Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24363-can-co-mot-truong-hoc-mang-ten-le-van-mien-394072/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24363-can-co-mot-truong-hoc-mang-ten-le-van-mien-394072/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần có một trường học mang tên Lê Văn Miến - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 23/11/2012, 07:01 [GMT+7]
24363

Cần có một trường học mang tên Lê Văn Miến

Cụ Lê Văn Miến sinh năm Giáp Tuất (1874) tại làng Ông La, xã Kim Khê, nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống nho học. Lên 6 tuổi Lê Văn Miến theo thân phụ là Lê Huy Nghiêm lúc đó được bầu làm Huấn đạo huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên để học chữ Hán. Lên 10 tuổi Lê Văn Miến rời Quảng Điền theo thân phụ vào Kinh đô Huế khi ông được bổ nhiệm làm tri huyện Phú Lộc.
 
Đầu năm 1888, thực dân Pháp cho tuyển một số thanh niên đưa sang học trường thuộc địa Paris nhằm đào tạo những quan chức cao cấp trung thành phục vụ cho chúng. Lê Văn Miến là một trong ba người được tuyển chọn.
 
Tháng 10/1888, Lê Văn Miến lên đường sang Pháp. Cùng học có một số con em người Pháp và các dân tộc thuộc địa của Pháp. Thấy viên hiệu trưởng trường thuộc địa lúc đó có óc thực dân, kỳ thị chủng tộc, thiên vị học sinh người Pháp, Lê Văn Miến đã tổ chức học sinh các xứ thuộc địa cùng lớp bãi khoá, kéo đến bộ thuộc địa đấu tranh.
Hoạ sỹ - Nhà giáo Lê Văn Miến (1874 - 1943)
 
Cảnh sát Pháp dùng ngựa và xịt nước giải tán. Lê Văn Miến đã viết đơn tố cáo, khiếu nại nên sau đó anh bị Bộ trưởng thuộc địa cảnh cáo: "Sau này anh về nước hãy coi chừng! Hồ sơ vụ này sẽ theo anh về bản xứ".
 
Sau khi tốt nghiệp Trường thuộc địa, Lê Văn Miến đã không chịu về nước làm quan mà xin ở lại theo học Trường Mỹ thuật Paris - một trường mỹ thuật có tiếng nhất ở Châu Âu thời bấy giờ - trước hết là để thoái thác nghiệp làm quan phục vụ cho thực dân Pháp, nhưng hẳn là thủ đô Paris với những cung điện, những bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng thế giới đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người thanh niên xứ Nghệ.
 
Tốt nghiệp vào loại xuất sắc ở hai trường danh tiếng của Pháp, Lê Văn Miến về nước vẫn lúng túng chọn cho mình một hướng đi.
 
Đến năm 1899, Trường Pháp - Việt được thành lập ở Vinh và Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo. Sự nghiệp giáo dục - sự nghiệp mà Lê Văn Miến dành nhiều công sức tâm huyết của cuộc đời mình bắt đầu từ đây. Sau 3 năm, Lê Văn Miến lại phải vào Huế làm Hành tẩu - một chức quan nhỏ trong Bộ Công.
 
Đây là dịp Lê Văn Miến dùng kiến thức hội hoạ, kiến thức mà ông đã học được ở Pháp góp tay vào những công trình kiến trúc, nghệ thuật trong hoàng cung. Năm 1904, Lê Văn Miến lại bị đẩy ra Nghệ An trở lại với chức Đốc giáo Trường Pháp - Việt. Trong thời gian này cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ thường hay lui tới các tổ chức chính trị trá hình như Hoan châu học hội, Triều Dương thương điếm ở Vinh.
 
Cụ Lê Văn Miến là một trong những người đã lập ra Hoan Châu học hội và có đóng tiền cho Triều Dương thương điếm. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã gửi người con trai của mình là Nguyễn Sinh Cung vào học Pháp văn một thời gian ở trường này.
 
Bình văn - tranh của Hoạ sỹ - Nhà giáo Lê Văn Miến
 
Từ năm 1907, thực dân Pháp bắt vua Thành Thái đi đày và đàn áp khủng bố phong trào yêu nước khắp nơi. Chúng lại điều cụ Lê Văn Miến vào dạy Trường Quốc học Huế để tách cụ khỏi các tổ chức yêu nước và phong trào yêu nước ở Nghệ An.
 
Cụ lại vào dạy vẽ và Pháp văn tại Trường Quốc Tử Giám từ niên khoá 1907 - 1908 cho đến năm 1913. Trong số học trò của thầy Miến lúc này có Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh và anh trai của Người là Nguyễn Tất Đạt. Trong thời gian học tập ở trường, hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành luôn được thầy Miến quan tâm chăm sóc.
 
Trước lúc rời Trường Quốc học ra đi tìm đường cứu nước Nguyễn Tất Thành đã gặp thầy Miến. Trong câu chuyện thầy hiểu ý Thành và nói: "Con hãy đi theo con đường của lòng mình" và thầy Miến xúc động từ biệt người học trò yêu quý của mình với những ấn tượng sâu sắc.
 
Kể từ lúc chàng trai Lê Văn Miến mới 25 tuổi nhận chức Đốc giáo ở Nghệ An (1899) đến cụ Tế Miến (Tế tửu Quốc Tử Giám tương đương Giám đốc Học viện Đại học Quốc gia) nghỉ hưu (1929) vừa tròn 30 năm, trừ thời gian làm Hành tẩu Bộ Công, trong gần 3 thập kỷ, nhà giáo Lê Văn Miến đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và là người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lãnh đạo và dạy học ở những ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất nhì ở nước ta thời đó.
 
Thầy Miến cũng đã góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ học trò, về sau đã có những người trở nên những tên tuổi lớn, những nhân vật lịch sử của đất nước như Giáo sư Lê Thước, các cụ Võ Liên Sơn, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Đình Chi... đặc biệt có người thanh niên Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.
 
Để ghi nhớ công lao của nhà giáo Lê Văn Miến, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt tên cụ cho một con đường trong nội thành Huế, đặt tên Lê Văn Miến cho trường THCS ở xã Phong Thu huyện Phong Điền và xếp hạng phần mộ của cụ là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên một con đường Lê Văn Miến ở quận 2.
 
Thành phố Vinh cũng đã đặt tên đường Lê Văn Miến nằm trên địa bàn phường Hà Huy Tập. Thiết nghĩ tỉnh Nghệ An cần có một trường học mang tên Nhà giáo Lê Văn Miến ở huyện Nghị Lộc - quê hương của Cụ hoặc trên địa bàn thành phố Vinh.

Nguyễn Minh Châu
.