Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201804/nhung-no-luc-tai-thiet-hoa-binh-cho-syria-791087/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201804/nhung-no-luc-tai-thiet-hoa-binh-cho-syria-791087/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những nỗ lực tái thiết hòa bình cho Syria - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 22/04/2018, 15:52 [GMT+7]

Những nỗ lực tái thiết hòa bình cho Syria

Ngày 21-4 (giờ địa phương), trong một nỗ lực nhằm vượt qua những chia rẽ sâu sắc về cách thức chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 8 ở Syria, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp không chính thức ở Backakra, cực Nam Thụy Điển.

Đây là lần đầu tiên trong năm 2018, 15 đại sứ thuộc HĐBA LHQ và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres được mời tham dự cuộc họp không chính thức tại một nước ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ. Chính phủ Thụy Điển cho biết, tại cuộc họp, HĐBA LHQ thảo luận các biện pháp nhằm củng cố và tăng cường sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ. 

Phó Đại sứ Thụy Điển tại LHQ Carl Skau cho biết ý tưởng tổ chức cuộc họp trên là nhằm “thiết lập lại đối thoại” và “tạo lại động lực”, một tuần sau vụ không kích Syria do Mỹ, Anh, Pháp tiến hành. Theo ông, Backakra là “địa điểm phù hợp” để nối lại sức mạnh ngoại giao.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom cảnh báo không nên hy vọng quá về việc toàn bộ vấn đề Syria sẽ được giải quyết trong cuộc họp này.

Theo Ngoại trưởng Thụy Điển, cần có thời gian để thảo luận vai trò lâu dài của HĐBA LHQ và LHQ trong cuộc xung đột tại Syria.

Một cuộc họp về tình hình Syria của HĐBA LHQ.
Một cuộc họp về tình hình Syria của HĐBA LHQ.

Trong khi đó, Mỹ, Pháp và Anh đã sửa đổi một dự thảo nghị quyết về Syria nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của HĐBA LHQ cho một phản ứng chính trị và nhân đạo đối với cuộc xung đột tại Syria, trong đó kêu gọi Tổng Thư ký LHQ “thăm dò các biện pháp để nối lại những cuộc đàm phán chính thức” về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ 8 tại quốc gia Trung Đông này.

Dự thảo khuyến khích Tổng Thư ký Guterres, thông qua đặc phái viên của ông tại Syria là Staffan de Mistura, “thành lập một ủy ban hiến pháp bao gồm đại diện mọi thành phần trong xã hội Syria”.

Liên quan tới vấn đề khủng bố tại Syria, Nga cảnh báo, tại Syria, các nhóm khủng bố Jebhat al-Nusra liên minh với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) và Quân đội Tự do Syria (FSA) đang chuẩn bị mở một mặt trận mới ở phía Nam, nơi có nguy cơ xảy ra đụng độ không chỉ giữa Nga và Mỹ, mà cả Israel và Jordan.

Theo đó, ba nhóm này đã tập hợp được trên 12.000 tay súng và hàng trăm xe để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn, tấn công vào lực lượng chính phủ tại các thành phố Daraa và Al Baath cùng các vùng lân cận. Mục đích của chiến dịch này là xây dựng một khu vực tự trị dưới sự bảo trợ của Mỹ có thủ phủ là Daraa.

Trước cảnh báo này, các nước Iran, Iraq, Nga và Syria đã tổ chức một cuộc họp giới chức an ninh và quân đội tại thủ đô Baghdad (Iraq) nhằm phối hợp các nỗ lực chống khủng bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Tướng Amir Hatami trong một tuyên bố nêu rõ: “Hợp tác tình báo giữa 4 nước vì những mục tiêu chung và nhiệm vụ chống khủng bố đã thành công trong việc khôi phục ổn định và an ninh, điều này cần tạo ra nền tảng cho hợp tác trong tương lai”.

Ngoài ra, Tướng Hatami cũng cho biết, “liên quân” này đã “có vai trò quan trọng trong việc đánh bại” IS tại Iraq và Syria. Cuộc họp diễn ra cùng ngày với việc không quân Iraq tiến hành oanh kích vào các địa điểm của IS bên trong lãnh thổ Syria gần biên giới Iraq.

Trước đó, phát biểu hôm 20-4 trước báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Moscow sẽ không chấp nhận âm mưu chia cắt Syria cũng như việc các lực lượng nước ngoài thiết lập sự hiện diện lâu dài tại quốc gia Trung Đông này.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không chấp nhận các âm mưu phá hoại Syria, mà chúng ta đã thấy, và thiết lập tại đó sự hiện diện vĩnh viễn của các lực lượng ngoài khu vực. Điều này đi ngược lại các thỏa thuận đã đạt được”. Viện dẫn Nghị quyết 2254 (của HĐBA LHQ) quy định, Syria là quốc gia thống nhất và không thể bị chia cắt, và tiến trình chính trị cần đảm bảo cho người dân Syria tự định đoạt vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp của nước ngoài, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định: “Tất cả các bước đi mà chúng tôi tiến hành đều nhằm đạt được mục tiêu này”.

Trong bối cảnh quốc tế vẫn chưa thể tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, nói đúng hơn là quá trình này đang trong giai đoạn bế tắc, thì ý định can dự quân sự của các nước chắc chắn sẽ làm cho tình hình thêm “phức tạp”.

.

Theo Báo CAND

.