Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201210/23735-thieu-hop-ly-trong-du-thao-tro-cap-tham-nien-giao-vien-nghi-huu-394566/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201210/23735-thieu-hop-ly-trong-du-thao-tro-cap-tham-nien-giao-vien-nghi-huu-394566/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thiếu hợp lý trong dự thảo trợ cấp thâm niên giáo viên nghỉ hưu? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 26/10/2012, 07:58 [GMT+7]
23735

Thiếu hợp lý trong dự thảo trợ cấp thâm niên giáo viên nghỉ hưu?

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2011/CP, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên đã chính thức được khôi phục. Nhằm bù đắp phần nào sự thiệt thòi về quyền lợi cho những đối tượng giáo viên đã nghỉ hưu trước thời điểm Nghị định 54/2011/CP có hiệu lực thi hành, ngày 4 /10 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố “Dự thảo quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu”.
 
Mặc dù vậy, ngay khi thông tin về dự thảo này được công bố, rất nhiều giáo viên thuộc đối tượng được thụ hưởng đã tỏ ra bức xúc khi cho rằng: Mức trợ cấp được quy định trong dự thảo là chưa hợp lý, thiếu công bằng.
 
Theo quy định trong dự thảo, những giáo viên đã có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 5 năm trở lên có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/1/1994 đến ngày 1/5/2011 sẽ được hưởng trợ cấp từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng tùy thời gian giảng dạy và mức trợ cấp này chỉ được trả một lần.
 
Cụ thể, giáo viên trực tiếp đứng lớp có quyết định nghỉ hưu có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/12/1998, mức trợ cấp là 2 triệu đồng; quyết định nghỉ hưu có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1999 đến ngày 31/12/2003, mức trợ cấp là 3 triệu đồng; quyết định nghỉ hưu có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2004 đến ngày 1/5/2011, mức trợ cấp là 3,5 triệu đồng.
 
Băn khoăn lớn nhất của các giáo viên đã nghỉ hưu là mức trợ cấp được nêu ra trong dự thảo còn quá “bèo bọt”. Không ít giáo viên cho rằng: Nếu so với những giáo viên trực tiếp đứng lớp được cộng 1% tổng số lương thực nhận hàng năm thì mức trợ cấp từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng trả một lần cho những giáo viên đã nghỉ hưu là quá ít.
 
Và như vậy, những đối tượng giáo viên được thụ hưởng chính sách ưu đãi này sẽ phải chịu thiệt thòi khi nhận mức trợ cấp chỉ bằng phụ cấp thâm niên 1 tháng của người đang giảng dạy.
 
Trên thực tế, những giáo viên đã nghỉ hưu trước ngày 1/1/1994 gồm khoảng 600.000 người đã được cộng phụ cấp thâm niên để tính lương hưu. Hiện nay, hơn 1 triệu giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cũng đã có phụ cấp thâm niên, mức % phụ cấp cũng được tính vào tổng số lương sẽ được nhận khi đến tuổi nghỉ hưu.
 
Theo thống kê của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, hiện còn khoảng 190.000 nhà giáo về hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 1/5/2011 là không được hưởng khoản trợ cấp này.
 
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, việc đưa ra mức trợ cấp đã nêu trong dự thảo đã được xem xét trong mối tương quan về chế độ phụ cấp thâm niên của công chức, viên chức nói chung và xem xét cả mối tương quan giữa các giáo viên đã được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu ở giai đoạn trước và nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/CP.
 
Dự toán ngân sách chi cho chế độ trợ cấp khoảng 565 tỷ đồng. Cũng theo lý giải của Bộ GD&ĐT, nếu thực hiện chế độ trợ cấp cho giáo viên đã nghỉ hưu theo mức tương ứng như quy định tại Nghị định 54/2011/CP sau 5 năm được hưởng 5% và mỗi năm sau đó được hưởng thêm 1% thì kinh phí chi trả sẽ rất lớn, khả năng ngân sách Nhà nước sẽ không đáp ứng được (?!).
 
Có một điều cần đáng được lưu tâm là, trong số 190.000 giáo viên đã về hưu thuộc diện nhận trợ cấp thâm niên, phần lớn đã khá cao tuổi, nam từ 61 - 78 tuổi, nữ từ 56 - 73 tuổi. Không ít trong số họ là những người có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà trong những thời kỳ khó khăn nhất.
 
Trong đó, có những người đã trực tiếp làm công tác giảng dạy trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những người đứng trên bục giảng làm công tác giảng dạy, sau đó xung phong chi viện chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tuổi già, sức yếu, hàng năm có một số lượng không nhỏ các nhà giáo đã nghỉ hưu ra đi theo quy luật tự nhiên: Sinh, lão, bệnh, tử.
 
Với mức trợ cấp được xem là khá “bèo bọt” như đã nêu trong bản dự thảo trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay, liệu có khiến cho những nhà giáo đã về hưu cảm thấy ngậm ngùi, tủi thân. Đó là chưa kể cách tính về mức tiền trợ cấp được hưởng theo từng giai đoạn khác nhau cũng tỏ ra chưa hợp lý.
 
Theo cách hiểu thông thường, những giáo viên có thời gian công tác trong nghề càng lâu năm lẽ ra phải được ưu tiên cho hưởng trước, với mức trợ cấp cao hơn. Nhưng theo quy định trong bản dự thảo, những người về hưu trước lại được hưởng trợ cấp thấp hơn những người về hưu sau cho dù số năm công tác giữa các đối tượng này là như nhau.
 
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã có Nghị quyết số 21/2011/QH13, trong đó nêu rõ: Năm 2012, thực hiện chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng phụ cấp thâm niên.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, chủ trương đúng đắn trên mới được Bộ GD&ĐT “khởi động” triển khai. Mặc dù vậy, những quy định trong bản dự thảo quy định mức trợ cấp đã vấp phải sự phản ứng, bức xúc của đội ngũ giáo viên nghỉ hưu.
 
Thiết nghĩ, chủ trương thực hiện chế độ trợ cấp đối với những người đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này phải đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ nhà giáo, tránh làm tổn thương đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu.
 
Điều quan trọng là, chế độ phụ cấp phải thể hiện sự công nhận công lao cống hiến của các nhà giáo đã nghỉ hưu, đồng thời, có tác dụng khích lệ, động viên đối với đội ngũ giáo viên đã và đang đảm nhận trọng trách “trồng người” mà xã hội giao phó.

Bùi Minh Tuấn
.