Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/mo-hinh-truong-hoc-moi-hay-nhung-kho-nhan-rong-638450/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201509/mo-hinh-truong-hoc-moi-hay-nhung-kho-nhan-rong-638450/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mô hình trường học mới: Hay, nhưng khó nhân rộng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 28/09/2015, 16:04 [GMT+7]

Mô hình trường học mới: Hay, nhưng khó nhân rộng

(Congannghean.vn)-Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 40 trường học ở hai cấp tiểu học và THCS đang triển khai thí điểm mô hình trường học mới (mô hình VNEN). Đây là mô hình học tập tiên tiến, xóa bỏ những bất cập của phương pháp dạy truyền thống “thầy dạy, trò chép”; thay vào đó là tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, học sinh và học sinh, tạo không khí học tập thân thiện, tăng sự hứng thú, sáng tạo trong học tập. Tuy nhiên, chỉ mới vào đầu năm học nhưng các trường đang gặp không ít khó khăn khi triển khai mô hình này.

Học sinh hào hứng với mô hình mới

Mô hình VNEN được tổ chức theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy và học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Một bài học được thiết kế gồm những hoạt động như hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Các phòng học theo mô hình VNEN được bố trí linh động với đồ dùng dạy và học sẵn có để học sinh tham khảo. Học sinh ngồi học theo nhóm để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là hội đồng tự quản học sinh do chính các em bầu ra và đảm nhiệm. Cách làm này giúp các em phát huy quyền làm chủ trong học tập, rèn luyện kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm.

Năm học 2015 - 2016, Trường THCS Lê Lợi có 2 lớp thí điểm giảng dạy mô hình VNEN. Đây là số học sinh vừa hoàn thành chương trình tiểu học theo mô hình này của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Tiết học khoa học xã hội của các em lớp 6 vô cùng sôi nổi khi các em giới thiệu, quan sát và khám phá kính lúp, kính hiển vi. Khác với các giờ học truyền thống “thầy giảng, trò chép”, các nhóm học sinh tự thảo luận, tự tìm hiểu và tự tìm ra câu trả lời.

Một tiết học khoa học xã hội theo mô hình VNEN của học sinh Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh
Một tiết học khoa học xã hội theo mô hình VNEN của học sinh Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh

Thầy Võ Hoàng Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi cho biết: “Học sinh vô cùng hào hứng và thích thú với phương pháp giảng dạy này. Bản thân các em rất hiếu động nên thích tự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm. Những điều này cũng chính là mục tiêu mà mô hình VNEN hướng đến. Tôi cho rằng, mô hình này sẽ khuyến khích và phát huy được tính sáng tạo, khả năng tư duy cũng như kỹ năng làm việc theo nhóm, giúp các em chủ động hơn trong việc học”.

Nhiều khó khăn

Trái với sự hào hứng của học sinh, hầu hết các trường lại không mấy mặn mà với mô hình này, vì gặp phải nhiều khó khăn ngay trong thời gian đầu mới đưa vào thí điểm. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là thiếu thốn về cơ sở vật chất. Với mô hình VNEN, các học sinh ngồi theo nhóm, quay mặt vào nhau, trong khi đó hiện nay, sĩ số của các lớp học rất đông. Trung bình mỗi lớp có 35 học sinh, được chia làm 6 nhóm, diện tích phòng học lại nhỏ, được thiết kế theo kích thước cũ 42 - 45 m2; trong khi đó, diện tích phòng học theo chuẩn mới quy định là 63 m2, dẫn tới khó khăn trong việc sắp xếp.

Trong đợt nghỉ hè, Trường đã khắc phục bằng cách cắt bớt phần bục giảng nhưng vẫn không đảm bảo diện tích. Nói là dạy theo phương pháp mới nhưng thực tế, cả thầy và trò đều đang “dạy chay”, “học chay”, bởi mặc dù đã bước vào năm học mới được hơn 3 tuần nhưng nhiều trường vẫn chưa nhận đủ sách giáo khoa. Sách giáo khoa là sách “3 trong 1”, dành cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Vì là bộ sách thí điểm nên có sự thay đổi và điều chỉnh theo từng năm học, vì vậy dẫn đến tình trạng thiếu sách giáo khoa. Ngoài ra, tài liệu tham khảo cũng hạn chế, thiết bị dạy học kèm theo như máy tính, máy chiếu... cũng thiếu thốn nên các thầy cô vừa dạy, vừa phải tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu.

Với phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, giáo viên phải có kỹ năng tổ chức hoạt động. Trong khi đó, hầu hết giáo viên đều có thâm niên đứng lớp lâu năm, cách dạy truyền thống đã ăn sâu. Không những thế, học theo chương trình mới, các môn học được sắp xếp theo tổ hợp như môn khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn khoa học xã hội gồm Ngữ văn,  Lịch sử, Địa lý. Một số tiết học có kiến thức chung cả 2, 3 môn, tuy nhiên giáo viên đều có trình độ đại học đơn môn, chưa được bồi dưỡng, đào tạo giảng dạy môn tích hợp nên gặp khá nhiều lúng túng.

Thầy Võ Hoàng Ngọc cho biết thêm: Mặc dù mô hình VNEN đã được thực hiện thí điểm hơn 2 năm ở nhiều trường học trên cả nước nhưng học sinh học mô hình VNEN vẫn đang thi chung với học sinh học chương trình cũ. Điều này rất thiệt thòi với các em học mô hình VNEN. Nhiều trường học áp dụng chương trình mới nhưng hệ thống đánh giá lại chưa tương xứng với mục tiêu thay đổi. Với các kỳ thi chung trên giấy, học sinh học mô hình VNEN sẽ không bộc lộ được những ưu điểm của mô hình trường học mới, đó là chưa kể kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10. Điều này khiến các phụ huynh rất lo lắng và không yên tâm cho con theo học mô hình này.

.

Huyền Thương