều nhà phân tích coi chuỗi cung ứng đang thay đổi là một phần của việc sắp xếp lại vĩnh viễn và tin rằng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng thậm chí có thể báo trước sự sụp đổ của hệ thống thương mại quốc tế.
 
Các nhà kinh tế học cảnh báo rằng cuộc thương chiến có thể khiến nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa được sản xuất ở ASEAN giảm. Nhu cầu từ này giảm sẽ là một lý do giải thích tại sao các nước được cho là hưởng lợi từ việc tái phân bổ sản xuất vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu thuế quan được thực thi. Giải thích luận điểm này, Keith Seung-Youn Oh, Giáo sư trợ lý tại Đại học Bryn Mawr ở Philadelphia cho rằng các nước ở châu Á là nhà cung cấp lớn các phụ tùng và linh kiện cho Trung Quốc.
 
Những thứ này sẽ được lắp ráp thành các thành phẩm xuất khẩu, mà điểm đến cuối cùng thường là Mỹ. Do đó, các nước này sẽ phải gián tiếp đối mặt với những tác động tiêu cực từ cuộc thương chiến chứ không thể chỉ hoàn toàn đứng ngoài cuộc mà hưởng lợi được.
 
Các nhà kinh tế học cũng cảnh báo rằng đồng nhân dân tệ suy yếu có thể khiến hàng hóa Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn so với những hàng hóa đến từ Đông Nam Á. Câu chuyện của Công ty cao su Guangken ở tỉnh Satun, miền Nam Thái Lan chuyên xuất khẩu cao su sang Trung Quốc là một ví dụ. Panida Ta-en, Phó giám đốc Marketing của nhà máy cho hay họ nhận thấy rõ tác động của nó.
Dệt may của Việt Nam được cho là ngành có thế mạnh cạnh tranh.
Dệt may của Việt Nam được cho là ngành có thế mạnh cạnh tranh.
Trước cuộc thương chiến, mỗi tháng công ty này thường xuất khoảng 3.000 đến 4.000 tấn cao su tinh chế sang Trung Quốc. Vài tháng qua, con số này chỉ còn là 2.000 đến 3.000 tấn.
 
Lợi thế
 
Malaysia là một nước có vị trí tốt để thu hút các chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. So với các nước láng giềng, Malaysia là quốc gia có tiền lương trung bình cao hơn, có GDP bình quân đầu người là 10.000 USD.
 
Theo phân tích được công bố năm 2018 của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nomura trên tổng số 7.705 mặt hàng trong danh sách thuế quan, những ngành được lợi nhất của Malaysia là khí đốt tự nhiên hóa lỏng, công nghệ thông tin và vi mạch điện tử. Cơ sở hạ tầng tiên tiến, môi trường thân thiện với doanh nghiệp và môi trường quản lý kinh doanh ổn định đã khiến Malaysia trở thành một lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư.
 
Theo các nhà phân tích, Thái Lan cũng có thể tận dụng sự thay đổi trong các chuỗi cung ứng, mặc dù nền kinh tế nước này được cho là sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn từ cuộc thương chiến. Vào tháng 12-2018, Ngân hàng Thái Lan Kasikorn dự đoán rằng việc có những nền tảng mạnh mẽ và vị trí địa lý liền thổ với Trung Quốc sẽ khiến nước này được lợi từ việc tái phân bổ sản xuất và đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng điện tử, vi mạch tích hợp và phụ tùng ôtô.
 
Còn theo ông Matteo Vidiri tại Viện Kinh tế học Mekong, Myanmar có khả năng cung cấp cho Trung Quốc những nông sản và thực phẩm mà trước đây Trung Quốc thường nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là gia súc, cá và gỗ. Những cải cách đối với luật đầu tư địa phương cũng có thể lôi kéo một số nhà sản xuất chuyển đến các đặc thù kinh tế được thành lập từ trước khi có cuộc thương chiến.
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Myanmar sẽ đưa nước này vào cuộc chạy đua hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung.
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Myanmar sẽ đưa nước này vào cuộc chạy đua hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung.
Ngược lại, các “con hổ” kinh tế, được quảng bá rầm rộ vì sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, có khả năng sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại này. Đa phần những con hổ này, đều đã chịu ảnh hưởng từ các cuộc suy thoái kinh tế gần đây, giờ đây với lực lượng lao động lương cao sẽ khó trở thành điểm đến cho các công ty muốn chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
 
Chủ nghĩa bảo hộ
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của không ít chuyên gia, mặc dù một số nền kinh tế ở Đông Nam Á có thể được lợi trong ngắn hạn và thậm chí là trung hạn, thì sự thay đổi toàn cầu hướng tới chủ nghĩa bảo hộ thương mại về lâu dài sẽ không có lợi cho bất kỳ nền kinh tế lành mạnh nào. Ngay cả khi việc chuyển đổi sản xuất mang lại lợi ích cho một số nước nhất định, xuất khẩu liên tục suy giảm trên toàn thế giới sẽ có nguy cơ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
 
Theo IMF, cuộc chiến thương mại kéo dài và toàn diện có thể làm tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm đi 0,8%, và giữ nó ở mức dưới 0,4% trong dài hạn. Tháng 4/2019, ADB dự đoán tăng trưởng của khu vực sẽ giảm từ 5,9% năm 2018 xuống còn 5,7% trong năm nay, chỉ ra những căng thẳng thương mại là yếu tố gây nguy hiểm nhất cho sự phát triển kinh tế.
 
ADB cũng dự đoán tăng trưởng khu vực châu Á sẽ giảm xuống còn 5,6% trong năm 2020. Trong một dự đoán thậm chí còn tồi tệ hơn, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái nếu Washington và Bắc Kinh tiếp tục đối đầu.
 
Cả Mỹ và Trung Quốc đều thông báo doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp thấp hơn dự kiến trong tháng 4-2019, ngay trước khi mức thuế áp đặt mới nhất được công bố. Michael Plummer, nhà kinh tế học thương mại tại Trường Nghiên cứu quốc tế Jonh Hopkins ở Washington DC cho rằng chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng cuối cùng cũng sẽ không tốt đối với châu Á.
 
Theo ông, ngày nay thế giới đã trở nên hội nhập hơn nhiều so với những năm 1970 và suy giảm ở một khu vực kinh tế đầu tàu (Mỹ và Trung Quốc) sẽ không thể không ảnh hưởng tới các khu vực khác, thậm chí thiệt hại có thể lớn hơn nhiều so với điều mà người ta có thể nghĩ đến.
.

Nguồn: CAND

.