Thứ Sáu, 10/05/2019, 15:10 [GMT+7]

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Tổng thống Trump chiếm ưu thế?

Việc Trung Quốc đang chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ 7 lần trong chiến tranh thương mại liệu có khiến Tổng thống Trump chiếm ưu thế trong đàm phán?

Cách đây 1 tuần, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc gần như đã tiến gần đến một thỏa thuận cho những tranh chấp thương mại. Tuy nhiên hiện nay, Mỹ và Trung Quốc lại đang trên bờ vực của sự leo thang căng thẳng mới khi một vòng áp thuế trừng phạt nữa lên hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực ngày 10/5.

cuoc chien thuong mai my-trung: tong thong trump dang
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, Washington. Ảnh: Reuters

Cuộc đàm phán về vấn đề thương mại ngày 9/5 kéo dài trong suốt 11 giờ giữa phái đoàn cấp cao Trung Quốc dẫn đầu là Phó Thủ tướng Lưu Hạc và đoàn đàm phán Mỹ dẫn đầu là Đại diện Thương mại Robert Lighthizer.

Sức ép nhằm cứu vãn một thỏa thuận thương mại giữa 2 bên đã tăng cao ngày 8/5 sau khi Mỹ chính thức đệ trình một tài liệu sẽ hiện thực hóa đe dọa trên Twitter trước đó của Tổng thống Trump về việc tăng thuế nhập khẩu đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.

Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đáp trả nhưng không nêu cụ thể các biện pháp đáp trả là gì.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump đã cáo buộc Bắc Kinh không tuân thủ các cam kết trong suốt các cuộc đàm phán thương mại trước đó.

Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Florida ngày 8/5, ông Trump cho rằng Trung Quốc đã "phá vỡ thỏa thuận". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã thay đổi thái độ nhanh chóng khi ngày 9/5 ông đăng tải dòng trạng thái trên Twitter nói rằng ông đã nhận được "một bức thư tuyệt vời" từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mỹ “trên cơ” Trung Quốc?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bước sang năm thứ 2 nhưng Washington và Bắc Kinh vẫn đang "đau đầu" giải quyết một loạt vấn đề quan trọng còn khúc mắc giữa 2 bên.

Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng Trung Quốc sẽ tổn thất nhiều hơn Mỹ nếu căng thẳng thương mại song phương tiếp tục kéo dài. GDP của Trung Quốc có thể sẽ giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt tiếp tục "bóp nghẹt" các công ty Trung Quốc ở thị trường Mỹ, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) nhận định.

Trong khi đó, với nền kinh tế lớn mạnh, thị trường nghề nghiệp dồi dào và phố Wall ít biến động, chính quyền Tổng thống Trump đang có một vị thế thuận lợi hơn Trung Quốc trong đàm phán.

Nền kinh tế Mỹ đã tăng 3,2% trong quý đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức thấp trong vòng 50 năm trở lại đây và sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ năm nay đã thu hút các nhà đầu tư hơn khi hầu hết đều cho rằng Mỹ và Trung Quốc sắp đạt được một thỏa thuận.

Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn Mỹ 7 lần

"Mỹ nhập khẩu khoảng 540 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc năm 2018 và xuất khẩu sang Trung Quốc 120 tỷ USD hàng hóa. Cả 2 số liệu trên đều không chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Mỹ, vốn đạt hơn 21.000 tỷ USD trong quý đầu tiên", Robert E. Scott - một chuyên gia kinh tế tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) nhận định với Al Jazeera.

Ông Scott cũng cho biết thêm: "540 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ năm 2018 tương ứng với 4% GDP của Trung Quốc, Nói cách khác, Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng hơn Mỹ gấp 7 lần trong những tranh chấp thương mại hiện nay".

Với việc đồng USD vẫn mạnh trong khi đồng Nhân dân tệ suy yếu và các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải gánh thêm phụ phí, chuyên gia Scott tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ bị tác động nhỏ và có thể xoay xở được tình hình.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác tin rằng vị thế của chính quyền Tổng thống Trump trong đàm phán thương mại với Trung Quốc không mạnh như nhiều bài báo nhận định.

"Các công ty Mỹ đến nay cũng phải gánh nhiều chi phí thuế quan, đặc biệt trong những loại hàng hóa bị đánh thuế 10%", Andrew Coflan - một chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Á-Âu nhận định với Al Jazeera.

"Mức thuế 25% thì thậm chí còn khó khăn hơn và có thể tạo ra sự chênh lệch trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chi phí theo một cách nào đó sẽ chuyển sang cho người tiêu dùng. Điều này sẽ gây ra lạm phát và thất nghiệp - hai thách thức mà hiện nay chính quyền Tổng thống Trump đang không phải quá bận tâm”.

Dù vậy, kể cả khi Mỹ cũng chịu những tác động nhất định từ chiến tranh thương mại thì Trung Quốc vẫn gánh nhiều thiệt hại về kinh tế hơn bởi sự phụ thuộc cao hơn vào xuất khẩu và nợ công tăng lên.

Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chịu nhưng hậu quả nhất định khi dòng chảy thương mại và thị trường tài chính biến động.
 
Chiến tranh thương mại toàn diện

Theo các bài báo, đàm phán thương mại chững lại hồi tuần trước là do phía Trung Quốc từ chối đưa ra những thay đổi mang tính cấu trúc theo yêu cầu của Mỹ.

"Không có sự thay đổi về pháp lý, các quan chức Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn và gần như không thể đạt được thỏa thuận".

Trong khi đó, phái đoàn Mỹ từ chối tiết lộ chính xác điều gì đã làm gián đoạn đàm phán với Trung Quốc.

Một bản dự thảo 7 chương dài 150 trang về bản thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã nêu ra các vấn đề phức tạp còn khúc mắc giữa 2 nước như chấm dứt các quy định về việc chuyển giao công nghệ bắt buộc của Bắc Kinh, thực hiện sự bảo hộ tốt hơn với các sản phẩm sở hữu trí tuệ của Mỹ và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho các công ty Mỹ.

Gary Clyde Hufbauer - một chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, có khả năng "Trung Quốc sẽ không chịu thực hiện một số cam kết trước đó, liên quan đến các khoản trợ cấp địa phương và việc mở cửa thị trường nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng như thịt lợn và đậu nành".

Bất kể lý do vì sao các cuộc trao đổi thương mại giữa 2 bên dường như đang trở nên bấp bênh, nhiều chyên gia đều nhất trí rằng mặc dù Mỹ có các điều kiện thuận lợi hơn để "vượt bão" nhưng những ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi.

"Nếu đe dọa áp thuế của Tổng thống Trump biến thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị giảm sút, có thể khoảng 0,5% và thị trường chứng khoản sẽ trải qua một "cú sốc" lớn”, ông Hufbauer nhận định.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, người tiêu dùng cũng chịu tác động khi giá cả của một loạt hàng hóa tăng lên và một số doanh nghiệp của Mỹ cũng bị ảnh hưởng.

"Về việc nhập khẩu của Mỹ, một loạt hàng hóa bán trong các siêu thị như Walmart hay Target sẽ đắt đỏ hơn. Còn về mặt xuất khẩu của Mỹ, doanh thu nông nghiệp sẽ trở nên thảm hại. Các công ty dịch vụ doanh nghiệp lớn như JPMorgan Chase cũng chịu tác động và việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như máy bay hay turbine sẽ giảm sút".

Mỹ sẽ nhượng bộ để kéo dài đàm phán?

Khi đồng hồ đếm ngược đang dần điểm đến thời hạn áp thuế ngày 10/5, một số nhà phân tích tin rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ nhượng bộ.

"Tôi vẫn cho rằng chúng ta sẽ có một thỏa thuận", Edward Alden - một chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ quốc tế nhận định với Al Jazeera.

Nhà phân tích Alden cho rằng chính quyền ông Trump sẽ mở rộng hạn chót ra sau ngày 10/5 để các nhà đàm phán có thêm thời gian trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chỉ ổn định nếu chứng kiến những dấu hiệu tích cực của thỏa thuận.

Tuy nhiên, tiến trình đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn rất nhiều trắc trở.

"Trung Quốc hiện đang chịu nhiều thiệt hại hơn nhưng điều đó không có nghĩa là họ không đủ sức chịu đựng trong một cuộc chiến thương mại trường kỳ", ông Alden nhận định.

"Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ cắt giảm một số vấn đề và đàm phán ở mức vừa đủ ngày 10/5 để rút lại đe dọa áp thuế", nhà phân tích Scott dự đoán. Tổng thống Trump sẽ tweet về "một chiến thắng lớn" và có thể tổ chức một lễ ký kết thỏa thuận - có thể là tại Hội nghị G20 vào tháng 6 này.

"Mỹ sẽ chỉ đưa ra những nhượng bộ không đáng kể" và hạn chế tối đa những tác động đến nền kinh tế nước này", ông Scott cho biết thêm./.

 

.

Nguồn: vov.vn