Chủ Nhật, 09/06/2019, 15:11 [GMT+7]

Thế giới tuần qua: Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục

Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, Singapore khẳng định quyết tâm xây dựng quan hệ tốt đẹp với Campuchia và Việt Nam, Mỹ và Anh hướng tới một thỏa thuận thương mại sau Brexit, Nga và Trung Quốc nhất trí nâng cấp quan hệ song phương... Đó là một số tin tức quốc tế được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục

Tối 7/6 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Đại biểu các nước chúc mừng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ sau khi Việt Nam trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu các nước chúc mừng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ sau khi Việt Nam trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. (Ảnh: TTXVN)

Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ đã ủng hộ Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA). Đây là số phiếu kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của LHQ.

Kết quả trên đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của người dân Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ nói chung và HĐBA nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Ngay sau khi trúng cử, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và phát biểu trước báo chí quốc tế, bày tỏ sự cảm ơn tới cộng đồng quốc tế và cam kết Việt Nam sẽ đóng vai trò xây dựng và có trách nhiệm trên cương vị mới tại HĐBA.

Việt Nam sẽ thay thế Kuwait đại diện nhóm châu Á- Thái Bình Dương và theo cơ chế luân phiên, Việt Nam sẽ là Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 01/2020, ngay sau khi Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Singapore khẳng định quyết tâm xây dựng quan hệ tốt đẹp với Campuchia và Việt Nam

Ngày 7/6, Bộ Ngoại giao Singapore  đã ra tuyên bố giải thích quan điểm chính thức sau phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long liên quan Campuchia và Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La 2019. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La và trên trang Facebook cá nhân hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có phát biểu cho rằng Việt Nam đã “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia năm 1979.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishman. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishman. (Ảnh: TTXVN)

Trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Singapore, người phát ngôn bộ này nêu rõ: “Singapore rất coi trọng quan hệ với Campuchia và Việt Nam. Bất chấp những khác biệt trong quá khứ, chúng tôi luôn đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và hữu nghị. Quan hệ song phương đã phát triển trên nhiều lĩnh vực và chúng tôi đã cùng làm việc với các quốc gia Đông Nam Á khác để xây dựng một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đoàn kết và thống nhất”.

Bộ Ngoại giao Singapore cũng cho biết, ngày 7/6, Bộ trưởng Vivian Balakrishnan đã có các cuộc điện đàm giải thích quan điểm chính thức với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn.

Thông cáo của Bộ trên nêu rõ: "Các bên đã nhất trí rằng bất chấp khác biệt lớn trong quá khứ, giờ đây chúng tôi đã lựa chọn hợp tác, đối thoại và tình hữu nghị". Thông cáo khẳng định "Singapore quyết tâm xây dựng quan hệ tốt với Việt Nam và Campuchia, hy vọng rằng mối quan hệ có thể tiếp tục phát triển dựa trên lòng tin".

Mỹ và Anh hướng tới một thỏa thuận thương mại sau Brexit

Việc Mỹ và Anh đạt được một thỏa thuận thương mại được kỳ vọng là sẽ mang lại “lợi ích tiềm năng” cho hai nước đồng minh sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Đây là nội dung được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May đề cập tới trong cuộc họp báo chung ngày 4/6, với một quyết tâm mạnh mẽ để biến mục tiêu này thành sự thật.

Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May rời khỏi căn nhà số 10 phố Downing, ngày 4/6. (Ảnh: Xinhua)
Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May rời khỏi căn nhà số 10 phố Downing, ngày 4/6. (Ảnh: Xinhua)

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống D.Trump đang ở thăm Anh, ngày 4/6, Thủ tướng Theresa May cho biết, bà và Tổng thống D.Trump đã tiến hành các vòng thảo luận được đánh giá là “tích cực” về triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại tham vọng giữa hai nước sau khi Anh rời khỏi EU – hay còn gọi là Brexit.

Tổng thống D.Trump cũng chia sẻ quan điểm trên của bà May khi đặt niềm tin vào khả năng Anh và Mỹ sẽ tiến tới một thỏa thuận thương mại “rất, rất quan trọng” sau Brexit. Theo quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh, nếu được thông qua, sẽ trở thành một “hiện tượng”, giúp thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai bên lên gấp 2, thậm chí là 3 lần.

Nga và Trung Quốc nhất trí nâng cấp quan hệ song phương

Trong cuộc gặp tại thủ đô Moscow ngày 5/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí nâng tầm các mối quan hệ song phương lên hàng đối tác chiến lược toàn diện của sự hợp tác trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau trước khi bước vào đối thoại tại Moscow, ngày 5/6. (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau trước khi bước vào đối thoại tại Moscow, ngày 5/6. (Ảnh: Xinhua)

Hai nhà lãnh đạo đề cao sự phát triển của các mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong vòng 70 năm qua, nhất trí cùng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới, góp phần mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho nhân dân hai nước và thế giới.

Ngoài những chủ đề xoay quanh mối quan hệ song phương, trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Moscow ngày 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi quan điểm về tình hình Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình Venezuela và một số điểm nóng khác trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tăng cường các hình thức hợp tác và liên hệ trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS – gồm sự tham gia của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cùng Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) để cùng bảo vệ chủ nghĩa đa phương và các quy chuẩn của các mối quan hệ quốc tế.

Quốc hội Thái Lan bầu ông Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng mới

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Quốc hội Thái Lan đêm 5/6 đã bầu đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo, làm thủ tướng thứ 30 của Vương quốc này.

Thủ tướng tái đắc cử của Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại một sự kiện ở Bangkok, Thái Lan ngày 5/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng tái đắc cử của Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại một sự kiện ở Bangkok, Thái Lan ngày 5/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Prayut Chan-o-cha nhận được 500 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội, bỏ xa số phiếu 244 mà ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, thủ lĩnh đảng Tương lai Mới, nhận được.

Phiên họp lưỡng viện Quốc hội Thái Lan bắt đầu từ 11h sáng và kéo dài 12 giờ tới gần nửa đêm mới bắt đầu bầu Thủ tướng do cả hai phe ủng hộ chính quyền đương nhiệm và đối lập đều cố gắng ca ngợi những phẩm chất của ứng cử viên của phe mình, trong khi vạch ra những yếu kém của ứng cử viên phe kia.

Với việc lưỡng viện Quốc hội bầu ông Prayut Chan-o-cha làm thủ tướng kế tiếp 5 năm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan giờ đây chính thức khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới hình thành thông qua bầu cử. Kết quả bầu Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan sẽ được Chủ tịch Hạ viện trình lên Nhà vua để phê chuẩn và nội các mới dự kiến sẽ được công bố trong tháng này.

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 4/6 công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (6 tháng 1 lần) cho thấy, nền kinh tế toàn cầu sụt giảm đáng kể trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với căng thẳng thương mại đang ngày càng leo thang giữa các nền kinh tế lớn.

WB vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Ảnh: ABS-CBN News)
WB vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu (Ảnh: ABS-CBN News)

Theo dữ liệu được công bố, kinh tế toàn cầu sụt giảm đáng kể 6 tháng đầu năm do tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu giảm nhanh hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều biến động do điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế cũng ảnh hưởng đến dự báo mà ngân hàng đưa ra.

WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới năm 2019 có thể sẽ thấp hơn 0,3% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 1 vừa qua, theo đó hạ từ 2,9% xuống 2,6% và cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại từ 3,6% xuống còn 2,6%.

WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 ở mức 2,7%, thậm chí có thể giảm xuống 1,7% nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang./.

.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

.