Thứ Năm, 04/07/2019, 09:28 [GMT+7]

Căng thẳng Mỹ-Iran và nỗi lo lặp lại thảm kịch bắn rơi máy bay thương mại

Cách đây đúng 31 năm, chiến hạm hiện đại nhất thế giới khi đó của Mỹ USS Vincennes bắn 2 tên lửa vào máy bay thương mại Iran trên Eo biển Hormuz, làm toàn bộ 290 người trên khoang thiệt mạng.
 
Căng thẳng leo thang sát ngưỡng xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran gần đây khiến các hãng hàng không lớn trên khắp thế giới phải định tuyến lại các chuyến bay tránh khu vực quanh Eo biển Hormuz. 
 
Sự việc càng trở nên căng thẳng hơn sau khi Iran hôm 20-6 bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, dấy lên lo ngại các máy bay thương mại có thể bị tấn công nhầm trong tình huống hỗn loạn.
Tàu chiến USS Vincennes của Mỹ. Ảnh: US Navy
Tàu chiến USS Vincennes của Mỹ. Ảnh: US Navy
Nguy cơ này là hoàn toàn có thật, khi mà cách đây đúng 31 năm, ngày 3-7-1988, chính căng thẳng giữa Mỹ và Iran tại vùng biển chiến lược này đã dẫn đến một trong những sự cố hàng không thảm khốc nhất lịch sử thế giới mà đến nay người Iran vẫn không thể quên và khiến họ khó lòng tha thứ: Sự cố máy bay IR655 bị bắn hạ.
 
Theo New York Times, sự việc khi đó xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh Iran – Iraq đang đi vào hồi khốc liệt nhất. Trong cuộc chiến này, Iraq tấn công Iran trước dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.
 
Từ đầu năm 1988, Mỹ nhiều lần dùng lí do tàu bè bị tấn công ở Eo biển Hormuz để đánh phủ đầu Iran. Chỉ riêng cuộc xung đột trực tiếp giữa hai bên vào tháng 4-1988, Mỹ phá hủy hai giàn khoan dầu của Iran, đánh chìm 6 tàu chiến, chiếm một nửa lực lượng tác chiến của hải quân Tehran, khiến tình hình lúc nào cũng "căng như dây đàn".
Bản đồ đường đi và vị trí gặp nạn của máy bay IR655.
Bản đồ đường đi và vị trí gặp nạn của máy bay IR655.
Vào ngày 3-7-1988, tàu tuần dương tên lửa USS Vincennes hiện đại nhất thế giới khi đó của Mỹ do hạm trưởng William C. Rogers III chỉ huy vượt qua Eo biển Hormuz để trở về Bahrain sau nhiệm vụ hộ tống. Tuy nhiên, một trực thăng cất cánh từ tàu này bị tấn công bởi tàu tuần tra của Iran, khiến ông Rogers III cho tàu quay lại truy đuổi.
 
Vào thời điểm cuộc rượt đuổi diễn ra trên biển, máy bay thương mại Airbus A-300 203 B2, số hiệu IR655, của hãng hàng không Iran Air đã cất cánh từ sân bay Bandar Abbas trong hành trình đến Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
 
Phi cơ của Iran sử dụng hệ thống thu-phát tín hiệu mã "squawk" đặc trưng của máy bay dân sự và duy trì liên lạc vô tuyến với trạm kiểm soát không lưu mặt đất. Tuy nhiên, khi vừa cất cánh, máy bay lại lọt vào phạm vi kiểm soát của radar Aegis trên USS Vincennes.
 
Khi bay qua Eo biển Hormuz, hạm trưởng Rogers III không rõ vì lí do gì lại nhận định chiếc A-300 là “một mối đe dọa” và ra lệnh phóng 2 tên lửa đối không SM-2MR về phía phi cơ, không cho phi công trên máy bay thương mại Iran cơ hội nào ứng phó. Chiếc A-300 rơi xuống biển, toàn bộ 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
 
Rogers III khai rằng chiếc máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Bandar Abbas đã bay lệch hướng, hạ độ cao và hướng về phía tàu chiến Mỹ, khiến ông ta tin rằng nó là một tiêm kích F-14A của Iran đang có ý định tấn công USS Vincennes.
Hạm trưởng William C. Rogers III. Ảnh: AP
Hạm trưởng William C. Rogers III. Ảnh: AP
Tuy nhiên, cuộc điều tra do chính Mỹ tiến hành đã luận chiếc Airbus A-300 tăng độ cao hoàn toàn bình thường như một máy bay dân sự và bám theo tuyến bay dân sự được chỉ định. USS Vincennes cũng được cho là đã xâm phạm lãnh hải Iran.
 
Vụ việc trở thành một “vết nhơ” trong lịch sử quan hệ vốn ngày càng xấu đi giữa hai nước. Mỹ sau đó nói rằng họ “bắn nhầm” nhưng đổ lỗi cho Iran vì “cho máy bay thương mại hoạt động ở vùng chiến sự”.
 
Gần 8 năm sau thảm họa, Chính phủ Mỹ miễn cưỡng chi hơn 60 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân xấu số Iran. Nhưng đến nay, chưa có lời xin lỗi chính thức nào được đưa ra.
 
Đáng chú ý, một thời gian sau sự cố, vào năm 1990, hạm trưởng Rogers III thậm chí vẫn được Hải quân Mỹ trao huân chương vì "thành tích phục vụ đặc biệt" trong thời gian tham chiến ở vịnh Ba Tư.
.

Nguồn: CAND

.