Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/thuc-hien-nghi-dinh-xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan-nhan-dan-nghe-nhan-uu-tu-nhung-kho-khan-vuong-mac-can-duoc-thao-go-534051/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/thuc-hien-nghi-dinh-xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan-nhan-dan-nghe-nhan-uu-tu-nhung-kho-khan-vuong-mac-can-duoc-thao-go-534051/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 17/09/2014, 15:19 [GMT+7]
Thực hiện Nghị định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú

Những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

(Congannghean.vn)-Nhằm ghi nhận tài năng, kịp thời vinh danh những người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Nghị định 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 7/8/2014. Theo quy định, đến ngày 30/9/2014, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố hoàn thành việc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu các nghệ nhân để Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh gửi lên cấp bộ trước ngày 25/12/2014, kịp cho đợt xét tặng đầu tiên năm 2015. Mặc dù vậy, một số điểm bất cập trong nội dung của Nghị định đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP, danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng cho công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói; chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tri thức dân gian; lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng… Để được phong tặng các danh hiệu đó, người được đề nghị phải hội đủ các yếu tố: Tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc; có cống hiến to lớn, tiêu biểu trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước hoặc địa phương. Tài năng của các nghệ nhân thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị.
 
Trong hồ sơ đề nghị, các nghệ nhân phải nộp đủ bản khai thành tích, tư liệu băng đĩa thực hành di sản, tư liệu mô tả chuyên môn, tri thức mà nghệ nhân nắm giữ; bản sao có công chứng các quyết định tặng thưởng, Huân, Huy chương, giải thưởng, Bằng khen. Cùng với những quy định về tài năng và đạo đức, người được vinh danh còn phải đảm bảo tuổi nghề ít nhất 15 năm đối với Nghệ nhân Ưu tú, 20 năm đối với Nghệ nhân Nhân dân. Có thể nói, sau 12 năm soạn thảo, so với những lần dự thảo trước đây, Nghị định 62 được xem là thông thoáng, bớt “đánh đố” nghệ nhân hơn, nhưng so với thực tiễn, một số nội dung trong Nghị định vẫn chưa thực sự hợp lý, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
 
Việc vinh danh các Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân theo Nghị định 62 vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ - Ảnh minh họa
Việc vinh danh các Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân theo Nghị định 62 vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ - Ảnh minh họa
 
Trước hết theo quy định, để được phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, các nghệ nhân phải có học trò, phải có thành tích, giải thưởng. Đây là điểm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, bởi các loại hình nghệ thuật truyền thống rất “kén” người học. Ở một số bộ môn, loại hình di sản có yếu tố cổ xưa, số nghệ nhân am hiểu chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Để có được khán, thính giả xem, nghe họ biểu diễn đã khó, chưa nói đến việc có học trò theo học. Trong số các nghệ nhân đó, không phải ai cũng có điều kiện tham gia các cuộc thi để lấy giải thưởng làm hồ sơ xét tặng danh hiệu. Phần lớn các nghệ nhân hiện nay đều có độ tuổi khá cao, một số nghệ nhân vùng dân tộc thiểu số thậm chí còn chưa biết đọc, biết viết, quy định yêu cầu họ phải làm “Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu” kèm theo các loại giấy tờ chứng thực thành tích, giải thưởng và băng, đĩa, hình ảnh minh họa là rất khó thực hiện.
 
Cũng theo Nghị định mới ban hành, nếu như để đạt danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, các nghệ nhân chỉ cần phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương thì muốn đạt tiêu chuẩn Nghệ nhân Nhân dân, họ phải là người có khả năng phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước. Như thế, với phần lớn di sản mang tính khu biệt vùng miền, chẳng hạn như: Đờn ca tài tử ở phía Nam; ca  trù, hát Xoan ở phía Bắc… thì các Nghệ nhân Ưu tú sẽ có rất ít cơ hội được xét danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, bởi rất khó thực hiện được mục tiêu phát huy giá trị di sản trong phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn “cứng” còn quy định, muốn trở thành Nghệ nhân Nhân dân, người thực hành di sản buộc phải đạt danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trước đó. Đây cũng có thể xem là yêu cầu gây khó khăn đối với các nghệ nhân, nhất là với lớp những nghệ nhân lão thành, hiện nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”.
 
Thực tế cho thấy, trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các nghệ nhân dân gian đã có những đóng góp không nhỏ. Họ được xưng tụng là “báu vật nhân văn sống”, với tư cách là những chủ thể văn hóa, vừa là người sáng tạo, vừa là người trình diễn, truyền dạy, giữ gìn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Nhiều người trong số họ, tuổi cao sức yếu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, rất cần được hỗ trợ trong cuộc sống cá nhân cũng như việc truyền dạy, lưu giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống để không bị rơi vào tình trạng mai một, quên lãng. Trong bối cảnh đó, Nghị định 62 ra đời là rất cần thiết nhằm tôn vinh, ghi nhận những công lao, đóng góp của các nghệ nhân. Tuy nhiên, để dễ dàng triển khai trong thực tiễn, cần giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà không cần thiết. Việc áp dụng các tiêu chí trong quá trình xét tặng các danh hiệu cần linh hoạt, tránh máy móc, rập khuôn.
 
Cùng với việc đơn giản hóa các loại hồ sơ đề nghị xét tặng, tài năng, tâm huyết, uy tín nghề nghiệp của các nghệ nhân được công chúng, xã hội thừa nhận là một “kênh” thông tin quan trọng để các cơ quan chức năng đưa vào danh sách phong tặng các danh hiệu. Đây cũng là động thái thể hiện sự chủ động trong việc tôn vinh những nghệ nhân đã âm thầm, miệt mài cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, nỗ lực giữ gìn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thời gian qua.
 
.

Minh Tuấn