Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201502/nguoi-dang-vien-me-suu-tam-chuyen-ve-bac-ho-589327/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201502/nguoi-dang-vien-me-suu-tam-chuyen-ve-bac-ho-589327/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người đảng viên mê sưu tầm chuyện về Bác Hồ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 26/02/2015, 08:52 [GMT+7]

Người đảng viên mê sưu tầm chuyện về Bác Hồ

Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ông Trần Văn Diệu (SN 1923) trú tại khối 15, thị trấn Hưng Nguyên vẫn rất minh mẫn. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng đã bồi dưỡng và hun đúc ông trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung, mẫu mực. Cuộc đời ông là một câu chuyện dài gắn với nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử. Đam mê lớn nhất của ông chính là sưu tầm những câu chuyện về Bác Hồ, nhưng phải đến khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian để thực hiện. Với ông, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, như chỉ vừa mới hôm qua. 
 
Tổng chỉ huy cướp chính quyền năm 1945
 
Đất nước đang bước vào mùa xuân mới, mừng Đảng tròn 85 tuổi, đất nước 70 xuân xanh, 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tháng 8/1945 là mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc. Đó còn là kỷ niệm không thể nào quên với đảng viên Trần Văn Diệu. Ông là một trong những nhân chứng sống tham gia hoạt động thời kỳ ấy. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in lời Bác Hồ đọc trong “Lá thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” mùa thu năm 1945. Lời hiệu triệu ngắn ngủi nhưng đã lay động cả dân tộc Việt Nam, sau hơn 80 năm dài chìm đắm trong nô lệ, lầm than. 
Ông Trần Văn Diệu nâng niu 2 tuyển tập như báu vật
Ông Trần Văn Diệu nâng niu 2 tuyển tập như báu vật
Sáng 19/8, diễn ra cuộc mít tinh diễu hành với hơn 2.000 người tham gia. Ông Trần Văn Diệu được giao nhiệm vụ làm Tổng chỉ huy cuộc biểu tình tự vệ vũ trang đứng lên cướp chính quyền. Hàng vạn người với khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng phấp phới, rầm rộ đứng lên cướp chính quyền. Chiều 19/8, cuộc cướp chính quyền dành thắng lợi, Tri phủ Hưng Nguyên đầu hàng. 
 
Ăn Tết trên đường nhận nhiệm vụ
 
Ấy là vào năm 1951, ông Diệu vẫn nhớ như in đó là ngày 23 tháng Chạp, đúng vào dịp tiễn ông Táo về trời, ông nhận được lệnh ra Hà Nội gấp để làm công tác địch vận và trí thức vận. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, mỗi tỉnh chỉ cử 1 người đi. Lúc bấy giờ, ông Diệu là người thông thạo tiếng Pháp nên được giao nhiệm vụ này. “Lệnh công tác quá bất ngờ nên tôi cũng không kịp chuẩn bị gì, phải tức tốc lên đường ngay. Lúc đó, tôi chỉ được phát một tờ giấy giới thiệu công tác. Tôi còn đùa với chỉ huy rằng, không có tiền cũng không có 
 
quân lương thì làm sao đi được từ Nghệ An ra Hà Nội, mà thời ấy phải đi bộ chứ làm gì có xe cộ như bây giờ”, ông Diệu vui vẻ nhớ lại. Nói là vậy nhưng “quân lệnh như sơn”, ông nhanh chóng sắp xếp hành lý và một mình thẳng tiến ra Thủ đô. Một mình vượt hơn 300 km ra Hà Nội trong những ngày giáp Tết, trên đường đi, ngắm nhìn cảnh người dân nô nức đón Tết, hoa đào khoe sắc thắm, ông không khỏi chạnh lòng, cồn cào nỗi nhớ nhà. 
 
Hồi đó, ông được phát một phiếu ăn, cứ qua một trạm giao liên, ông lại được cấp đổi phiếu khác. Sau khi dừng chân ở trạm giao liên đầu tiên, ông gặp 2 người bạn cũng ra Hà Nội nhận công tác. Ông Diệu cho biết: “Đó là ông Húng và ông Đức. Sau này, ông Húng làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, còn ông Đức làm cán bộ Tỉnh đoàn. Chúng tôi nhanh chóng làm quen và thân thiết với nhau. Hành trình ra Hà Nội không còn đơn độc nữa mà có thêm người bầu bạn, giúp đỡ trên chặng đường dài”.
Những lời dạy của Bác được ông sắp xếp khoa học trên tờ lịch cũ
Những lời dạy của Bác được ông sắp xếp khoa học trên tờ lịch cũ
 
Sau 8 ngày đi bộ, chiều 30 Tết, họ đặt chân đến Cửa Đại Hà Nam, khi ấy, trời cũng đã nhá nhem tối. “Chúng tôi ngủ lại trong chợ Đại để đón giao thừa. Mấy anh em chạy xung quanh chợ mua chai rượu và ít bánh kẹo đón năm mới. Giờ phút chuyển giao năm cũ sang năm mới, dẫu không có đào, mai, bánh chưng nhưng mấy anh em quây quần bên nhau, nâng ly chúc mừng năm mới cũng thấy ấm cúng lắm. Dù không nói ra nhưng anh nào cũng mong ngóng về quê nhà. Mỗi người uống vài chén rượu, sau đó ngủ thiếp đi vì mệt”, ông Diệu chia sẻ.
 
Khi tỉnh dậy, ngắm nhìn phố xá bước sang năm mới mà lòng dâng tràn cảm xúc, cả 3 người tiếp tục xách ba lô lên đường, đi đến trạm giao liên cuối cùng. Sau hơn 1 tuần ròng rã, trải qua biết bao khó khăn, mệt mỏi, ông Diệu đặt chân đến Hà Nội, chờ 1 ngày để bố trí công việc. 
 
Lời Bác soi đường
 
Sau này, ông trải qua nhiều công việc, cương vị công tác khác nhau nhưng ở cương vị nào, ông cũng cống hiến hết mình. Sau khi xuất ngũ, ông công tác trong ngành giáo dục, được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. 
 
Sau khi nghỉ hưu, ông đã dành nhiều thời gian làm công tác dân vận. Bằng uy tín của mình, ông đã tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Dù tuổi cao nhưng bước chân ông đã ghi dấu ở nhiều nơi để sưu tầm những tờ báo, trang sách viết về Bác Hồ, những lời dạy của Bác với mục đích làm tài liệu tuyên truyền về tấm gương đạo đức của Người.
 
Từ đó, góp phần đưa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào thực tiễn, tạo không khí, động lực “làm theo” trong cán bộ, đảng viên và bà con lối xóm. Từ những câu chuyện sưu tầm được, ông tập hợp lại và phân loại theo từng chủ đề. Đưa cho tôi xem 2 tuyển tập dày cộm “Một số lời dạy của Bác Hồ” và “Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ”, ông Diệu cẩn thận nâng niu như báu vật. Đối với ông, đó là tài sản quý giá nhất của mình. 2 cuốn tài liệu không màu mè, bóng bẩy nhưng được đóng chắc chắn, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề. Bởi ông đã tận dụng những tờ lịch cũ để làm giấy và dán những mẩu chuyện vào đó. Đó cũng là cách ông đang học theo lời dạy của Người về tính tiết kiệm trong từng công việc dù là nhỏ nhất. 
 
Trong “Một số lời dạy của Bác Hồ”, ông Diệu phân loại rõ từng chủ đề, nội dung lời dạy. Trong phần “Những lời dạy sáng ngời chân lý, thấm đượm ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh” có các mục: Di chúc và 55 lời về Đảng; 38 lời về đạo đức cách mạng; 32 lời về tự phê bình và phê bình; 19 lời về công tác cán bộ; 16 lời về học hỏi… Ở mỗi nội dung, ông đều sưu tầm đầy đủ các lời dạy liên quan, như lời dạy của Bác về “Công tác cán bộ”, Bác đã có những lời dạy ngắn gọn, súc tích nhưng vô cùng ý nghĩa như “Trọng dụng cán bộ”, “Cân nhắc cán bộ”, “Để nhận rõ cán bộ tốt, cán bộ xấu”…
 
Hay như lời dạy về “Học hỏi”, Người đã có những căn dặn: “Phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người”, “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân”, “Học hỏi là nghĩa vụ của người đảng viên”… “Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ” cũng được ông sắp xếp rất khoa học. Đó là các bài viết về Bác của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Vũ Kỳ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… và của các học giả nước ngoài. Trong các mẩu chuyện đó, ông rất tâm đắc với bài viết “Hồ Chí Minh, con người bình thường và con người kiệt xuất” của nhà sử học người Mỹ JS.Tenson. 
 
Không phải ngẫu nhiên ông lại có sở thích sưu tầm chuyện về Bác Hồ mà xuất phát từ mong muốn lưu giữ sức lan tỏa lời dạy của Bác đến muôn đời sau. Bởi thế, trong mỗi cuộc họp chi bộ, với vai trò của người đảng viên, ông thường trao đổi với chi ủy về nội dung cuộc họp, tìm lời dạy của Bác sao cho phù hợp với nội dung để tăng tính thuyết phục, tạo động lực, khí thế “làm theo” trong cán bộ đảng viên và bà con lối xóm. Hơn 10 năm nay, ông Diệu đã dành trọn thời gian, sức lực và tâm huyết để sống với niềm đam mê của mình. Hai tuyển tập giản dị, mộc mạc nhưng nội dung vô cùng cao quý cũng như chính con người của ông vậy. 
.

Yến Nhi

.