Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201609/suc-manh-mem-698728/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201609/suc-manh-mem-698728/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sức mạnh mềm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 13/09/2016, 15:26 [GMT+7]

Sức mạnh mềm

Nếu như “sức mạnh cứng” của một quốc gia được nhận diện bởi thế mạnh về tiềm lực kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và sức mạnh quốc phòng, an ninh (vũ khí, khí tài hiện đại, đội quân cơ động mạnh, tính chiến đấu và kỷ luật cao) thì “sức mạnh mềm” thể hiện ở bản sắc văn hoá dân tộc, sách lược ngoại giao...

Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, sức mạnh mềm càng được chú trọng. Phát biểu tại Hội nghị ngoại giao 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong “sức mạnh mềm”. Đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới”.

ranh cổ động bảo vệ chủ quyền biển đảo, một hình thức tuyên truyền để người dân và thế giới hiểu hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tranh cổ động bảo vệ chủ quyền biển đảo, một hình thức tuyên truyền để người dân và thế giới hiểu hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Quyền lực mềm (hay sức mạnh mềm) là một khái niệm do Giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Nye, Jr., Đại học Harvard đưa ra lần đầu tiên trong một quyển sách phát hành năm 1990. Tới nay, cùng với “thế giới phẳng” thì thuật ngữ “sức mạnh mềm” được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Theo định nghĩa của Giáo sư Joseph Nye, một đặc điểm của quyền lực mềm là không cưỡng bức, ép buộc. Ngược lại với quyền lực mềm là quyền lực cứng, dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế, quyền lực được thực hiện chủ yếu bằng cách đe dọa về quân sự và lôi cuốn, mua chuộc về kinh tế, vật chất.

Còn sức mạnh mềm thì đạt được những gì mình muốn bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn. Đối với một quốc gia, quyền lực mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Ba nguồn cơ sở chính để tạo nên quyền lực mềm gồm: chính sách, giá trị và đối ngoại.
Với hoạt động đối ngoại được xem là một trong các trụ cột tạo nên sức mạnh mềm quốc gia. Một quốc gia có thể không rộng lớn, không đông dân cư, không nặng về tài chính, quốc phòng song vẫn được thế giới nể trọng, giữ được hoà hiếu, thái bình nếu có đường lối ngoại giao mềm dẻo, thu phục được lòng người.  

Hiện nay, khái niệm này đã được nhiều nước sử dụng trong chính sách đối ngoại của mình, từ đại lục, siêu cường đến những nước nhỏ bé. Là siêu cường số 1 thế giới, Mỹ rất quan tâm đến sức mạnh mềm. Phần lớn các đời tổng thống Mỹ đều đề cập việc “phổ biến dân chủ” như cách để người Mỹ gia tăng ảnh hưởng, tăng cường quyền lực mềm của mình.

Hai chủ điểm của “khoa học chính sách” là kinh tế thị trường và thể chế điều hành là những giá trị mà người Mỹ cho rằng chúng có được là do xuất phát từ dân chủ. Tổng thống Obama vừa dùng sức mạnh quân sự làm “cây gậy” để chống khủng bố và răn đe các lực lượng có lợi ích đối lập nhưng bên cạnh đó vẫn coi trọng những chính sách thể hiện sự khôn ngoan và linh hoạt.

Ví dụ như khi Nhà Trắng lên tiếng tôn trọng thế giới Hồi giáo hay tuyên bố tạm ngừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu; xác lập mối quan hệ với Nga theo hướng tích cực - nhất là cùng Nga ký Hiệp ước START mới và tuyên bố trong chiến lược hạt nhân của mình rằng sẽ không tiến công hạt nhân vào bất kỳ nước nào không có vũ khí hạt nhân...

Ngoại giao mềm dẻo đó đã làm cho hình ảnh nước Mỹ được cải thiện, thân thiện hơn. Hay như Pháp dùng uy tín của mình làm trung gian hòa giải và làm trung gian đảm bảo lợi ích giữa Liên minh châu Âu và Nga.

Ở Đông Nam Á, một Singapore dù rất nhỏ bé về diện tích nhưng đã tạo ra sức mạnh mềm cho mình bằng thương hiệu “thành phố tốt nhất trên thế giới để sống và làm việc”. Rõ ràng sức mạnh mềm với đường lối đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo đã và đang ngày càng khẳng định chỗ đứng trong đời sống chính trị, kinh tế quốc tế.

Trong xu thế đối thoại, hợp tác, liên kết toàn cầu hiện nay, việc lạm dụng “quyền lực cứng” sẽ gặp nhiều thách thức, bị cả thế giới lên án, còn sức mạnh mềm thì có lợi đa phía.

Trong lịch sử xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam luôn coi trọng sức mạnh mềm cả trong văn hoá, chính trị và ngoại giao. Trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, với bản chất chính nghĩa, chúng ta đã kêu gọi được sự ủng hộ rộng rãi của phong trào yêu chuộng hoà bình trên thế giới, từ đó tạo sức mạnh ngoại giao quan trọng, tác động đến cuộc chiến. Đó là nhân tố quan trọng, góp phần để Việt Nam đi đến kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình, thống nhất non sông.

Trong điều kiện ngày nay, bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng là cơ hội để gia tăng sức mạnh mềm của mình. Là một đất nước hiếu khách, có nền văn hóa đa dạng, ổn định về chính trị và đường lối đối ngoại rộng mở, đó là những giá trị nền tảng để Việt Nam tạo ra sức hút đối với bên ngoài.

Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, có thể khẳng định chưa bao giờ chúng ta có cục diện quan hệ rộng lớn như hiện nay. Tính đến thời điểm này, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, góp phần thể hiện Việt Nam vững chắc hơn trong cục diện chiến lược ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trở thành một mắt xích quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA giữa Việt Nam với Liên minh hâu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu.

Theo Bộ Ngoại giao, trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm” tại ASEAN, Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEM, hợp tác tiểu vùng Mê Công.

Vị thế của đất nước được nâng lên với việc chúng ta đăng cai thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế của Liên Hiệp Quốc như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC), UNESCO...
Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 đã đúc kết những bài học kinh nghiệm lớn trong  hoạt động đối ngoại, tăng cường sức mạnh mềm. Đáng chú ý là bài học kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo vấn đề, tuỳ từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”.

Chính bản chất nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung của dân tộc đã giúp ngoại giao Việt Nam xoá bỏ hận thù và san lấp khoảng cách giữa nước ta với các nước, kể cả với những nước vốn là cựu thù của đất nước ta.

Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý những vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông, những tính toán lựa chọn đúng thời điểm tiến hành những hoạt động đối ngoại lớn, trong đó có các sự kiện đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao, đã thực sự đưa đến tác động mạnh mẽ có sức thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ.

Trước những vấn đề phức tạp trên Biển Đông, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hoà bình, hợp tác, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, trên tất cả các diễn đàn song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại quốc phòng - an ninh, với đối ngoại nhân dân, nhằm kiểm soát bất đồng, đồng thời tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi tranh chấp.

Trong phát biểu tại Hội nghị ngoại giao 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thành bại của ngoại giao tùy thuộc vào thực lực và vị thế. Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong “sức mạnh mềm”.

Đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới. Đó còn là việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại một cách khôn khéo như một nghệ thuật theo những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: “giữ nước từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” - Tổng Bí thư đúc kết.

.

Nguồn: Báo CAND

.