Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201904/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-tuan-tu-22-2642019-851551/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201904/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-tuan-tu-22-2642019-851551/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/4/2019 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 27/04/2019, 14:12 [GMT+7]

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/4/2019

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen”; ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/4/2019.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Tại Công điện 481/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa; điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng...

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với “tín dụng đen”

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề xuất UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.

Siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.

Giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án khu đô thị, các dự án phát triển nhà ở phải triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, hệ thống phòng cháy chữa cháy trong dự án và kết nối với hạ tầng chung của khu vực trước khi bàn giao nhà ở cho người dân theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan; tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình theo định kỳ hoặc đột xuất để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường khi có dấu hiệu không bình thường hoặc biến động lớn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2018 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.

Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.

Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ).

Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng. Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm; mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.

Tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 467/QĐ-TTg về tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo với mục tiêu tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, nội dung thông tin thiết yếu và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Danh mục đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt

Theo Quyết định số 470/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 18 đập, hồ chứa thủy điện thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt gồm: 1- Lai Châu, tỉnh Lai Châu; 2- Huội Quảng, tỉnh Lai Châu; 3- Bát Chát, tỉnh Lai Châu; 4- Sơn La, tỉnh Sơn La; 5- Nậm Chiến, tỉnh Sơn La; 6- Thác Bà, tỉnh Yên Bái; 7- Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; 8- Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; 9- Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An; 10- Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; 11- Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam; 12- Sông Bung 4, tỉnh Quảng Nam; 13- Plei Krông, tỉnh Kon Tum; 14- Ialy, tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai; 15- Đồng Nai 3, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông; 16- Đồng Nai 4, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông; 17- Thác Mơ, tỉnh Bình Phước; 18- Trị An, tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng yêu cầu xử lý một số thông tin báo nêu

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý nội dung báo Lao động điện tử ngày 11/4/2019 nêu: "28 sinh viên Hòa Bình gian lận điểm thi bị trả về: Thí sinh Hà Giang xử lý sao?", báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ; UBND tỉnh Bình Phước kiểm tra nội dung báo chí phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp Bình Phước cho rằng trạm thu phí quá dày khiến cho chi phí thành gánh nặng, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là nông sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu thông tin báo điện tử Thanh niên phản ánh liên quan đến đề xuất làm đảo nhân tạo chống sạt lở bờ biển Hội An.

Trước thông tin phản ánh liên quan đến đề xuất áp giá sàn các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) từ 1.200 tỷ đồng trở lên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trong quá trình xây dựng Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/04/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo quy định, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi đáp ứng tiêu chí tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm và được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, thiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi được sản xuất theo tiêu chuẩn, phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng, và bảo vệ môi trường; công suất hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế; công nghệ của dây chuyền công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; công nghệ của dây chuyền công nghệ phải đang được sử dụng tại ít nhất 03 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

.

Nguồn: Chí Kiên/Chinhphu.vn

.