Thứ Hai, 16/09/2019, 08:50 [GMT+7]

Thế giới quan ngại vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia

Vụ tấn công đã khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia giảm 5,7 triệu thùng/ngày, chiếm gần 6% nguồn cung dầu thô trên thế giới.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án các cuộc tấn công, song ông cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, ngăn chặn căng thẳng leo thang và tuân thủ mọi lúc với Luật Nhân đạo Quốc tế.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Abquaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AP
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Abquaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AP

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, vụ tấn công là nguy cơ, thách thức thực sự đối với an ninh khu vực Trung Đông, gây gián đoạn các nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, các vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bằng máy bay không người lái đang làm xói mòn các nỗ lực hạ nhiệt những căng thẳng vốn có tại khu vực. Các bên cần phải kiềm chế tối đa và ngừng ngay các hành động như vậy.

Sau Pháp, Anh hôm qua cũng đã đưa ra phản ứng trước vụ việc. Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã gọi vụ tấn công là hành động liều lĩnh, cần phải lên án; đồng thời thông báo đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo về vụ việc. Các nước Arập vùng Vịnh cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Saudi Arabia sau các vụ tấn công.

Trước đó, ngày 14/9, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công. Theo giới chức Mỹ, vụ tấn công không được thực hiện từ Yemen – nơi phiến quân Huthi đã nhận tiến hành vụ tấn công.

Đến nay, nhiều quan chức Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã quy trách nhiệm cho Iran về vụ việc. Tuy nhiên Iran đã bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình khi cho rằng Mỹ đã vô lý khi cáo buộc vô căn cứ./.

.

Nguồn: Đình Nam/VOV.VN

.