Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/can-chuan-bi-tot-tam-the-cho-viec-thuc-hien-mot-ky-thi-thpt-quoc-gia-chung-533349/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/can-chuan-bi-tot-tam-the-cho-viec-thuc-hien-mot-ky-thi-thpt-quoc-gia-chung-533349/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần chuẩn bị tốt tâm thế cho việc thực hiện một kỳ thi THPT Quốc gia chung - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 16/09/2014, 09:18 [GMT+7]

Cần chuẩn bị tốt tâm thế cho việc thực hiện một kỳ thi THPT Quốc gia chung

(Congannghean.vn)-Sau một thời gian thăm dò thông tin phản hồi từ phía người dân, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, ngày 9/9 vừa qua, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Kết quả của kỳ thi vừa là cơ sở xét tốt nghiệp THPT, vừa là căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
 
Với nhiều sự thay đổi, từ mục tiêu, tính chất đến cách thức tổ chức kỳ thi, đây được xem là bước đi mang tính đột phá trong lộ trình đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh, hướng tới sự khoa học, gọn nhẹ, khách quan. Trong thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị tốt tâm thế về mọi mặt là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện thành công phương án thi có nhiều nét đổi mới tích cực này.
 
Phương án thi có nhiều điểm mới
 
So với 3 phương án đã được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến dư luận, phương án đã phê duyệt được xem là phù hợp hơn cả trong thời điểm hiện tại, bởi không gây ra quá nhiều xáo trộn đối với sự chuẩn bị của các thí sinh dự thi cũng như quá trình dạy và học đã diễn ra bấy lâu nay ở các đơn vị trường học. Với phương án thi vừa được công bố, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6.
 
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn tối thiểu, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn thi tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn.
 
Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đặc biệt, những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đây sẽ được áp dụng để tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia do các trường ĐH chủ trì. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ dựa trên cơ sở kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có).
 
Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia sẽ đem lại nhiều thuận lợi ở góc độ chuyên môn lẫn kinh tế - Ảnh minh họa
Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia sẽ đem lại nhiều thuận lợi ở góc độ chuyên môn lẫn kinh tế - Ảnh minh họa
 
Đối với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, căn cứ vào kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định. Sau khi có kết quả thi, dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, thí sinh sẽ tiến hành đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải chủ động xây dựng và sớm công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy chế riêng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì.
 
Mục đích lớn nhất của việc tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia chung là nhằm giảm áp lực thi cử, sự cồng kềnh, tốn kém, lãng phí khi hàng năm phải tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong khoảng thời gian gần nhau, đồng thời hướng tới sự công bằng, khách quan, chính xác trong việc đánh giá thực chất năng lực học tập của học sinh.
 
Cần chuẩn bị tốt tâm thế về mọi mặt
 
Việc Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 chỉ ít ngày sau lễ khai giảng năm học mới là cần thiết, nhằm giúp học sinh và giáo viên ở các đơn vị trường học sớm ổn định tư tưởng, có thời gian nắm rõ, thích nghi với những thay đổi, điều chỉnh trong phương án tổ chức thi. Mặc dù vậy, do là lần đầu tiên áp dụng hình thức thi “2 trong 1”, chắc hẳn ít nhiều sẽ tạo ra sự bỡ ngỡ ban đầu đối với những học sinh đang học lớp 12 năm nay. Băn khoăn lớn nhất của nhiều người khi tiếp nhận những thông tin đổi mới trong phương án tổ chức thi lần này là mức độ khó, dễ của đề thi và tính khách quan, chính xác của các khâu ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của kỳ thi như: Coi thi, chấm thi, thanh tra thi.
 
Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, đề thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung các câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết các thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc, chính xác, độ tin cậy của kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ bố trí tổ chức các cụm coi thi tập trung ở các trường ĐH, CĐ và các trường THPT tại các tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn; bố trí các cụm chấm thi theo vùng, miền. Và, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của Sở GD&ĐT như trước đây, sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức kỳ thi, cương quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy chế thi của cán bộ, giáo viên và thí sinh.
 
Cùng với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ sẽ được tính toán sử dụng ở mức độ phù hợp nhằm tăng cường tính bảo mật, an toàn trong tổ chức thi và đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi. Như vậy, để kỳ thi THPT Quốc gia với phương án “2 trong 1” được tổ chức lần đầu tiên thành công, bên cạnh sự triển khai kịp thời công tác chuẩn bị của ngành giáo dục, rất cần sự đồng thuận của dư luận xã hội và đặc biệt là sự chuẩn bị tâm thế vững vàng về kiến thức lẫn tâm lý của các thí sinh dự thi.
 
.

Minh Tuấn