Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201311/nhung-bong-hoa-tren-que-lua-415807/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201311/nhung-bong-hoa-tren-que-lua-415807/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những bông hoa trên quê lúa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 15/11/2013, 14:00 [GMT+7]

Những bông hoa trên quê lúa

"Trong sự mau lẹ và hối hả của nhịp sống, giới trẻ ngày nay thường bị cuốn vào những thể loại âm nhạc hiện đại mà không màng đến thể loại nhạc cổ truyền. Thế nhưng, có một vùng quê lúa mà dân ca xứ Nghệ vẫn luôn làm con người nơi đây sâu nặng nghĩa tình. Dù thời gian trôi, lấy đi của họ nhiều thứ quý giá, nhưng cái mà thời gian không thể lấy được, đó là lòng đam mê với câu hát, thích được hát… Họ là những nghệ nhân tiêu biểu, có giọng hát hay". Đó là lời mà nhạc sỹ Đình Đắc giành cho ba người: Trần Thị Như, Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Văn Minh, ba nghệ nhân dân gian tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
 
Năm nay đã 98 tuổi, thế nhưng cụ Trần Thị Như vẫn mê những câu hò điệu ví quê hương. Vào những ngày này, cả miền Trung còn đằm mình sau những trận bão, những nỗi nhọc nhằn, lo toan khi mỗi trận lũ đi qua… "Đói khổ, cơ cực vì lụt, thương con cháu mà thân già chẳng biết mần răng cả" - Cụ nói trong buồn phiền và chốc chốc lại ngân lên câu hát: "Ơ hay! cái ông trời ni nì/ Ham đái chi cho lắm rồi mần khổ các con tui…". Cứ thế, cụ hát câu này sang câu khác không ngưng nghỉ. Có lẽ vì đi hát ca trù từ lúc 15 tuổi nên dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn ham hát và hát rõ từng chữ. Chính lòng yêu câu hát của cụ đã truyền sang cho 30 người con, cháu, chắt hiện nay ai cũng đều thích nghe dân ca và thậm chí còn hát rất hay. Trong số các thành viên thuộc CLB Dân ca xã Đồng Thành thì gia đình cụ đã có 5 người tham gia. Và nhắc đến giọng hát hay vùng Yên Thành, không ai không biết tới người con rể của cụ Như. "Vẻ bề ngoài trông gầy gò, xấu xấu tí… nhưng cất giọng lên thì còn nhiều mẹ, nhiều chị mê và yêu thầm tui lắm" - Ông Nguyễn Cảnh Sơn (con rể của cụ Như) nói trong vui đùa.
 
Cụ Như, ông Sơn và ông Minh trong một lần đi diễn  cùng CLB Dân ca  xã Đồng Thành tại Diễn Châu năm 2012
Cụ Như, ông Sơn và ông Minh trong một lần đi diễn cùng CLB Dân ca xã Đồng Thành tại Diễn Châu năm 2012
 
Sinh năm 1959, lớn lên từ những lời ru à ơi của mẹ, để rồi chính chàng trai quê lúa cũng không biết bản thân mình đã "say" cái mộc mạc, dân dã mà sâu lắng của những làn điệu dân ca từ lúc nào. Là thành viên của đội tuyển văn sư thuộc Sư đoàn 356, Quân khu 2 (từ năm 1979 - 1984). Năm 1985, ông Sơn phục viên trở về địa phương và tham gia đội văn nghệ của Hợp tác xã Tiên Kỳ (Đồng Thành), là cộng tác viên văn nghệ đắc lực của Trung tâm Văn hóa huyện Yên Thành hàng chục năm nay. Chất giọng của ông Nguyễn Cảnh Sơn và các thành viên trong CLB Dân ca xã đã đi vào lòng người, tích cực tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, lao động, sản xuất của bà con nông dân trên quê lúa. Ông tâm sự: "Câu hát đã ngấm sâu vào máu thịt nên có muốn dứt cũng không dứt ra được. Nhiều lần vì muốn được hát và góp sức vào phong trào văn nghệ địa phương mà để vợ một mình lo lắng đồng ruộng. May mắn là vợ hiểu, thông cảm và cũng rất đam mê làn điệu dân ca".
 
Yêu câu hát và hát rất hay, luôn tâm huyết với vai diễn nên tại các cuộc thi liên hoan tiếng hát dân ca xứ Nghệ, tiếng hát Làng Sen, giao lưu với các CLB dân ca trong huyện hay hội diễn văn nghệ ở xã, xóm..., ông Sơn luôn là hạt nhân đi đầu. Nhiều lần ông được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các hội, đoàn thể trong tỉnh mời tập luyện và chọn tham gia biểu diễn toàn quốc, khu vực… và đều đạt giải. Các tác phẩm dân ca xứ Nghệ như: "Đường tơ bên ngoại" hay "Gái làng Mai, trai làng Thượng", "Phụ tử tình thâm"… mang lại cho ông Huy chương Bạc tại cuộc thi "Liên hoan tiếng hát miền Trung Tây Nguyên" (tổ chức tại Huế năm 1998), Huy chương Vàng cuộc thi "Tiếng hát nông dân" (tổ chức tại Quảng Ngãi năm 2000), giành giải A toàn tỉnh tại Liên hoan Dân ca xứ Nghệ (năm 2011)...
 
Nếu cụ Như mê những làn điệu dân ca cổ, truyền nhiệt huyết đến những lớp con cháu, ông Sơn là một trong số những giọng hát hay của đất lúa Yên Thành, được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ… thì ông Trần Quốc Minh (SN 1942) lại được biết đến không chỉ bởi giọng hát hay, đàn các loại nhạc cụ giỏi, mà còn bởi tài thiên phú sáng tác nhiều ca khúc dân ca, kịch bản dân ca ví, giặm tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật cấp xã, huyện và tỉnh.
 
Sinh ra ở một vùng quê nghèo ven sông Lam thuộc xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, từ lúc 9 tuổi, ông Minh đã biết đến những câu hò ví giặm. Điệu hò ấy cứ vang mãi "ngấm" vào ông, để rồi khi vào bộ đội hoạt động trong đội tuyển văn sư Sư đoàn 375 lại được bầu làm Đoàn trưởng. Bài tấu ghi dấu ấn lúc bấy giờ là "Hòn đất đòn gánh" do ông sáng tác và tự diễn, được Đài Tiếng nói Việt Nam ghi âm và quay phim (năm 1964). Năm 1971, ông phục viên về sống và tham gia hoạt động văn nghệ tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Năm 1975, ông giữ vai trò là Đội trưởng Đội văn nghệ của xã. "Đồng Thành không phải quê gốc của tôi. Ngày đó, để vận động bà con tham gia, hoạt động văn nghệ rất gian nan và khó khăn, bởi thời kỳ đó, cơm ăn không đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, đời sống người dân thiếu thốn đủ bề nói chi đến chuyện ca hát", ông Minh tâm sự.
 
 Từ những thành viên có tài năng ca hát ở hội phụ nữ, hội nông dân, bà nội, bà ngoại… ông đã quy tụ và gây dựng nên CLB Dân ca xã Đồng Thành. Thành lập từ năm 2000 đến nay, CLB Dân ca xã đã có trên 20 thành viên. Tiếp nối lần lượt sau đó là 12 CLB dân ca ở huyện Yên Thành ra đời, mỗi câu lạc bộ đều có sự góp sức không nhỏ của ông Trần Quốc Minh. Khi có chủ trương đưa làn điệu dân ca vào trường học, cũng chính ông là người giáo già tự nguyện bày dạy cô trò ở các trường mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Yên Thành. Không chỉ vậy, từ tình yêu dân ca, suốt gần 30 năm qua, ông Trần Quốc Minh đã dành thời gian sưu tầm, nghiên cứu về dân ca và các điệu ví, giặm; vừa sáng tác, vừa tự dàn dựng nhiều tác phẩm kịch, hoạt cảnh dân ca, tiểu phẩm dân ca mang đậm bản sắc văn hóa quê hương, có nội dung gần gũi với đời sống lao động của người dân, khuyên răn mọi người loại trừ những thói hư tật xấu, tiêu cực trong xã hội. Tiêu biểu là các hoạt cảnh: Luống mạ Xuân, Thửa ruộng sâu, Chuyện nhà chị Tình... Tác phẩm kịch dân ca "Đẹp con đường" của ông đã đạt giải Nhất Hội thi hát dân ca cụm I ở huyện Diễn Châu; tác phẩm "Đẹp lời hò hẹn" đạt giải A tại Liên hoan Dân ca ví giặm xứ Nghệ lần thứ nhất tổ chức năm 2012...
 
Anh Phạm Đức Hoàng - Trưởng ban Văn hoá xã Đồng Thành chia sẻ: Cụ Trần Thị Như, ông Trần Quốc Minh và ông Nguyễn Cảnh Sơn, ba hạt nhân, ba nghệ nhân tiêu biểu đi đầu cho phong trào văn nghệ ở địa phương chúng tôi. Nhờ họ mà tình yêu với những làn điệu dân ca được nhân rộng, đi vào trong đời sống bà con nhân dân. Để rồi, mỗi khi có hội làng, hay vào dịp đầu Xuân, quê lúa Đồng Thành lại tưng bừng rộn rã; khắp lượt già trẻ, gái trai, ai cũng chen chân đứng chật cả sân làng chờ đợi để xem những tiết mục dân ca "cây nhà lá vườn".
.

Bích Ngọc