Thứ Năm, 21/11/2019, 08:11 [GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Chiều ngày 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đến các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như về phạm vi điều chỉnh, xem xét có đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp hay không; về con dấu của doanh nghiệp; việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; về phát hành trái phiếu; cơ cấu tổ chức quản lý các mô hình công ty…

Quan tâm đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định đối với hộ kinh doanh, một số ý kiến đồng tình việc đưa hộ kinh doanh vào quy định tại Luật Doanh nghiệp; đồng thời đề nghị nếu quy định một chương về hộ kinh doanh thì phải quy định toàn diện, đầy đủ và giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay, nếu không thì nên quy định một luật riêng về hoạt động của hộ kinh doanh. Cũng có ý kiến cho rằng nếu quy định hộ kinh doanh vào dự thảo Luật thì đề nghị sửa đổi tên Luật thành “Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh”.

Cũng có ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vì đây là luật cho doanh nghiệp, nên ban hành nghị định riêng quy định về hộ kinh doanh. Quá trình thực hiện sẽ đánh giá tác động đầy đủ và xem xét luật hóa hoặc xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh, cũng như bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật sẽ giúp hộ kinh doanh có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, được quy định rõ ràng về vị trí pháp lý, được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép, được bảo hộ theo quy định của pháp luật, gỡ bỏ những hạn chế về phạm vi và quy mô hoạt động cũng như được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và các chính sách có liên quan, quản trị của hộ kinh doanh được tăng cường. Cùng với đó, trong công tác quản lý nhà nước không phát sinh thêm chi phí, hệ thống đăng kí không thay đổi, thống nhất trong đăng kí doanh nghiệp, các nghĩa vụ thuế đối với hộ kinh doanh cũng không thanh đổi, công tác thanh tra, kiểm tra không nặng thêm. Khi hoạt động của hộ kinh doanh được bài bản, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn thì thu ngân sách nhà nước sẽ được tăng thêm.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh lại bày tỏ quan điểm tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phản ánh, hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không kí hợp đồng với các lao động mặc dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng có những hộ kinh doanh quy mô lớn muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh và chuyên nghiệp hơn nhưng lại chưa được trang bị kiến thức về kĩ năng quản trị. Một hộ lo ngại nếu chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý sẽ nặng nề hơn như các giấy phép liên quan như về môi trường, thủ tục kế toán kê khai, thanh tra kiểm tra…làm tăng chi phí gián tiếp.

Trong khi các quy định của dự thảo Luật về hộ kinh doanh mới dừng ở khái niệm hộ kinh doanh, đăng kí hộ kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thu hồi giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh. Các quy định này chưa giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay, không khuyến khích được hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp cũng như chưa phản ánh được các nội dung quan trọng khác về thay đổi nội dung đăng kí hộ kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận trách nhiệm quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng các quy định của dự thảo Luật còn đơn giản, chưa rõ ràng, không có gì khác so với các quy định hiện hành, do đó không thể là cứu cánh cho hộ kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích kì vọng như đại biểu Vũ Tiến Lộc đã nêu. Trong khi đó, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật lại chưa có đánh giá tác động cụ thể, những khó khăn đối với hộ kinh doanh gặp phải, vấn đề thống kê, kế toán, thanh tra kiểm tra của hộ kinh doanh sau khi đưa vào luật sẽ thực hiện như thế nào, lý giải tại sao hộ kinh doanh không chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng nếu đưa hộ kinh doanh vào trong luật thì phải viết lại toàn bộ nội dung của chương về hộ kinh doanh hoặc quy định trong Nghị định sau đó có tổng kết thi hành để xem xét xây dựng luật.

Đại biểu Trần Quang Chiểu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định
Đại biểu Trần Quang Chiểu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre thì cho rằng phải hiểu chính xác về bản chất của hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cũng đều là kinh doanh và đã là kinh doanh là doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu định nghĩa lại doanh nghiệp để có cách hiểu thống nhất, khi đó tùy quy mô loại hình doanh nghiệp sẽ có điều chỉnh.

Trước thực trạng các hộ kinh doanh dù quy mô hoạt động rất lớn nhưng không muốn thành lập công ty bởi thủ tục rườm rà, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cắt giảm các thủ tục, cần có nghị định hướng dẫn chi tiết đầy đủ về việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời có sự rà soát, hệ thống về 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, căn cứ theo quy mô hoạt động, chứ không thể bắt một người bán nước chè thành lập công ty. Đại biểu lưu ý quản lý nhà nước theo luật bảo đảm cân đối quyền lợi các bên vừa điều kiện cho người dân kinh doanh và nhà nước có được nguồn thu.

Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến về khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi trong dự thảo Luật lần này. Có ý kiến đồng tình với việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, nhưng phải có đánh giá tác động, đề nghị xem xét, đánh giá kỹ quy định “trên 50%” vốn bảo đảm đồng bộ với các luật chuyên ngành khác và quy luật vận động của thị trường.

Tuy nhiên cũng có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối là chưa phù hợp. Quy định như vậy tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác. Các đại biểu đề nghị xem xét lại khái niệm này để bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như cần phải thận trọng trong quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước vì có thể ảnh hưởng đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạoc ác cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9./.

.

Nguồn: Bảo Yến - Nghĩa Đức/Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam

.