Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/teo-top-dau-ra-he-cu-tuyen-vi-dau-569827/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201412/teo-top-dau-ra-he-cu-tuyen-vi-dau-569827/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Teo tóp' đầu ra hệ cử tuyển vì đâu? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 16/12/2014, 09:10 [GMT+7]

'Teo tóp' đầu ra hệ cử tuyển vì đâu?

(Congannghean.vn)-Tính từ năm 2008 đến nay, tỉnh ta đã có 439 sinh viên hệ cử tuyển, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số được gửi đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng. Việc này không nằm ngoài mục đích tăng cường đội ngũ cán bộ có tri thức về làm việc tại các xã miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thực trạng đáng báo động đó là gần một nửa số sinh viên này sau khi tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn chưa được bố trí việc làm.
 
Tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường Đại học Y Vinh vào năm 2011, thế nhưng, sau 3 năm ra trường, em Vi Thị May ở bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương vẫn chưa được tuyển dụng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, May phải ở nhà lao động kiếm sống. Mặc dù, bố là thương binh hạng 2/4, thuộc đối tượng ưu tiên, đã 5 lần gia đình em viết đơn lên các cấp chính quyền đề nghị bố trí việc làm cho May, nhưng đến nay vẫn vô vọng. Cùng chung tình cảnh như Vi Thị May là em Vừ Y Vừ, con ông Vừ Già Hùa, người dân tộc Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền. Y Vừ cũng là đối tượng cử tuyển đi học chuyên ngành y, nhưng sau khi ra trường vẫn không xin được việc làm, bỏ phí mấy năm học tập, Y Vừ đã theo chồng về huyện Quế Phong.
Rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển sau khi ra trường không tìm được việc làm do cơ chế chính sách của địa phương chưa hợp lý. Ảnh minh họa
Rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển sau khi ra trường không tìm được việc làm do cơ chế chính sách của địa phương chưa hợp lý. Ảnh minh họa
Từ năm 2008 đến nay, huyện Tương Dương đã có 71 sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, nhưng tỉ lệ bố trí việc làm lại rất thấp. Chỉ tính riêng năm 2014, huyện Tương Dương có 15 sinh viên hệ cử tuyển ra trường, nhưng chỉ có 3 em được tuyển dụng, một con số quá ít ỏi. Đây cũng là thực trạng chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay. 6 năm qua, trong số 439 sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường, toàn tỉnh hiện vẫn còn tới 193 em vẫn chưa có việc làm theo như cam kết ban đầu, trong đó có 117 em trình độ đại học. Và lý do mà các địa phương đưa ra là không có biên chế, vị trí công tác chưa phù hợp, hoặc chất lượng học tập của sinh viên hệ cử tuyển còn thấp.
 
Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ, quy trình xét cử tuyển của tỉnh ta rất cụ thể, có chỉ tiêu, tiêu chí xét tuyển rõ ràng. Theo đó, các huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đề xuất chỉ tiêu, đồng thời phải báo cáo nhu cầu việc làm đối với từng mã ngành đào tạo. Câu hỏi đặt ra ở đây, mặc dù các huyện đã có văn bản báo cáo dự kiến về vị trí công tác sau khi các em tốt nghiệp, thế nhưng, tại sao sinh viên hệ cử tuyển ra trường vẫn thất nghiệp?
 
Điều này không chỉ làm lãng phí nguồn nhân lực mà còn gây lãng phí đối với nguồn ngân sách Nhà nước. Bình quân trong một năm, tỉnh phải chi hơn 22 triệu đồng cho 1 sinh viên hệ cử tuyển, bao gồm các khoản học bổng, học phí, tiền mua sắm sách vở... Thậm chí, hàng năm, Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh chỉ duyệt một nửa nhu cầu so với  số lượng các huyện đề xuất lên, nếu không số sinh viên hệ cử tuyển thất nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Cụ thể như năm 2014, nhu cầu đăng ký là 91 em, nhưng Hội đồng chỉ duyệt 40 em, song chỉ có 24 em đủ tiêu chuẩn đi học.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: Đối với sinh viên cử tuyển, khi địa phương cử đi học thì phải có kế hoạch bố trí việc làm, nhưng các huyện vẫn chưa cân đối được việc này nên đã dẫn đến tình trạng trên. Còn đối với lao động làm việc trong vùng đặc biệt khó khăn thì thuộc đối tượng được xét tuyển.
 
Không đồng tình với ý kiến của Sở GD&ĐT, Ban Dân tộc miền núi, một trong những thành viên của Hội đồng tuyển sinh theo chế độ cử tuyển của tỉnh cho rằng, việc tuyển dụng sinh viên hệ cử tuyển phải phân rõ trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành, địa phương, trong đó trách nhiệm chính vẫn thuộc về Sở Nội Vụ. Và Nghị định 134 của Chính phủ cũng quy định rất rõ, trong 6 tháng, nếu địa phương không bố trí việc làm thì sinh viên đó có quyền đi liên hệ công tác ở nơi khác mà không phải hoàn lại bất cứ khoản học phí nào cho Nhà nước.
 
Để dẫn đến tình trạng sinh viên hệ cử tuyển ra trường nhưng chưa có việc làm, một phần là do việc xác định đăng ký chỉ tiêu cử tuyển hàng năm của các huyện không bám sát theo nhu cầu tuyển dụng của các địa phương, đơn vị, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Mặt khác, một số địa phương trong thời gian đưa con em đi học cử tuyển nhưng hàng năm vẫn xét tuyển thêm biên chế, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không còn biên chế để tuyển dụng.
 
Hơn nữa, sinh viên hệ cử tuyển ra trường không nên đòi hỏi chỉ bố trí việc làm ở trung tâm huyện mà có thể về công tác tại các xã, cũng như tham gia các đoàn thể cấp xã. Ông Đinh Xuân Lâm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất: Huyện phải cân đối các chỉ tiêu cử tuyển với bố trí việc làm trước, sau đó mới gửi lên tỉnh và tỉnh sẽ rà soát lại. Ông Lâm cũng thừa nhận, lâu nay, tỉnh và huyện cũng chưa phối hợp nhịp nhàng về vấn đề này nên dẫn đến tình trạng “ứ đọng” hiện nay.
 
Bình quân hàng năm, cả tỉnh có khoảng 60 em học theo hệ cử tuyển, chưa kể hơn 200 học sinh thuộc 3 huyện miền núi nghèo đang học ở các trường đại học theo Nghị quyết 30A. Vì vậy, trong 2 năm tới, số học sinh tốt nghiệp sẽ còn tăng gấp nhiều lần so với hiện tại. Trong khi đó, năm 2013, cả tỉnh đang có hơn 13 nghìn sinh viên thất nghiệp, nếu không sớm có giải pháp khắc phục thì chắc chắn, danh sách sinh viên cử tuyển thất nghiệp sẽ ngày càng được nối dài thêm.
.

Hiến Chương

.