Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201501/co-mot-dong-ca-khuc-mang-am-huong-dan-ca-vi-giam-583182/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201501/co-mot-dong-ca-khuc-mang-am-huong-dan-ca-vi-giam-583182/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Có một dòng ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 29/01/2015, 08:20 [GMT+7]

Có một dòng ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm

(Congannghean.vn)-Từ bao đời nay, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc, thể hiện rõ tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ. Không chỉ hiện diện trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày; chất liệu, âm hưởng của ví, giặm còn lan truyền vào các tác phẩm âm nhạc mới. Dù chưa có một thống kê thực sự đầy đủ, nhưng sự ra đời của hàng trăm ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ sức sống bền lâu của loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc này.
 
Phần lớn các ca khúc sử dụng, khai thác chất liệu dân ca ví, giặm đều được số đông công chúng nghe nhạc yêu thích. Có thể kể tới rất nhiều những ca khúc vượt thời gian, đi cùng năm tháng như: “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” (Nguyễn Văn Tý), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Vinh, thành phố bình minh” (Lê Hàm), “Câu hát quê hương” (Hồ Hữu Thới), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Trần Hoàn), “Ca dao em và tôi” (An Thuyên)… Không chỉ có ca từ mộc mạc, giản dị, trong sáng, hầu hết các ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm đều dễ thuộc, dễ nhớ bởi giai điệu tha thiết, lắng sâu, mang nét đặc trưng riêng, phù hợp với nhiều tầng lớp, lứa tuổi.
Chất liệu, âm hưởng của dân ca ví, giặm đã lan thấm vào các tác phẩm  âm nhạc mới với sức sống bền lâu - Ảnh: Sỹ Minh
Chất liệu, âm hưởng của dân ca ví, giặm đã lan thấm vào các tác phẩm âm nhạc mới với sức sống bền lâu - Ảnh: Sỹ Minh
Ngay từ khi ra đời, ca khúc “Tiếng hò trên đất Nghệ An” đã được người dân xứ Nghệ và cả nước đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, mỗi lần nghe bài hát này, những người dân xứ Nghệ xa quê lại cảm thấy như mình đang ngồi đò, bồng bềnh trên dòng Lam Giang, thả hồn theo những câu hò, điệu ví khoan nhặt, vọng vang đôi bờ: “Ôi dòng nước sông Lam chảy từ trên ngàn/ Qua những Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn/ Còn nghe, còn nghe tiếng hò ngày xưa vọng vang”.
 
Cảm hứng chủ đạo của ca khúc là tình yêu quê hương, nơi có sông Lam, núi Quyết với truyền thống cách mạng hào hùng và những câu hò, điệu ví lay động lòng người. Từ sự gắn bó sâu nặng với quê hương, người nhạc sĩ đã mang âm hưởng đặc sắc của dân ca xứ Nghệ vào ca khúc của mình một cách nhuần nhuyễn, gần gũi. Mỗi khi ca từ và giai điệu bài hát vang lên, người dân ở mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng, gió lại thêm phần tự hào về quê hương bởi “Mảnh đất nơi đây nặng tình vô vàn, tiếng trống năm xưa Xô Viết dậy làng/ Giờ đây như giục lòng dân Nghệ An”. 
 
Sinh thời, Bác Hồ là người nặng lòng với những ca khúc dân ca khắp mọi miền đất nước, trong đó có những làn điệu ví, giặm thấm đẫm ân tình quê hương. Cũng bởi vậy mà khi viết về Bác, nhiều nhạc sĩ đã rất thành công khi vận dụng một cách nhuần nhị, tự nhiên chất liệu của dân ca ví, giặm trong sáng tác của mình. Trong đó, có những ca khúc tiêu biểu như: “Trông cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận), “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm” (Nhạc: Trần Hoàn, lời thơ: Đỗ Quý Doãn), “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (An Thuyên), “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Trần Hoàn)… Với ca khúc “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm”, người nghe không những được đắm mình trong âm sắc của những làn điệu dân ca xứ Nghệ mà còn có dịp thấu hiểu hơn tình cảm đặc biệt của Bác Hồ dành cho những câu hát quê hương. Từ thuở thiếu thời, tâm hồn Người đã thấm đượm âm hưởng những làn điệu dân ca ví, giặm quê nhà để rồi khi lớn lên, bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, không lúc nào Bác nguôi nỗi da diết nhớ thương. 
 
Cũng là một ca khúc ra đời từ những năm 80 của thế kỷ trước, bài hát “Câu hát quê hương” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới đã chiếm trọn tình cảm của nhiều người. Nó đã theo các đoàn nghệ thuật đến với công chúng cả nước và đặc biệt gây xúc động với những người Nghệ xa quê. Sự sáng tạo trong cấu trúc, giai điệu kết hợp với ca từ mộc mạc, trong sáng đã làm nên nét duyên dáng mà đằm thắm cho ca khúc này: “Người ơi, thương nhau nhớ lời đã hò hẹn/ Càng thương nhau, nhớ gừng cay muối mặn/ Câu ca ân tình nơi sóng nước long lanh bao cuộc đời/ Câu ca bây giờ nghe vẫn mới, thương nhau xin nhớ đừng quên…”.
 
Không chỉ thành công với “Câu hát quê hương”, nhạc sĩ Hồ Hữu Thới còn được biết tới với nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ khác như: “Giọng hò trên biển quê hương”; “Hội làng bên sông Lam”; “Ân tình xứ Nghệ”… Mỗi ca khúc là một sự tìm tòi, sáng tạo riêng nhưng người nghe đều có thể nhận ra phong vị riêng của chất liệu ví, giặm lan thấm trong từng câu chữ.
 
Không chỉ được các thế hệ nhạc sĩ tiền bối khai thác, sử dụng; chất liệu, âm hưởng của dân ca ví, giặm còn xuất hiện trong sáng tác của nhiều nhạc sĩ trẻ và được công chúng yêu nhạc đón nhận. Điều đó một lần nữa chứng tỏ dấu ấn, sức sống bền lâu của dân ca ví, giặm trong cuộc sống đương đại. Người xứ Nghệ từ bao đời nay vẫn gắn bó thủy chung với điệu hò, câu ví để được sống với những cung bậc cảm xúc tinh tế, sâu lắng nhất trong tâm hồn.
 
Nhạc sĩ Lê Hàm, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Vinh, thành phố bình minh” đã rất có lý khi cho rằng: “Dân ca ví, giặm có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Dù cuộc sống có phát triển đến đâu chăng nữa thì cội rễ của những câu hát dân ca ngọt bùi này cũng đã ăn sâu vào tâm hồn những người con quê hương để mỗi lúc đi xa, nghe câu hò ví, giặm lại nao nao thấy nhớ quê nhà”. Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, chính sự ra đời của hàng loạt ca khúc sử dụng chất liệu ví, giặm đã góp phần làm cho âm hưởng của những làn điệu dân ca quê hương lan xa, vang mãi.
.

Bùi Minh Tuấn

.