Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201611/cac-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-deu-co-trach-nhiem-cu-the-khi-xay-ra-su-co-o-nhiem-moi-truong-709388/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201611/cac-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-deu-co-trach-nhiem-cu-the-khi-xay-ra-su-co-o-nhiem-moi-truong-709388/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Các cơ quan quản lý nhà nước đều có trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 17/11/2016, 08:04 [GMT+7]

Các cơ quan quản lý nhà nước đều có trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường

Chiều 15/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

ĐBQH Phạm Đình Cúc: Khi xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm
ĐBQH Phạm Đình Cúc: Khi xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- Bà Rịa Vũng Tàu nêu vấn đề, hiện nay có tình trạng phổ biến là khi xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về mình nên việc xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường rất khó khăn và không triệt để, và đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và hướng xử lý của Bộ trưởng.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành- Đắk Lắk đặt ra vấn đề trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường như thế nào và giải pháp khắc phục tình trạng nhiều bãi thải thuộc các dự án khai thác khoáng sản như than ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, titan ở ven biển, bô xít ở Tây Nguyên bị sạt lở, gây sự cố nghiêm trọng về môi trường, chôn lấp công trình, nhà ở của người dân, thậm chí có những trường hợp xảy ra chết người; và tình trạng các bãi rác thải ở nông thôn không che chắn, không xử lý, có nơi rác tràn ra chen ngang đường dân sinh, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước đều có trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường

Về trách nhiệm khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết theo các quy định hiện nay quản lý nhà nước về môi trường được phân định theo các cấp. Ở Trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành cũng chịu trách nhiệm quản lý theo các lĩnh vực, các ngành chức năng đã được phân định. Địa phương quản lý toàn diện vấn đề môi trường và cũng theo phân cấp các dự án ở địa phương. Vì vậy, khi các sự cố hoặc vấn đề ô nhiễm xảy ra thì rõ ràng chúng ta đều gắn được với trách nhiệm rất cụ thể chứ không phải không có trách nhiệm.

ĐBH Ngô Trung Thành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Đình Nam
ĐBH Ngô Trung Thành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên thực tế, việc phối hợp hay quy định giữa trung ương, địa phương chưa thực sự rõ ràng. Do đó, để khắc phục tình trạng này phải có các quy định cụ thể trong việc phân định các chức năng, nhiệm vụ các cơ quan quản lý ở trung ương và các cơ quan quản lý ở địa phương, đồng thời nó phải xác định được trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp.

Phải xem xét quy định trong các luật liên quan để bảo đảm thống nhất trong việc xác định trách nhiệm, thẩm quyền và người chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm thông suốt từ phê duyệt đánh giá tác động môi trường, giám sát cho đến khi doanh nghiệp hoạt động.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc kiểm soát vấn đề môi trường tốt nhất chính là các cơ quan quản lý môi trường ở địa phương, các cơ quan trung ương không thể đảm đương được việc xử lý các vấn đề môi trường ở tất cả các địa phương cho nên cũng cần phải tính toán để phân cấp rõ hơn cho địa phương, đồng thời với việc gắn trách nhiệm cho địa phương thì cũng phải  tạo các điều kiện về tổ chức bộ máy, thiết bị và nguồn lực để thực hiện.

Tiếp tục rà soát, đánh giá lại và xử lý các bãi thải không bảo đảm

Liên quan đến trách nhiệm quản lý bãi thải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế nhiều bãi thải trong khai thác khoáng sản trở thành một mối nguy cơ rất lớn đối với người dân và là một vấn đề tồn tại rất lớn; đồng thời khẳng định trách nhiệm này thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khi phê duyệt các giấy phép liên quan đến vấn đề công nghệ, đánh giá tác động môi trường, vấn đề quy hoạch bố trí, các vấn đề liên quan đến xử lý chất thải.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các đại biểu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các đại biểu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại trong việc quản lý chất thải. Về phía doanh nghiệp, qua kiểm tra của Bộ cho thấy 137 doanh nghiệp có lượng nước thải trên 200m3, trên 50% doanh nghiệp được kiểm tra không chấp hành đầy đủ các quy định về đánh giá tác động môi trường. Điều này nói lên kỷ cương, kỷ luật và tính nghiêm minh trong thực hiện các quy định pháp luật về triển khai các phương án xử lý môi trường của doanh nghiệp chưa đầy đủ.

Vấn đề thiết kế bãi thải cần phải rà soát, xem xét và đánh giá lại về tính ổn định của các bãi thải trong các điều kiện, có tác động của thiên tai, thời tiết...Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương tiếp tục rà soát và đánh giá lại các bãi thải đặc biệt là xử lý các bãi thải có từ lâu, kết hợp xem xét chuyển dần sang khai thác hầm lò thay cho khai thác lộ thiên đối với một số loại khoáng sản.

Đồng thời, trong thời gian tới, cùng với hoàn thiện đánh giá tác động môi trường, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các vấn đề liên quan đến tính toán các chi phí để có thể phục hồi lại môi trường sau khai thác khoáng sản, trong đó có yêu cầu về bãi thải đáp ứng bảo vệ môi trường.

.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

.