Thứ Ba, 12/11/2019, 08:24 [GMT+7]

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Chiều ngày 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, sau khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt giải trình làm rõ các nội dung đại biểu quan tâm.

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan chỉnh lý dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, quy định các nguyên tắc bảo đảm chặt chẽ, sát thực tế.

Quốc hội nghe giải trình, làm rõ một số nội dung của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên
Quốc hội nghe giải trình, làm rõ một số nội dung của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên

Về tên gọi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết qua nhiều hội thảo, lấy ý kiến về dự án Luật có nhiều ý kiến đề xuất tên gọi của luật. Tuy nhiên tên Luật Lực lượng dự bị động viên là tên quen thuộc, các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm phát luật đều sử dụng  thuật ngữ “Lực lượng dự bị động viên”. Quá trình thực hiện cũng không phát sinh vướng mắc nên đề nghị giữ tên như Dự thảo.

Về cơ sở huấn luyện dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, hiện nay cả nước đã có 24 Trung tâm huấn luyện dự bị động viên ở cấp tỉnh. Bộ Quốc phòng cũng đã sử dụng các trường quân sự, các khung để tổ chức huấn luyện. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng cần thiết phải quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên trong Luật theo hướng như dự thảo Luật: “Đơn vị dự bị động viên thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện việc huấn luyện tại cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh. Chính phủ quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh. Việc huấn luyện đơn vị dự bị động viên không thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”. Quy định như vậy không làm tăng tổ chức, biên chế, ngân sách, tận dụng cơ sở của Bộ Quốc phòng để bảo đảm cho công tác huấn luyện.

Về thẩm quyền lập kế hoạch có ý kiến cho rằng còn quy định chung chung, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Quốc hội cho phép quy định theo hướng mở và nội dung chi tiết giao Chính phủ quy định.

Về xây dựng lực lượng dự bị động viên gặp khó khăn trong huấn luyện tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tương tự như khó khăn đối với dân quân tự vệ, do đó, Luật cần phải có quy định để khẳng định trách nhiệm, vai trò của mọi công dân, kể cả những người nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên không thể quy định cứng. Do đó, dự thảo Luật quy định theo hướng có sự thỏa thuận, nhất trí phát huy hiệu quả thực tiễn từ mô hình của Bộ Quốc phòng và kinh nghiệm của các tỉnh phía Nam để từ đó phát triển lực lượng dự bị động viên và các doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Về phương tiện kỹ thuật dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Luật cần quy định để bảo đảm trách nhiệm của công dân với Tổ quốc, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để quy định chặt chẽ, hợp lý.

Về độ tuổi, có ý kiến đề nghị tăng nhưng cũng có ý kiến đề nghị giảm độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình để phù hợp thực tiễn. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Quy định này đã có nghiên cứu và tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động của Bộ Quốc phòng. Do đó, đề nghị giữ như dự thảo Luật để vừa bảo đảm nguồn đối tượng nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung quy định nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong giám sát cũng như trong phân bổ nguồn lực và ngân sách, bổ sung quy định vai trò của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thế tăng cường giám sát. Đồng thời rà soát các quy định về bồi thường, các hành vi bị nghiêm cấm, về thẩm định, phê duyệt kế hoạch, quyền lợi, trách nhiệm của quân nhân dự bị… để bảo đảm tính cụ thể, khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt khẳng định sẽ cố gắng để cụ thể hóa nhiều nhất các điều khoản của Luật, hạn chế các quy định phải giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành quá nhiều.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua dự án Luật Lực lượng dự bị động viên vào chiều ngày 26/11 tới./.

.

Nguồn: Bảo Yến - Nghĩa Đức/Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam

.