Thứ Năm, 18/07/2019, 15:32 [GMT+7]

Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng đói nghèo gia tăng trên toàn thế giới

Trong báo cáo được công bố ngày 15-7, Liên hợp quốc (LHQ) chỉ ra rằng, hơn 821 triệu người dân trên toàn thế giới rơi vào cảnh thiếu ăn trong năm 2018, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp con số này gia tăng. Báo cáo mang tên “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu” do Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và các cơ quan khác của LHQ trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WTO) phối hợp thực hiện.
 
Sau nhiều thập kỷ liên tục giảm, số người rơi vào cảnh đói kém tăng trở lại vào năm 2015, chủ yếu do biến đổi khí hậu và chiến tranh. Việc đảo ngược xu hướng này là một trong các Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030 đã được LHQ vạch ra.
Theo báo cáo của LHQ, Nam Sahara và Nam Á có nhiều người nghèo nhất thế giới. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của LHQ, Nam Sahara và Nam Á có nhiều người nghèo nhất thế giới. Ảnh minh họa
Nhưng báo cáo mới của LHQ cho thấy tương lai một thế giới không còn cảnh đói kém hiện vẫn xa vời khi số người không đủ ăn tiếp tục tăng từ 811 triệu người năm 2017 lên 821 triệu người năm 2018. Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới David Beasley dự đoán thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu xóa đói vào năm 2030.
 
Ông cho rằng, đây là một xu hướng tồi tệ bởi không đảm bảo an ninh lương thực thì thế giới sẽ không thể hòa bình và ổn định. Quan chức LHQ cũng cảnh báo các tổ chức cực đoan đang biến tình trạng thiếu ăn và kiểm soát nguồn cung cấp thành vũ khí để chia rẽ các cộng đồng hoặc tuyển mộ thành viên mới.
 
Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra trên diện rộng tại châu Phi, tác động tới 20% dân số châu lục này và tại châu Á, tác động tới 12% dân số. Trong khi đó, tình trạng mất an ninh lương thực khiến tổng cộng hơn 2 tỷ người (với 8% tập trung ở Bắc Mỹ và châu Âu) thường xuyên không được tiếp nhận đủ dưỡng chất, thực phẩm an toàn.
 
Đặc biệt, tình trạng suy giảm an ninh lương thực tại Mỹ Latinh và Caribe đã tác động tới 42,5 triệu người trong khu vực này. FAO cảnh báo tại Mỹ Latinh và Caribe, tỷ lệ người thiếu ăn đã tăng trong vài năm qua, chủ yếu là tại Nam Mỹ, nơi tỷ lệ người chịu đói tăng từ 4,6% vào năm 2013 lên mức 5,5% năm 2018. Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ này, Mỹ Latinh đã giảm được tới một nửa tỷ lệ người thiếu ăn, tuy nhiên kể từ năm 2014 tỷ lệ người bị đói lại gia tăng trở lại.
 
FAO nhấn mạnh việc gia tăng nạn đói phản ánh tình trạng suy giảm kinh tế mà khu vực này đang trải qua, với việc các mặt hàng nguyên liệu – động cơ tăng trưởng kinh tế chính của đa phần các nước trong khu vực – rớt giá trên thị trường thế giới. Xu hướng này khiến nạn thất nghiệp gia tăng và khiến thu nhập của đa phần gia đình trong khu vực sụt giảm, ảnh hưởng tới cuộc chiến chống đói nghèo.
 
Cũng trong báo cáo mới, FAO khẳng định các nỗ lực hiện tại là không đủ để đạt mục tiêu giảm một nửa số trẻ em chậm lớn vì suy sinh dưỡng vào năm 2030. Hiện khoảng 149 triệu trẻ em trên toàn thế giới được xác định chậm phát triển vì suy dinh dưỡng. Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra tình trạng thừa cân và béo phì tăng ở mọi khu vực, đặc biệt ở nhóm trẻ trong độ tuổi đến trường và người trưởng thành.
 
Báo cáo của LHQ nêu rõ, để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, chính phủ các nước cần sẵn sàng các chính sách kinh tế và xã hội để đối phó với hậu quả của biến động kinh tế trong khi bằng mọi giá, phải duy trì các dịch vụ cần thiết như chăm sóc sức khỏe hay giáo dục.
 
Các tác giả báo cáo cho rằng, cần một sự biến đổi cấu trúc để đưa cả những người nghèo nhất trên thế giới vào diện được quan tâm. Để thực hiện điều này cần lồng ghép các quan ngại về an ninh lương thực và dinh dưỡng với các nỗ lực giảm nghèo trong khi vẫn tiếp tục khắc phục bất bình đẳng giới.
 
LHQ coi sự tồn tại của nghèo đói, bao gồm nghèo đói cùng cực là mối quan tâm lớn và từ năm 1992 đã tuyên bố ngày 17-10 hằng năm là Ngày Quốc tế chống đói nghèo. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo luôn là ưu tiên trong hoạt động của LHQ. Năm 2015, LHQ đã đưa mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. Xóa đói giảm nghèo cũng được coi là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.
 
Trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nhiều sự tiến bộ vượt bậc về y học, khoa học, giáo dục, văn hóa, giúp con người có cuộc sống tốt hơn, vẫn tồn tại tình trạng hàng triệu người sống cảnh nghèo khó, không được đảm bảo điều kiện sống cơ bản, thiếu lương thực, hạn chế về dịch vụ y tế.
 
Tình trạng nghèo khổ cùng cực được coi là rào cản đối với việc hưởng quyền con người một cách đầy đủ và hiệu quả. Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cho thấy tình trạng đói nghèo là nguyên nhân chính cản trở cơ hội được tới trường của trẻ em, hay nói một cách khác, nghèo đói cũng đi liền với thất học.
 
Tình trạng người nghèo trên thế giới không thể tiếp cận những dịch vụ xã hội thiết yếu cũng đồng nghĩa với sự vi phạm quyền con người của bộ phận này. Gần 50% số người nghèo tại 48 nước hiện vẫn nằm trong danh sách các nước kém phát triển nhất (LDC) không được tiếp cận nước sạch, trên 1,1 tỷ người không có điện sinh hoạt.
 
Dịch vụ chăm sóc y tế không đến được với gần 1 tỷ người trong diện đói nghèo và đây là nguyên nhân khiến "các bệnh dịch do nghèo đói", chỉ những bệnh dịch thường xuất hiện ở các nước nghèo và người nghèo, không được ngăn chặn. WTO ước tính các bệnh dịch bắt nguồn từ sự nghèo đói đã cướp đi sinh mạng của 14 triệu người mỗi năm trên thế giới.
 
Bởi vậy, cam kết xóa đói nghèo trên thế giới cũng được hiểu là cam kết đảm bảo quyền con người và tôn trọng nhân phẩm của những người đang phải chịu thiệt thòi. Bên cạnh những quyết sách của chính phủ, sự gắn kết xã hội được coi là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho sự tiếp cận với những người ở tận cùng xã hội, giúp họ thoát khỏi đói nghèo trong mọi hình thức.
.

Nguồn: CAND

.