Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201610/nguoi-miet-mai-chep-su-cho-que-huong-704115/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201610/nguoi-miet-mai-chep-su-cho-que-huong-704115/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người miệt mài chép sử cho quê hương - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 16/10/2016, 08:58 [GMT+7]

Người miệt mài chép sử cho quê hương

(Congannghean.vn)-Bến đò Vạn Rú là nơi từng chứng kiến sự đổi thay của biết bao người con trên mảnh đất Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An). Đến với bến đò, nhắc đến ông Tống Xuân Hùng ai cũng yêu mến, kính trọng. Mọi người vẫn thường gọi ông bằng những cái tên thân thương: Già làng, người chép sử cho quê hương.

Ông Tống Xuân Hùng bên những trang ghi chép về lịch sử quê hương
Ông Tống Xuân Hùng bên những trang ghi chép về lịch sử quê hương

Ông Tống Xuân Hùng hiện đang sống hạnh phúc cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ ở xóm 5, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Nhắc đến lịch sử vùng quê này, ông kể chuyện một cách mạch lạc cứ như được lập trình sẵn.

Tuổi thơ của ông Hùng là những chuỗi ngày lênh đênh trên sông nước nên ông hiểu rõ cuộc sống vạn chài nơi đây. Năm 10 tuổi, Tống Xuân Hùng đã hăng hái tham gia phục vụ cách mạng. Thông thạo chữ Nho, chữ Hán, lại nhanh nhẹn, hoạt bát, ông được cách mạng giao nhiệm vụ làm thông tin liên lạc, phục vụ các chiến sỹ cộng sản.

Chiến tranh xảy ra, đò Vạn Rú chứng kiến nỗi đau thương, mất mát, cũng là nơi ghi lại chiến công hiển hách của những con người nơi đây. Giờ đây, những chuyến đò ngang chở bộ đội qua sông lại hiện về trong tâm trí ông. Ngày ấy, ông Hùng tham gia hoạt động tại cơ sở, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau: Khi thì một cán bộ thống kê của xã, lúc là Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm HTX vận tải Đại Thành, có khi là Trưởng ban Quản lý đò ngang... Thời gian ấy, ông Hùng đã có sở thích ghi chép các sự kiện, tổng hợp các số liệu. Bom rơi, đạn nổ, bận rộn chèo thuyền nhưng thói quen ấy vẫn mãi theo ông.

Vận trong người bút và giấy, tranh thủ lúc rảnh rỗi, ông Hùng lại miệt mài ghi chép. Từ sự kiện Mỹ đánh bom ở đâu, thiệt hại thế nào, những ai bị bắt, bị thương, đến những sự việc nhỏ nhặt như nhà ai bị cháy, bị mất bò, mất lợn..., ông đều ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận.

“Truyền thống lịch sử quê hương không nhắc đến, không ghi chép lại thì theo thời gian sẽ bị lãng quên. Tôi phải ghi lại làm tư liệu cho con cháu biết và hiểu truyền thống, lịch sử của quê hương”, ông chia sẻ.

Những tư liệu quý giá được ông cẩn thận cất vào chum, vại rồi bịt kín, chôn xuống đất. Sau này, ông gói ghém lại trong túi ni lông, đựng trong rương gác trên xà nhà. Theo thời gian, những trang giấy đã úa màu, nhiều dòng chữ, nét mực đã nhòa đi nhưng ông vẫn nâng niu giữ bên mình như báu vật. “Để có giấy để viết, ngoài sổ sách được cấp phát, bao nhiêu giấy loại của ủy ban và giấy gói hương cũng được dùng để ghi chép”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng nhớ lại quãng thời gian năm 1966, đầu năm 1967, khi ông cùng mọi người tham gia kháng chiến chống Mỹ, thành lập Đội Thép, tập hợp những người dũng cảm, gan dạ, chia thành các tiểu đội để đi san lấp đường, đội chèo thuyền đưa bộ đội qua sông, đội rà phá bom, tổ trạm barie..., Mỹ bắn phá dữ dội nhưng không làm các anh em nhụt chí. Ngày ấy, Đội trưởng Tống Xuân Hùng phải thường xuyên khích lệ, động viên tinh thần cho anh em.

Giờ đây, đồng đội ông người còn, người mất nhưng vẫn chưa có ai được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng. Tri ân những người đã cùng ông “vào sinh ra tử”, ngày đêm ông lần lại lịch sử để làm chính sách cho những người đồng đội, giúp những người thân tìm lại mộ liệt sỹ. Điều làm ông trăn trở đó là mình và những người còn sống vẫn chưa làm được gì cho những người đã khuất, chưa nói đến vinh danh mà chỉ mong muốn xây một miếu thờ ngay tại bến đò Vạn Rú để nhang khói cho những người đã hy sinh.

Giờ đây, dù tuổi đã cao nhưng ngày đêm ông vẫn miệt mài bên những trang sách, văn bản chữ Hán cổ. Những công trình văn hóa, lịch sử như đình Hoành Sơn, miếu Thống Chinh, đình Trung Cần... được ông dày công sưu tầm, tìm lại nguồn gốc lịch sử, đến nay đã có những công trình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, quốc gia.

.

Phan Tuyết

.