Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201602/vui-xuan-voi-hoi-choi-bo-661516/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201602/vui-xuan-voi-hoi-choi-bo-661516/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vui Xuân với hội chọi bò - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 10/02/2016, 08:52 [GMT+7]

Vui Xuân với hội chọi bò

(Congannghean.vn)-Ngày xuân, khi tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn ngân vang trên những sườn núi cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn tạm gác việc nhà nông để tham gia hội chọi bò mang đậm nét đặc trưng vùng miền. Hội chọi bò hàng năm đã trở thành một hoạt động văn hóa hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương và du khách gần xa.

Trên vùng đất biên giới xa xôi huyện Kỳ Sơn, từ bao đời nay, 5 dân tộc anh em Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh và Hoa luôn chung sống hòa thuận, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội và tham gia tích cực vào công tác giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được đồng bào các dân tộc đặc biệt quan tâm. Nơi đây bao đời nay đã hình thành nên nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo.

Trong đó không thể không nhắc đến lễ hội Bò chận (chọi bò) của đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội được tổ chức ở nhiều nơi của huyện Kỳ Sơn, nhưng chủ yếu tập trung tại 3 xã Mường Lống, Nậm Cắn và Huồi Tụ. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của người Mông ở Kỳ Sơn, thể hiện khát vọng no ấm, đủ đầy của những người dân miền sơn cước.

Hội chọi bò của đồng bào dân tộc Mông
Hội chọi bò của đồng bào dân tộc Mông

Theo các già làng kể lại, hội chọi bò của đồng bào dân tộc Mông đã có từ lâu và được tổ chức với quy mô nhỏ lẻ ở một số xóm, bản. Những năm gần đây, phong trào nuôi bò của bà con phát triển mạnh, cộng với việc giao thông đi lại thuận lợi nên hội chọi bò đã vươn ra khỏi phạm vi một xã, thu hút được sự tham gia của các xã lân cận, thậm chí có cả một số địa phương của nước bạn Lào.

Tuy quy mô chưa thật sự lớn và hoành tráng nhưng hội chọi bò được tổ chức vào dịp đầu xuân thực sự trở thành ngày hội của đồng bào người Mông nơi đây. Cứ mỗi dịp lễ hội, phiên chợ hay vào những ngày đầu xuân năm mới, người dân lại háo hức tham gia hội chọi bò được tổ chức một cách rầm rộ tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện.

Vào những ngày giáp Tết, những hộ gia đình người Mông nuôi bò có sừng to, khỏe, u lưng nhô cao đều đến đăng ký tham gia hội chọi bò với trưởng bản. “Trường đấu” được tổ chức ở ngay sân giữa các bản làng.

Ngày diễn ra hội chọi, ngay từ sáng sớm, từng đoàn người ở khắp các bản, làng kéo về sân đấu ngày càng đông. Hàng nghìn đôi mắt đổ dồn vào những chú bò lừng lững bước ra “đấu trường”. Như chỉ chờ đến lúc chủ tháo dây buộc mũi, ngay lập tức, hai “đấu sĩ” bò lao thẳng vào nhau. Những “đấu sĩ” này “thi triển” hết mọi đòn đánh, miếng ghì, miếng móc để quật ngã đối thủ. Lúc này, cả sân đấu bụi bay mịt mù.

Bên ngoài, khán giả nín thở trước những pha đấu gay cấn, lúc lại bàn tán, cổ vũ một cách hào hứng, sôi nổi trước những đòn đánh xuất sắc. Đáng gờm nhất là những chú bò với đòn đánh “hổ lao”, vừa lùi xa lại bất ngờ lao thẳng vào đối thủ.

Hội chọi bò tại vùng đất này không chỉ mang tính giải trí mà còn có ý nghĩa thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò của đồng bào dân tộc Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Kết thúc hội chọi bò, sẽ chọn ra những con bò tốt nhất, khỏe nhất để tiến hành nhân rộng giống. Đồng thời, lễ hội là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ, già làng, người có uy tín giáo dục, trao truyền các giá trị truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đạo đức, lối sống của dân tộc mình cũng như chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho con cháu.

 Người dân huyện Kỳ Sơn chăm sóc bò để chuẩn bị cho hội chọi
Người dân huyện Kỳ Sơn chăm sóc bò để chuẩn bị cho hội chọi

Đây cũng là cơ hội để người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi gia súc theo quy mô lớn. Bên cạnh đó, hội chọi bò độc đáo được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân còn mang đến niềm vui và sự hứng khởi cho người dân, là dịp để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, an cư lạc nghiệp.

Với người Mông ở Kỳ Sơn, những con bò chọi được chủ nhân yêu quý đến độ được đặt tên và nâng niu như một báu vật. Loài vật này là biểu trưng cho sức mạnh, tiếng tăm và sự giàu có của gia chủ. Những gia chủ có được con bò chọi tốt thì tiếng tăm của họ sẽ mãi được lưu truyền. Và những chú bò từng một thời “làm mưa, làm gió” trên sân đấu luôn được lưu giữ trong trí nhớ của đồng bào, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Họ vẫn thường kể cho nhau nghe về những trận đấu “một mất một còn” với sự hứng khởi và tự hào.

Già làng Vừ Y Ban ở xã Huồi Tụ cho biết: “Hội chọi bò hàng năm là một hoạt động vui chơi, giải trí có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân nơi đây, đồng thời thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò ở địa phương ngày càng phát triển. Theo đó, tình làng nghĩa xóm cũng được củng cố. Đây còn là dịp để người Mông giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người và những nét văn hóa đặc sắc của địa phương tới du khách. Chúng tôi mong rằng hội chọi bò năm sau sẽ được tổ chức với quy mô lớn và hoành tráng hơn nữa”. Nét độc đáo của lễ hội này là sau khi kết thúc trận đấu, những chú bò chọi sẽ được giữ lại để chăm sóc, dùng làm sức kéo và huấn luyện để tiếp tục trổ tài vào mùa lễ hội năm sau chứ không bị đem giết thịt.

Anh Hờ Bá Lỳ, người dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Với đồng bào các xã vùng cao, hội chọi bò là lễ hội lớn nhất trong năm, cũng là cơ hội để họ thể hiện “thành tích” chăn nuôi và huấn luyện bò chọi. Bởi vậy, từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Mông luôn coi hội chọi bò là một nét văn hóa truyền thống của địa phương, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần và thể hiện đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động của người dân vùng cao.

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, để nét đặc trưng văn hóa này không bị mai một, rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đầu tư kinh phí xây dựng một sân đấu tập trung mang tầm cấp huyện. Đồng thời duy trì đều đặn cuộc thi vào dịp đầu xuân hàng năm và có các hình thức khen thưởng kịp thời để vừa khuyến khích, động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, vừa góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào người Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn.

.

Cao Loan

.