Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27905-tim-cach-xoa-vung-lom-ve-van-hoa-doc-391420/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27905-tim-cach-xoa-vung-lom-ve-van-hoa-doc-391420/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tìm cách xóa “vùng lõm” về văn hóa đọc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 28/04/2013, 07:08 [GMT+7]
27905

Tìm cách xóa “vùng lõm” về văn hóa đọc

Hiện nay, ở nước ta, toàn ngành Xuất bản-In-Phát hành sách có 64 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và khoảng 14.000 công ty phát hành sách. Trong những năm gần đây, tổng số sách xuất bản tăng lên đáng kể.
 
Những mảng màu sáng - tối
 
Nếu như năm 1975, toàn ngành Xuất bản mới chỉ đạt gần 3.000 đầu sách, với hơn 41 triệu bản thì đến năm 2011, số sách xuất bản lên tới 27.000 cuốn với hơn 293 triệu bản, tăng hơn 9 lần về đầu sách và gần 7 lần về số bản in, nâng mức hưởng thụ về sách trên bình quân đầu người mỗi năm lên 3,4 bản.
 
Ở nước ta đã có nhiều mô hình thư viện hoạt động hiệu quả, từ đó nhân rộng phong trào đọc sách ở địa phương.
 
Thư viện làng Trang Liệt, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một điển hình. Theo ông Vũ Công Vượng, Trưởng khu phố Trang Liệt, thị xã Từ Sơn, Trang Liệt là một trong những làng văn hóa đầu tiên ở nước ta. Thư viện Trang Liệt hiện có hơn 1.000 cuốn, tuần mở cửa 6 buổi (từ 12-17 giờ), phụ vụ hơn 800 người đọc mỗi ngày. Từ các em nhỏ đến người lớn, ai cũng ham mê đọc sách.
 
Một ví dụ khác, từ niềm đam mê với sách và nỗi trăn trở làm thế nào để đưa sách về nông thôn, anh Nguyễn Quang Thạch (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã tự tìm hiểu các loại hình thư viện nông thôn trên thế giới. 10 năm nghiên cứu lý thuyết, 6 năm khảo sát thực địa, đến năm 2007, anh đã đã dành số tiền tích lũy của mình trong 10 năm để xây dựng thí điểm mô hình thư viện nông thôn đầu tiên ngay tại quê hương mình.
 
Kết quả không tồi, đến nay, Nguyễn Quang Thạch đã góp phần xây dựng hơn 1.000 tủ sách ở 24 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có nhiều mô hình tủ sách hiệu quả như: "Tủ sách dòng họ", "Tủ sách phụ huynh", "Tủ sách quê hương chiến sĩ"... được cho là “ăn khách”.
 
Mặc dù vậy, ở bình diện chung, có một thực tế là sách vẫn chủ yếu tập trung phục vụ người dân ở thành phố, đô thị. Người dân vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với sách.
 
Những người yêu sách tìm đến ngày hội đọc sách (23/4/2013)
 
Đây là một trong những bất cập của ngành Xuất bản-In và Phát hành sách hiện nay. Hiện còn nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị coi trọng vấn đề lợi nhuận, nên việc đưa sách đến với công chúng, hình thức tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sách còn hạn chế. Người ta tập trung vào đô thị nên ít quan tâm đến việc đưa sách đến vùng sâu, vùng xa. Hiện có những "vùng lõm" về văn hóa đọc, người dân khó có cơ hội tiếp cận với sách.
 
Một vài con số so sánh đáng lo ngại: tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam hiện nay thấp hơn gần chục lần các nước trong khu vực. Ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Vinapo, so sánh: Theo công bố của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), 1 năm mỗi người VN đọc 0,8 cuốn sách. Trong khi đó, từ năm 2005, mỗi năm người dân Malaysia đọc 2 cuốn sách và hiện tại mỗi người đọc 10 cuốn/năm, có vùng 20 cuốn/năm. Hiện Malaysia có hơn 10.000 thư viện/hơn 28 triệu dân. Các thư viện này hoạt động rất hiệu quả. Hiện nước này cũng đã triển khai nhiều thư viện điện tử…
 
Việc ít đọc sách, theo lý giải của bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) là do cuộc sống bị áp lực lớn, thời gian nghỉ ngơi, thư giãn dành cho việc đọc sách ít. Ngay cả những người có thói quen đọc sách thì thời gian dành cho việc đọc cũng không nhiều. Với đối tượng học sinh thì áp lực học ở nhà trường quá lớn nên các em không có thời gian đến thư viện, hoặc đọc sách ở nhà.
 
Giới trẻ ở nước ta ngày nay chủ yếu đọc các loại sách giải trí, chứ ít đọc các loại sách có hàm lượng tri thức cao, sách văn học, sách lịch sử. Các em nhỏ ở thành phố lớn - nơi có cơ hội tiếp xúc với sách dễ dàng - cũng ngày càng ít đọc sách.
 
Để mọi người quý sách
 
Theo ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, để nuôi dưỡng tình yêu với sách, rất cần có quan niệm đúng đắn về việc đọc sách. Ngày xưa cha ông ta quan niệm sách dạy chữ thánh hiền, sách hiện nay được coi là công cụ học tập thuần túy. Hơn nữa, việc đọc sách cần được nuôi dưỡng từ môi trường gia đình, nhà trường và sự chung tay khuyến khích của toàn xã hội.
 
Cũng theo ông Nguyễn Kiểm, hiện nay, sách về lịch sử dành cho giới trẻ còn thiếu. Nếu có, thì các NXB có xu hướng làm dày, hàng chục tập, vài nghìn trang, các em rất khó đọc. Ông Kiểm cho rằng cần có những cẩm nang về lịch sử ngắn gọn để các em dễ tra cứu và sách phải viết với hình thức hấp dẫn hơn như: truyện tranh, sách điện tử, kể cả games về lịch sử.
 
Theo bà Bùi Thị Hương, Giám đốc NXB Dân Trí, để các em quan tâm đến sách lịch sử, các NXB cần có cách chuyển tải về nội dung lịch sử hấp dẫn hơn. Ngoài trách nhiệm của những người làm công tác xuất bản, còn trách nhiệm của nhà truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng và các bậc phụ huynh hướng con em mình đọc những loại sách gì và đọc như thế nào.
 
Về việc tăng lượng sách có hàm lượng tri thức cao, theo anh Nguyễn Quang Thạch, nếu chúng ta hạn chế giấy phép xuất bản những sách ít hàm lượng tri thức thì đương nhiên loại sách này sẽ ít xuất hiện trong đời sống. Chính vì thế, vai trò kiểm soát việc xuất bản sách của các cơ quan chức năng là điều hết sức quan trọng để đảm bảo sự lành mạnh của môi trường sách.
 
Ghi nhận tín hiệu vui
 
Để dần xóa những "vùng lõm" về văn hóa đọc, nâng cao lượng sách có hàm tri thức cao và nuôi dưỡng tình yêu với sách, các đơn vị Xuất bản-In-Phát hành sách trong cả nước đã có nhiều nỗ lực đưa sách về vùng sâu, vùng xa.
 
Mấy chục năm qua, Công ty Xuất nhập khẩu sách báo TPHCM (FAHASA) đã duy trì xe sách lưu động, đưa sách về các vùng nông thôn, vùng khó khăn ở TPHCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, giảm từ 5 đến 10% giá bán các sản phẩm sách, vở và cặp học sinh. Hiện nay, FAHASA có mặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và đang dự kiến mở thêm các chi nhánh tại Nghệ An, Thanh Hóa. Mô hình xe sách lưu động cũng có thể được FAHASA triển khai ở miền Trung trong thời gian tới.
 
Nhân dịp Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), NXB Kim Đồng công bố chương trình tặng 1 triệu cuốn sách cho trẻ em nghèo cả nước. Ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết đây là một hoạt động hưởng ứng phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" do Trung ương Đoàn TNCS HCM phát động. Chương trình kéo dài trong 3 năm với nỗ lực đưa 1 triệu bản sách tới khoảng 2.000 thư viện, tủ sách. NXB Kim Đồng mong muốn qua chương trình này, sẽ có thêm một triệu trẻ em được đọc sách, để các em hình thành thói quen học tập qua sách.
 
Cũng theo hướng này, gần đây, ngày càng có nhiều NXB đã chú trọng việc đưa sách về vùng khó khăn.
 
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc NXB Dân Trí cho biết, 2 năm qua, NXB đã tặng hàng nghìn bản sách cho trẻ em ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai. Thời gian tới, NXB sẽ đưa sách ra tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa.
 
Một hoạt động khá thú vị trong Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 vừa qua là chương trình “Đổi sách giấy lấy sách điện tử" do Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Vinapo và anh Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập tổ chức cung cấp tủ sách cho các dòng họ ở khu vực nông thôn, khởi xướng với hy vọng trong năm nay, 30.000 trẻ em và 100.000 người được tiếp cận với sách...

Chinhphu
.