Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19450-noi-luu-giu-nhung-manh-ghep-chien-tranh-398005/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19450-noi-luu-giu-nhung-manh-ghep-chien-tranh-398005/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi lưu giữ những mảnh ghép chiến tranh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 10/04/2012, 14:39 [GMT+7]
19450

Nơi lưu giữ những mảnh ghép chiến tranh

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những ký ức của một thời máu lửa và đau thương vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người. Những kỷ vật kháng chiến đang được Bảo tàng Quân khu 4, TP Vinh lưu giữ và trưng bày, giờ đây có thể kể lại những câu chuyện đầy ý nghĩa của mình cho thế hệ trẻ về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước vì nền độc lập, hòa bình ngày hôm nay.
 
Những kỷ vật trào nước mắt
 
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Khu 4 gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc. Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc gia thì quân và dân Quân khu 4 còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế với Cách mạng Lào, Cam-pu-chia.
 
Trải qua những năm tháng chiến đấu khốc liệt đó, Quân khu có 166.446 liệt sỹ hy sinh ở các chiến trường. Để ghi nhớ sự hy sinh của các anh vì đất nước và làm vơi đi nỗi đau của thân nhân gia đình các liệt sỹ, Bảo tàng Quân khu 4 được thành lập ngày 22/12/1966 với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang Quân khu 4 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đó là chiếc cối làm bằng vỏ đạn pháo, chiếc lược đang làm dở từ xác máy bay, những món quà sẽ không bao giờ đến được tay người nhận vì người làm ra chúng, một chiến sỹ giải phóng đã hy sinh; đó là những kỷ vật được người lính bên kia chiến tuyến gửi về Việt Nam với mong muốn rằng biết đâu nhờ đó một danh tính liệt sỹ nào sẽ được xác minh.
 
Những “mảnh ghép” chiến tranh đó được cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 sưu tầm, lưu giữ và trưng bày đã tái hiện lại một chặng đường lịch sử hào hùng. Những di vật đã nói hộ cho những linh hồn tưởng như đã vĩnh viễn chôn chặt dưới lòng đất cùng phần mộ liệt sĩ vô danh. Đằng sau mỗi kỷ vật là một câu chuyện dài và rung động lòng người.
 
Cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 miệt mài với công tác lưu giữ kỷ vật chiến tranh
 
Đại úy Bùi Thị Bích Ngọc, cán bộ kiểm kê vẫn nhớ kỷ niệm lần đi sưu tầm chiếc nồi gang của mẹ Trần Thị Đỉnh, thôn Đức Thái, xã Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. “Vào tháng 5/2007, chúng tôi đến thăm gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đỉnh. Ngôi nhà của mẹ là cơ sở cách mạng của cả hai cuộc kháng chiến.
 
Gia đình mẹ có ba thế hệ đều tham gia cách mạng, 24 người con, cháu nội, ngoại đã hy sinh, 5 trong 6 người con của mẹ là liệt sỹ, 1 người con dâu và 1 người cháu của mẹ cũng được phong danh hiệu anh hùng. Người con trai duy nhất còn sống của mẹ trở về từ chiến trường mang chiếc nồi gang mà mẹ dùng nấu cơm nuôi các con và bộ đội để hiến tặng cho bảo tàng”, chị Ngọc kể.
 
Cũng trong chiến tranh, giữa đạn bom ác liệt, tình yêu sắt son và niềm tin vào một ngày chiến thắng của người lính được gửi gắm qua những trang nhật ký chiến trường, những trang thư gửi về quê nhà còn thấm đẫm máu và mồ hôi. Câu chuyện về 136 bức thư của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu, chiến sỹ Đoàn 559 -thuộc một đơn vị vận tải Trường Sơn đặc biệt gây xúc động cho chúng tôi.
 
Mỗi bức thư được anh Mậu gửi từ một địa chỉ khác nhau dọc các chiến trường cho người vợ là chị Hoàng Thị Síu, ở Hưng Yên, người vợ trẻ mới cưới với tất cả tình yêu thương, mong chờ khắc khoải. Mặc dù anh Mậu đã hy sinh và chị chưa tìm được phần mộ của anh nhưng những bức thư vẫn được chị Síu trân trọng, gìn giữ và trao tặng cho bảo tàng.
 
Bước chân không mỏi
 
Thầm lặng, cần mẫn, cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 hằng ngày vẫn miệt mài với công tác sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số địa phương trong cả nước. Nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường đã hiến tặng nhiều kỷ vật có giá trị cho bảo tàng.
 
Những kỷ vật được tìm thấy trong những nấm mồ liệt sỹ vô danh hay được các cựu chiến binh lưu giữ và hiến tặng cho bảo tàng bây giờ trở thành những mắt xích cuối cùng minh chứng cho sự tồn tại của những con người dũng cảm.
 
Đại úy Phạm Thị Nam Hà, Trưởng ban kiểm kê - bảo quản Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: “Các công việc đã chiếm rất nhiều thời gian, công sức của các cán bộ bảo tàng như đi tìm kiếm, xác minh, lập hồ sơ để hiện vật đó trở thành những hiện vật của Bảo tàng, bảo quản hiện vật tránh hư tổn, rỉ sét. Khi trưng bày cũng phải nghiên cứu giải pháp trưng bày sao cho hợp lý với từng chủ đề. Phần lớn trong số các kỷ vật chúng tôi tìm được không xác định được danh tính chủ nhân nhưng một phần khác đã xác định được sau khi đưa ra trưng bày. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã tìm được phần mộ của người thân mình qua những kỷ vật”.
 
Mỗi chuyến hành trình đi tìm kỷ vật có khi mất cả tháng trời nhưng niềm vui với mỗi cán bộ ở Bảo tàng Quân khu 4 là tìm được các kỷ vật đã từng gắn liền với những cá nhân, những tập thể anh hùng góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang. Với sự phong phú và đa dạng về các kỷ vật, Bảo tàng Quân khu 4 đã trở thành “địa chỉ đỏ” của nhiều đoàn tham quan là các cựu chiến binh ở các tỉnh, các em học sinh, sinh viên tìm hiểu lịch sử.
 
Trăn trở của cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 là hiện nay số lượng kỷ vật kháng chiến được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu chưa nhiều so với tiềm năng còn lưu giữ trong nhân dân. “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được tiếp nhận, sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến để không chỉ làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc mà còn giúp bảo tàng bổ sung số lượng hiện vật có giá trị, góp phần tôn vinh sự cống hiến của những con người Việt Nam nói chung, quân và dân Quân khu 4 nói riêng đã từng phục vụ, trực tiếp chiến đấu trên các mặt trận, đồng thời giáo dục sâu sắc truyền thống vẻ vang cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đóng góp sức mình vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, chị Hà nói.

Doãn Hòa
.