Thứ Tư, 05/06/2019, 08:06 [GMT+7]

Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an: Cơ hội 'trong tầm tay'

Việt Nam đang có những lợi thế và thời cơ “chín muồi” để đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việt Nam sẽ là đại diện duy nhất cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia cuộc bỏ phiếu bầu Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 vào ngày 7/6/2019. Việc ứng cử lần thứ hai vào cơ quan này sẽ giúp Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu trúng cử, vai trò của Việt Nam sẽ được nâng cao, nhưng kèm với đó là trách nhiệm to lớn và những thách thức không hề nhỏ.

Lợi thế của Việt Nam

Tham gia Liên Hợp Quốc từ năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Các nhân viên gìn giữ hòa bình của Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Nguồn: Peacekeeping.un.org.
Các nhân viên gìn giữ hòa bình của Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Nguồn: Peacekeeping.un.org.

Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới năm 1986, việc mở rộng quan hệ bạn bè, đối tác và khẳng định vị thế trên trường quốc tế luôn là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Nhiều cải cách kinh tế thành công của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức như ASEAN, APEC và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tổ chức thành công nhiều sự kiện khu vực và quốc tế quan trọng, như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, APEC 2017, WEF ASEAN 2018.

Tuy nhiên, hoài bão để đưa Việt Nam lên một tầm cao mới và nổi bật hơn trong cộng đồng quốc tế dường như vẫn chưa được hoàn thành nếu Việt Nam không đảm nhiệm một vị trí quan trọng tại một trong những cơ chế đa phương quan trọng nhất thế giới: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đánh giá về lợi thế của Việt Nam tại cuộc bỏ phiếu lần này, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng đã vượt lên những đau thương do chiến tranh gây ra và bây giờ lại tham gia vào công cuộc gìn giữ hòa bình, đó thực sự là kinh nghiệm đáng quý. Không những vậy, việc tổ chức thành công các hội nghị quốc tế đã cho thấy Việt Nam là một quốc gia có năng lực hậu cần, an ninh đảm bảo và rất chuyên nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu của các sự kiện lớn. Nếu được lựa chọn giữ vai trò Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an thì đây sẽ là sự ghi nhận rõ ràng nhất chiến thắng của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, giúp nâng cao vai trò và tiếng nói tại các diễn đàn song phương lẫn đa phương.

Trước đó, vào giai đoạn 2008-2009, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có những đóng góp tích cực như đưa ra sáng kiến bảo vệ trẻ em và phụ nữ tại các khu vực xung đột, thúc đẩy Nghị quyết 1889. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc như triển khai binh sỹ tới khu vực xung đột, xây dựng bệnh viện dã chiến.

Thách thức không hề nhỏ

Nhìn toàn cảnh, tình hình thế giới đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn so với 10 năm trước đây, trong đó nổi bật là vấn đề về an ninh. “Có những nơi có dấu hiệu tích cực, nhưng nhiều nơi lại có những phức tạp nảy sinh. Tôi cho rằng, câu chuyện ở châu Phi, ở Trung Đông vẫn còn những diễn biến phức tạp. Còn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vấn đề bán đảo Triều Tiên dù xuất hiện động thái mới nhưng vẫn chưa được giải quyết. Và thêm nữa là cạnh tranh nước lớn rất phức tạp. Thời gian qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều bất đồng và căng thẳng giữa Nga với Mỹ, giữa Mỹ và Trung Quốc...”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nói.

Đến nay, Liên Hợp Quốc vẫn chưa tìm được giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria – một điểm nóng xung đột tại Trung Đông. Nguồn: Reuters
Đến nay, Liên Hợp Quốc vẫn chưa tìm được giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria – một điểm nóng xung đột tại Trung Đông. Nguồn: Reuters

Điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi mà khối lượng công việc ngày một gia tăng đáng kể. TS. Nguyễn Việt Lâm, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, chương trình nghị sự có yêu cầu rất cao, đòi hỏi các thành viên thường trực phải đóng góp nhân lực và vật lực, cũng như đề xuất giải pháp nhiều hơn. Còn các nước ủy viên không thường trực cần phải nắm rõ quy định, cam kết và phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an, hỗ trợ triển khai kế hoạch đóng góp hòa bình an ninh, giải quyết các điểm nóng xung đột. Ông nhấn mạnh, đây sẽ là những thách thức đối với Việt Nam về việc chuẩn bị trước nội dung đối với các vấn đề dự kiến sẽ được bàn thảo trong giai đoạn 2020 - 2021 và thu xếp hợp lý về thời gian, nhân lực dự họp cũng như theo dõi những vấn đề này.

Thách thức tiếp theo là sự chia rẽ giữa các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Mâu thuẫn và bất đồng ngày càng gia tăng tại Hội đồng Bảo an đang gây trở ngại cho rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam khi tham gia vào cơ quan này.

“Cạnh tranh giữa các nước thành viên thường trực sẽ làm giảm khả năng tương tác và phối hợp đối với những vấn đề thuộc chương trình nghị của Hội đồng Bảo an, khiến các vấn đề này khó đạt được sự nhất trí chung. Chính trong bối cảnh đó, thì không chỉ Việt Nam mà những nước thành viên khác sẽ chịu ảnh hưởng. Câu hỏi đặt ra là với tư cách là một thành viên, khi phải đứng trước sự khác biệt của các nước khác nhau, đặc biệt là những nước lớn, chúng ta sẽ có phương hướng giải quyết như thế nào? Làm sao để vừa đưa ra quan điểm và sáng kiến thiết thực, nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu lại vừa cân bằng lợi ích của các bên liên quan. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng”, nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận xét.

Cuối cùng là thách thức truyền thống đối với một nước Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Một số ý kiến cho rằng, giai đoạn nhiệm kỳ 2 năm tương đối ngắn để một quốc gia có thể tạo được dấu ấn của mình tại Hội đồng Bảo an. Bởi với nhiều thành viên mới, năm đầu tiên là năm học hỏi kinh nghiệm và sang đến năm thứ hai khi đã có kinh nghiệm trong giải quyết và ứng phó với các vấn đề thì lại là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ. Bên cạnh đó là sự đóng góp về nhân lực và vật lực. Chẳng hạn như Việt Nam có thể lập tức triển khai quân nhân tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ngay khi có yêu cầu hay không và chia sẻ nhiều hơn đối với gánh nặng tài chính của Liên Hợp Quốc hay không? Đây là những vấn đề cần phải xem xét nếu Việt Nam muốn mở rộng vai trò tại Liên Hợp Quốc.

Cơ hội và triển vọng của Việt Nam

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia giải quyết những vấn đề mang tầm cỡ quốc tế, tương tác thường xuyên với các cường quốc, đại diện cho ASEAN bày tỏ quan điểm trong các vấn đề chung như bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo. Quan trọng hơn, Việt Nam có thể đưa ra lập trường đối với các vấn đề quan trọng bằng lá phiếu tại Hội đồng Bảo an.

Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo để tham vấn về việc ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nguồn: VOV
Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo để tham vấn về việc ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nguồn: VOV

Cơ hội và tiềm năng mà vị trí này mang đến không hề nhỏ, tuy nhiên Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó có việc tổ chức một hệ thống linh hoạt sẵn sàng ứng phó với mọi vấn đề, tinh gọn bộ máy nhân sự, rõ người rõ việc. Đánh giá về những việc cần chuẩn bị của Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh nói: “Làm sao ngay lập tức chúng ta có thể bố trí được nhân sự bảo đảm thực hiện được trọng trách của mình ở đầu Liên Hợp Quốc và nhân sự bảo đảm hỗ trợ các kênh thông tin, liên lạc, chỉ đạo ở đầu Hà Nội. Tại Hà Nội, chúng ta cần phải phối hợp liên ngành từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Đây là khâu rất quan trọng. Tôi tin rằng các cán bộ của chúng ta hoàn toàn có năng lực để giải quyết vấn đề này”.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh: “Tôi tin Việt Nam sẽ trúng cử với số phiếu cao
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh: “Tôi tin Việt Nam sẽ trúng cử với số phiếu cao". Nguồn: VOV

Theo ông Phạm Quang Vinh, khi trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an giai đoạn 2020-2021, Việt Nam không chỉ xử lý những vấn đề trên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an mà phải tính đến các sáng kiến, đề xuất riêng của Việt Nam và đảm bảo những đề xuất đưa ra có thể được áp dụng hiệu quả.

Đánh giá cơ hội chiến thắng của Việt Nam trong cuộc bỏ phiếu, ông Phạm Quang Vinh lạc quan tin rằng: “Dù kết quả cuộc bầu cử thế nào, thì việc Việt Nam được nhóm châu Á-Thái Bình Dương nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất, đã là một thuận lợi rất lớn. Điều này thể hiện uy tín, vị thế của Việt Nam và sự trông đợi của bạn bè quốc tế và các thành viên Liên Hợp Quốc đối với Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam sẽ trúng cử và tôi tin trúng cử với số phiếu cao bởi chúng ta đã xây dựng hình ảnh về một đất nước đổi mới, tham gia trách nhiệm vào công việc quốc tế, hội nhập quốc tế, đồng thời chúng ta đã có nhiệm kỳ cách đây 10 năm rất thành công”./.

 

.

Nguồn: vov.vn