Thứ Năm, 02/01/2020, 08:34 [GMT+7]

Những sự kiện an ninh chính trị thế giới nổi bật năm 2019

(Congannghean.vn)-Bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2019 vẫn là những gam màu sáng tối đan xen, bên cạnh chủ trương hòa bình, hợp tác cùng phát triển của các quốc gia tiến bộ thì vẫn còn đó không ít vấn đề hết sức nan giải, liên quan đến an ninh chính trị đã kéo dài nhiều năm chưa có hồi kết. Đó là căng thẳng thương mại giữa các cường quốc kinh tế, vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo ở một số quốc gia, hay việc tìm lời giải cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... vẫn đang còn bế tắc. Triển vọng năm 2020 có xán lạn hơn hay không, cần sự hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền đối với các quốc gia, dân tộc là điều cần thiết.

1. Thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Trong 2 ngày 27 - 28/2/2019, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tái ngộ giữa Tổng tống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, với nhiều dự đoán về một kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, trái với mong đợi của cả hai bên và cộng đồng quốc tế, cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã kết thúc sớm hơn dự kiến và không đạt được thỏa thuận nào. Một giải pháp tốt đẹp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên là không hề đơn giản.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam không đạt được thỏa thuận nào đáng kể
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam không đạt được thỏa thuận nào đáng kể

2. Năm 2019 cũng là năm gay gắt về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc: Theo đó, ngày 1/8/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỉ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 và việc này không bao gồm số hàng hóa trị giá 250 tỉ USD vốn đã chịu mức thuế 25% trước đó. Ngoài ra, ông Donal Trump còn có các động thái kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất đồng USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ. Tổng thống Trump còn gia tăng hàng rào đối với hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Đáp lại hành động của Mỹ, từ ngày 5/8/2019, Trung Quốc giảm tỉ giá đồng tiền nước này xuống mức thấp nhất 10 năm qua. Động thái này dẫn đến tình trạng bán tháo cổ phiếu trên thị trường Phố Wall, gây áp lực với Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ xem xét thực thi các đợt cắt giảm lãi suất mới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, chắc chắn sẽ tổn hại đến kim ngạch thương mại của cả hai bên.

3. Giữa lúc Mỹ - Trung Quốc căng thẳng về thương mại thì quan hệ Nga - Trung Quốc nâng tầm quan hệ đối tác: Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga được các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá “hiện ở mức cao chưa từng có”. Nga hiện là đối tác kinh tế quan trọng, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc vẫn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong suốt nhiều năm qua. Cả Nga và Trung Quốc đều khẳng định lập trường chung về xây dựng thế giới hòa bình, đa cực.

4. Thế giới cũng quan ngại khi mối quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc trở nên căng thẳng leo thang, khi Tòa án Tối cao của Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Triều Tiên từ năm 1910 đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, phía Nhật Bản cho rằng, vấn đề bồi thường đã được dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, Nhật Bản đã bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính 500 triệu USD. Thế nhưng, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của toà án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản. Tiếp sau đó là các động thái được xem là cứng rắn về thương mại giữa hai bên, nhằm kiềm chế, phá vỡ cam kết hợp tác giữa các bên. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu Hàn Quốc và Nhật Bản thật sự “lạc nhịp” thì ngành công nghệ của hai nền kinh tế Châu Á sẽ chịu tổn thất đầu tiên.

5. An ninh Biển Đông tiếp tục dậy sóng khi Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam: Cụ thể, sau thời gian dừng các hoạt động khảo sát trái phép trong vùng biển Việt Nam (từ ngày 7/8 - 12/8/2019) thì ngày 13/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Với hành vi trên của Trung Quốc, nhiều học giả quốc tế cho rằng, việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 mà nước này là thành viên.

6. Năm 2019, tình hình an ninh chính trị tại Trung Đông vẫn bất ổn: Đó là căng thẳng leo thang dẫn tới nguy cơ xung đột quân sự giữa Israel và Iran, khi một chiếc máy bay của Israel bị trúng tên lửa và sau đó Israel tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào hệ thống phòng không Syria và các mục tiêu của Iran tại Syria. Ngoài ra, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine vốn đã đình trệ, tiếp tục lâm vào bế tắc do những tác động từ chính sách của Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề xung quanh cuộc nội chiến khốc liệt ở Syria vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc...

7. Năm 2019 cũng là năm đáng chú ý khi Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga bày tỏ quan điểm trong đường hướng đối nội, đối ngoại. Cụ thể, thông điệp Liên bang 2019 của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến thành quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng tiền lương đối với người lao động. Về đối ngoại, Mỹ muốn chấm dứt các cuộc chiến kéo dài ở nước ngoài, giảm sự hiện diện quân đội tại Afghanistan và rút quân đội khỏi Syria, đồng thời đẩy mạnh tiến trình đàm phán vấn đề hạt nhân với Triều Tiên... Tổng thống Mỹ tiếp tục thể hiện mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trong khi đó, đường lối đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thể hiện rõ quan điểm, Nga muốn quan hệ hữu nghị, bình đẳng, toàn diện với Mỹ và các quốc gia láng giềng, gần gũi, tiếp tục chính sách hoàn toàn cởi mở, cùng lúc đảm bảo chủ quyền, độc lập quốc gia.

8. Cuộc biểu tình tại Hồng Kông trong năm 2019 đã bộc phát thành nhiều cuộc ẩu đả giữa nhóm biểu tình và lực lượng Cảnh sát. Đây là phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ. Nếu được ban hành, dự luật sẽ cho phép chính quyền địa phương giam giữ và dẫn độ những người bị truy nã ở những vùng lãnh thổ mà Hồng Kông không có thỏa thuận dẫn độ, kể cả  Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Một số người lo ngại dự luật sẽ đặt người Hồng Kông và du khách vào quyền tài phán của Trung Quốc đại lục, làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và điều đó sẽ lấy đi quyền lợi của họ. Khi các cuộc biểu tình tiến triển, những người biểu tình đưa ra 5 yêu cầu chính đối với hành vi sai trái của Cảnh sát và cải cách dân chủ đã bị đình trệ.

Làn sóng biểu tình tại Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ
Làn sóng biểu tình tại Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ

9. Nền kinh tế Anh đang trong giai đoạn tăng trưởng yếu nhất gần một thập kỷ qua trong bối cảnh nhiều bấp bênh xung quanh vụ "ly hôn" chưa có hồi kết của Anh với EU (Brexit). Theo đó, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng GDP của Anh chỉ đạt 1%, mức thấp nhất kể từ năm 2010. Mặc dù may mắn kinh tế Anh không rơi vào suy thoái, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ảm đạm này là tin xấu với Chính phủ Anh, nhất là chỉ khoảng 1 tháng tới, cuộc tổng tuyển cử lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Anh.

10. Liên minh Châu Âu và Mỹ - mối quan hệ tương hỗ: Có thể thấy, quan hệ Mỹ - EU là một trong những trụ cột bảo đảm an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây, mối quan hệ này đang có dấu hiệu “nhạt dần”, nhất là thời điểm từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump nhậm chức. Lãnh đạo các nước trong khối EU thấy rằng, sức mạnh của Châu Âu không đủ để định hình thế giới, cả Liên minh Châu Âu và Mỹ đều không thể làm một mình mà cần phải có sự hỗ trợ của đối tác và đồng minh.

.

Đ. Thắng (tổng hợp)

.