Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201603/tieng-coi-vao-ca-nam-ay-667960/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201603/tieng-coi-vao-ca-nam-ay-667960/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tiếng còi vào ca năm ấy... - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 22/03/2016, 08:13 [GMT+7]

Tiếng còi vào ca năm ấy...

(Congannghean.vn)-Đã tròn 60 năm trôi qua kể từ khi Nhà máy điện Vinh ra đời. Hơn 30 năm nay, dù không còn hoạt động, dấu tích xưa cũ chỉ còn lại chiếc cột khói khổng lồ dưới chân núi Dũng Quyết, ngoại trừ thứ 7 và chủ nhật, vào lúc 7 giờ và 7 giờ 30 phút hàng ngày, một hồi còi hú kéo dài báo hiệu giờ vào ca của công nhân vẫn đều đặn vang lên, nhắc nhở bao thế hệ nơi đây về dấu tích một thời bi hùng của ngành điện lực trên quê hương Xô Viết.

Với người dân 2 phường Trung Đô và Bến Thủy (TP Vinh), từ hàng chục năm nay, cứ đúng vào lúc 7 giờ và 7 giờ 30 phút hàng ngày, họ đều được nghe một hồi còi hú dài phát ra từ cột khói của Nhà máy điện Vinh. Âm thanh ấy đã trở nên rất đỗi quen thuộc, gắn bó với người dân nơi đây.

Còn đối với những ai từng ngược xuôi ra Bắc, vào Nam, có dịp đi qua cầu Bến Thủy để vào TP Vinh, từ bên kia cầu nhìn sang đều thấy một cột khói cao sừng sững nằm ngay dưới chân núi Dũng Quyết. Đó chính là chứng tích còn sót lại của Nhà máy điện Vinh.

Cột khói Nhà máy điện Vinh nhìn từ tượng đài Công nhân Xô Viết Trường Thi - Bến Thủy
Cột khói Nhà máy điện Vinh nhìn từ tượng đài Công nhân Xô Viết Trường Thi - Bến Thủy

Dù đã không còn hoạt động từ hơn 30 năm nay nhưng vượt qua thăng trầm của thời gian, cột khói vẫn hiên ngang giữa đất trời. Từ năm 2007, chứng tích ấy là phần còn lại của Nhà máy điện Vinh, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia - nơi ghi dấu sự “chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, chiến thắng vẻ vang”, đúng như tinh thần của lá cờ thêu 12 chữ vàng mà Liên hiệp Công đoàn Nghệ An trao tặng.

Bà Trần Thị Trâm (SN 1947), nguyên cán bộ ngành điện đã nghỉ hưu, hiện sinh sống tại khối 1, phường Bến Thủy cho biết: Hồi còi hú mỗi sáng đã trở thành một phần của cuộc sống với bản thân bà nói riêng và người dân nơi đây nói chung. Dù rằng trước đây, âm thanh ấy là nỗi ám ảnh đối với tất cả cán bộ nhân viên, nhưng giữa thời bình, khi được nghe tiếng vọng của ngày xưa cũ, cảm giác rất khác lạ xen lẫn tự hào.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Điện lực Vinh cho biết thêm: Nhà máy điện Vinh được khởi công xây dựng vào ngày 1/6/1956 trên chính mảnh đất Nhà máy điện SIFA anh hùng năm xưa với cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Nhà máy được xây dựng bằng công sức, xương máu của hàng vạn cán bộ, nhân viên ngành điện, trong đó có sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Liên Xô (cũ).

Vinh dự hơn, vào ngày 15/6/1957, khi công trình đang xây dựng dở dang, Nhà máy đã được đón Bác Hồ về thăm. Người đã căn dặn rằng: “Các cô, các chú được giao quản lý tài sản quý báu này. Các cô, các chú hãy cố gắng lên, đừng để cảnh nghèo nàn, lạc hậu trở lại trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh chúng ta”.

Thấm nhuần lời dặn ấy, tròn một năm sau đó, Nhà máy đã khánh thành và đưa vào vận hành, khai thác. Với công suất 8.000 kW, Nhà máy nhiệt điện cung cấp điện phục vụ quá trình phát triển công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và đời sống nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây cũng là nơi đào tạo nhiều cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật nòng cốt cho ngành điện và các ngành khác.

Sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà máy điện Vinh là một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt nhất của kẻ thù, với trên 300 trận đánh. Nơi đây phải hứng chịu 2.319 quả bom các loại, 149 quả tên lửa, 64 quả đại bác, khiến Nhà máy phải khôi phục lại tới 26 lần. Đối với Nhà máy điện Vinh, ngày 4/6/1965 là một ngày không thể nào quên.

Thời điểm đó, máy bay địch ập tới, ném bom xối xả xuống Nhà máy, khiến 8 cán bộ, công nhân hy sinh ngay tại nơi làm việc. Trong đó, có nhiều đồng chí ngay cả khi ngã xuống vẫn thể hiện tinh thần, ý chí hiên ngang, bất khuất, vì quê hương, đất nước khi hy sinh nhưng trong tay vẫn còn các dụng cụ, đồ nghề.

Đó là đồng chí Trần Văn Qua, Quản đốc Phân xưởng Điện, hy sinh khi tay còn nắm chặt tuốc nơ vít; đồng chí Đỗ Ngọc Đỉnh hy sinh bên cạnh chiếc đồng hồ vạn năng mà anh đang sử dụng; đồng chí Lê Thị Hòe ngã xuống bên cạnh bảng điều khiển lò khi đang kiểm tra đồng hồ tự ghi áp lực; đồng chí Trần Văn Tý, Kíp trưởng Kíp vận hành lò, hy sinh trong lúc đi kiểm tra, chuẩn bị đưa lò vào vận hành…

Năm 1967, tại Đại hội Liên hoan Anh hùng và Chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước, Nhà máy điện Vinh đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng. Nhà máy cũng đã có 2 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lao động và được tặng thưởng 30 Huân, Huy chương các loại.

Tháng 10/1985, Nhà máy điện Vinh ngừng hoạt động. Sau gần 28 năm vận hành phát điện, Nhà máy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Dù Nhà máy không còn hoạt động song nhiều lớp thế hệ đều ý thức rõ giá trị lịch sử của nó nên đã quyết tâm bảo vệ và gìn giữ địa điểm này.

Bên cạnh việc giữ nguyên một phần mặt bằng Nhà máy trước đây, Điện lực Nghệ An còn tiến hành bảo tồn và tôn tạo một số hạng mục trên nền đất cũ của Nhà máy như ống khói, trung tâm điều hành sản xuất lò máy Liên Xô (cũ), hệ thống hang, hầm trong lòng núi Dũng Quyết (hang D6) và rất nhiều hiện vật được lưu giữ tại phòng Truyền thống.

Cứ vào ngày 4/6 hàng năm, Điện lực Nghệ An đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì dòng điện không bao giờ tắt trên quê hương Xô Viết.

Nói về ý nghĩa của tiếng còi hú được phát đều đặn mỗi ngày, ông Trần Tiến Dũng cho biết, ngoài việc muốn lưu giữ và nhắc nhở các thế hệ sau về một thời bi hùng của ngành điện trên quê hương Xô Viết, tiếng còi vào ca được duy trì đều đặn vào các ngày làm việc trong tuần là để nhắc nhở tập thể cán bộ, công nhân viên ngành điện đang sinh sống quanh Nhà máy điện Vinh về thời gian làm việc và có ý thức phát huy truyền thống lao động của ông cha. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, các giá trị lịch sử vẻ vang ấy vẫn còn nguyên giá trị.

.

Thiện Thành

.