Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201603/nha-nghien-cuu-su-hoc-tran-minh-sieu-bac-ho-la-nguon-cam-hung-bat-tan-669227/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201603/nha-nghien-cuu-su-hoc-tran-minh-sieu-bac-ho-la-nguon-cam-hung-bat-tan-669227/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Bác Hồ là nguồn cảm hứng bất tận' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 27/03/2016, 16:06 [GMT+7]
Nhà nghiên cứu sử học Trần Minh Siêu

'Bác Hồ là nguồn cảm hứng bất tận'

(Congannghean.vn)-“Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cho dân, cho nước, còn tôi cũng dành trọn tình yêu, tâm huyết để nghiên cứu và viết về Người”. Đó là chia sẻ của nhà nghiên cứu sử học Trần Minh Siêu.

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Minh Siêu đã in gần chục cuốn sách, viết hàng trăm bài trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp của Người.

Trong đó có những cuốn sách đã được các nhà xuất bản tái bản vài chục lần và nhận giải Sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh. Ông cũng là người giữ kỷ lục khi tham gia tới 60 hội thảo văn hóa về Bác Hồ và xứ Nghệ, từ cấp tỉnh đến Trung ương và cả quốc tế.

Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu chia sẻ về cuốn sách mà ông đã dành tâm huyết để viết
Nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu chia sẻ về cuốn sách mà ông đã dành tâm huyết để viết

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của nhà nghiên cứu sử học Trần Minh Siêu ở đường Hồng Bàng, phường Lê Mao, TP Vinh khi ông đang say sưa bên những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tâm sự rằng, gần trọn đời nghiên cứu về Bác Hồ nhưng càng tìm tòi, ông lại phát hiện thêm nhiều cái mới về Bác và gia thế của Người. Điều này đã thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu bởi như ông nói thì “Bác Hồ là nguồn cảm hứng bất tận”.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Minh Siêu đã mê sử và thích tìm hiểu những vấn đề liên quan đến lịch sử nước nhà. Năm 1957, ông được đi học lớp đào tạo sư phạm ngắn hạn, sau đó về dạy tại Trường cấp 2 Phú Cường ở Sơn Tây (Hà Tây cũ). Do có năng lực nên công tác được một thời gian ngắn, ông được đề bạt giữ chức Hiệu trưởng khi mới 21 tuổi. Vừa giảng dạy, ông Siêu vừa nghiên cứu sử học.

Năm 1959, dù được cử đi học ở Trường Đại học Sư phạm I nhưng ông lại làm hồ sơ thi vào khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp. “Trường cử tôi đi học để nâng cao nghiệp vụ sư phạm nhưng do mê sử nên nhân cơ hội này, tôi đã đăng ký thi vào khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp. Khi đi thi tôi biết mình sẽ gặp nhiều trở ngại vì 700 người thi mà chỉ lấy 20 người. Sau đó, tôi là người duy nhất của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh ra Ninh Bình thi đỗ”.

Sau khi tốt nghiệp, năm 1962, ông về công tác tại Bộ Văn hóa và được thỏa niềm đam mê khi dành trọn thời gian cho nghiên cứu lịch sử. Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất được vài ngày, ông được chuyển về công tác tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn.

Tại đây, ông đã dành tất cả công sức và niềm say mê cho việc tôn tạo, nâng cấp cụm Khu di tích Kim Liên và nghiên cứu về Bác Hồ. Ông đã tham mưu cho cấp trên trong việc phục hồi, tôn tạo nhiều di tích gốc như: Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân, nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Riêng khu mộ bà Hoàng Thị Loan là nơi ông bỏ nhiều công sức nghiên cứu về địa thế, phong thủy để giúp cho việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp. “Năm 1982, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác về khảo sát để tu sửa khu mộ bà Loan. Tôi cùng đồng chí Kỳ đi lên dãy núi, chúng tôi đã ngồi từ 10 giờ trưa đến 2 giờ chiều để thảo luận. Ông Kỳ đã hỏi tôi không biết bao nhiêu câu hỏi về vị trí địa lý, phong thủy và sau khi tôi trả lời, ông đã gật đầu và nói về làm đơn đề nghị lên Sở Văn hóa rồi gửi ra Bộ Văn hóa”, ông Siêu nhớ lại.

Những năm tháng học phổ thông, khi được nghe kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã thầm cảm phục nhưng phải đến khi về công tác ở Khu di tích Kim Liên, ông mới có cơ hội để nghiên cứu về Người. Với chiếc xe đạp cà tàng, ông đã đi khắp nơi và gặp rất nhiều người để tìm kiếm tư liệu về Bác. Trên mảnh đất hình chữ S, dường như không có địa danh nào ông chưa từng đặt chân tới bởi ông quan niệm, nhà nghiên cứu thì phải “nói có sách, mách có chứng”.

Nhắc về kỷ niệm những lần đi tìm kiếm tư liệu về Bác Hồ, ông Siêu chia sẻ: “Có một lần tôi ra Bộ Năng lượng ở Hà Nội xin than về nung gạch để xây dựng. Thời điểm đó đất nước còn nghèo nên việc xây dựng Khu di tích Kim Liên thiếu thốn đủ bề. Ra đến nơi, tôi gặp được người phụ trách. Sau khi hỏi thăm, biết tôi ở quê của Bác Hồ, ông này mới hỏi chuyện về Người. Tôi say sưa kể mà chẳng để ý thời gian, đến khi thấy có đông người tới nghe, nhìn đồng hồ thì mới biết đã kể được 2 tiếng. Ấy thế mà khi thấy tôi dừng chuyện, mọi người lại đòi tôi kể tiếp”.

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu về Bác Hồ, ông Trần Minh Siêu đã in gần chục cuốn sách, viết hàng trăm bài trên các báo, tạp chí, hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Những người thân trong gia đình Bác Hồ”, “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên”, “Kim Liên trong lòng nhân dân và bầu bạn”, “Huyền thoại huyệt đạo bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh”, “Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan”, “Quê hương và gia thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

Giờ đây, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn không ngừng nghiên cứu về Người, với tâm nguyện góp một phần công sức nhỏ bé để những thế hệ sau biết và hiểu nhiều hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam sinh ra trên quê hương xứ Nghệ anh hùng.

.

Phương Thủy

.