Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/hoc-sinh-gap-kho-khi-quay-lung-voi-cac-mon-xa-hoi-535592/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/hoc-sinh-gap-kho-khi-quay-lung-voi-cac-mon-xa-hoi-535592/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Học sinh gặp khó khi 'quay lưng' với các môn xã hội? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 21/09/2014, 14:30 [GMT+7]

Học sinh gặp khó khi 'quay lưng' với các môn xã hội?

(Congannghean.vn)-Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Theo đó, các thí sinh sẽ phải thi tối thiểu 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Môn thi còn lại được tự chọn trong số các môn: Hóa học, Sinh học, Vật lý, Địa lý, Lịch sử. Như vậy, trong cơ cấu các môn thi lấy cơ sở xét tốt nghiệp sẽ có ít nhất 50% môn thi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Đối với các học sinh học “lệch” và bấy lâu nay vẫn hờ hững, học đối phó với các môn xã hội thì trong kỳ thi quan trọng sắp tới có thể sẽ “gặp khó”.
 
Có một thực tế diễn ra lâu nay là ở nhiều trường THPT, số học sinh theo khối C, D đang có chiều hướng giảm rõ rệt. Thay vào đó, xu hướng theo học các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên ngày càng tăng. Theo lý giải của nhiều học sinh thì vì học các môn khoa học tự nhiên có nhiều khối thi, ngành thi, trường thi, cơ hội tìm việc làm sau khi rời giảng đường đại học lớn hơn, kéo theo nguồn thu nhập cũng sẽ cao hơn…
 
Qua tìm hiểu ở một số trường THPT được biết, số học sinh theo học chương trình nâng cao các môn khoa học xã hội rất ít, mỗi khối thường chỉ “vớt vát” được một lớp. Ở nhiều trường, học sinh chủ yếu theo học chương trình cơ bản nhưng đều đăng ký học tự chọn các môn tự nhiên. Phần lớn học sinh đã lựa chọn khối thi thuộc các môn khoa học tự nhiên đều có tâm lý thi gì học nấy và chỉ chú trọng cho kỳ thi đại học. Nhiều học sinh tỏ ra “lạnh nhạt” với các môn khoa học xã hội.
 
Tình trạng học “lệch”, học “tủ” diễn ra khá phổ biến. Đáng lo là hiện tượng này xuất hiện ngay ở các lớp đầu cấp THPT, từ lớp 10, 11 tình trạng phân hóa và “phân biệt đối xử” đối với các môn khoa học xã hội đã diễn ra. Biểu hiện của tình trạng này là: Học sinh không có động lực và hứng thú trong tiết học các môn xã hội; trong giờ học thiếu tập trung, việc chuẩn bị bài, soạn bài cũng mang tính đối phó bởi đã có sẵn các loại sách tham khảo, học sinh chỉ việc chép theo.
 
Việc học “lệch”, không quan tâm đến các môn xã hội sẽ khiến học sinh “gặp khó” trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 - Ảnh minh họa
Việc học “lệch”, không quan tâm đến các môn xã hội sẽ khiến học sinh “gặp khó” trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 - Ảnh minh họa
 
Do học đối phó, không chú tâm thu nhận kiến thức, trong các tiết kiểm tra, những học sinh học “lệch” thường tìm đủ mọi cách quay cóp, sử dụng tài liệu, nếu giáo viên coi thi chặt thi đành nộp… giấy trắng. Trước thời điểm Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi chính thức, không ít học sinh lớp 12 năm nay đã “đoán già, đoán non” sẽ không tổ chức kỳ thi “2 trong 1” vào năm 2015, cộng vào đó là tâm lý muốn “dồn sức” cho kỳ thi đại học nên tỏ ra sao nhãng trong việc học các môn xã hội. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi chính thức mới “giật mình” thì “lỗ hổng” trong kiến thức các môn xã hội đã khá lớn, việc phát sinh tâm lý băn khoăn, lo lắng cũng là điều dễ hiểu.
 
Thời gian từ nay đến khi kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra không còn nhiều, các trường THPT cần nhanh chóng triển khai việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức các môn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12. Đặc biệt, cần dành một khoảng thời gian thích đáng để phụ đạo, bù đắp lượng kiến thức các môn khoa học xã hội bị thiếu hụt ở những học sinh bấy lâu nay vẫn học “tủ”, học “lệch”, thiên về các môn tự nhiên. Việc ôn tập, dạy phụ đạo cho học sinh cần được giao cho những giáo viên có năng lực, nhiệt huyết đảm nhận. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, đề thi các môn xã hội nếu được ra theo hướng tư duy khái quát, tổng hợp sẽ giúp học sinh dần làm quen với xu hướng đổi mới trong cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT những năm gần đây. Ngược lại, nếu đề thi ra theo kiểu học thuộc lòng với khối lượng kiến thức lớn sẽ gây khó khăn cho học sinh.
 
Đối với học sinh lớp 12, nhất là những học sinh bấy lâu nay vẫn học “lệch”, xem nhẹ các môn xã hội cần xác định: Hiện đang là khoảng thời gian “nước rút”, phải có thái độ thực sự nghiêm túc trong việc củng cố kiến thức ở các môn khoa học xã hội. Dù khoảng thời gian còn lại không nhiều nhưng nếu có phương pháp ôn tập phù hợp thì việc nắm được những kiến thức cơ bản nhất trong chương trình làm “vốn” chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới không phải là điều quá khó khăn. Với những học sinh lơ là các môn khoa học xã hội bấy lâu nay, lại không nỗ lực ôn tập mà chỉ trông chờ vào “vận may” nếu không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng không qua được “cửa” xét tốt nghiệp để có thể thực hiện giấc mơ vào giảng đường đại học.
 
.

Minh Tuấn

.