Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201612/cu-tri-ung-ho-quyet-dinh-tam-dung-vnen-714788/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201612/cu-tri-ung-ho-quyet-dinh-tam-dung-vnen-714788/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cử tri ủng hộ quyết định tạm dừng VNEN - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 20/12/2016, 09:09 [GMT+7]

Cử tri ủng hộ quyết định tạm dừng VNEN

(Congannghean.vn)-Với những bất cập trong quá trình triển khai mô hình trường học mới VNEN được các đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đã kết luận tạm dừng nhân rộng VNEN. Kết luận này nhận được sự ủng hộ và đồng tình của cử tri.

Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi tụ tập phản đối mô hình trường học mới VNEN vào dịp đầu năm học
Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi tụ tập phản đối mô hình trường học mới VNEN vào dịp đầu năm học

Nhiều chất vấn về VNEN

Xung quanh phiên chất vấn của bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT, nhiều cử tri đánh giá những ý kiến chất vấn của đại biểu đã phản ánh được những băn khoăn, lo lắng của cử tri về mô hình trường học mới VNEN. Dự án VNEN được triển khai trong 3 năm học tại Nghệ An, từ năm học 2012 - 2013 đến tháng 5/2016 thì kết thúc. Dự án được thí điểm ở 73 trường học thuộc 20 huyện, thành, thị với 1.047 lớp học, 27.030 học sinh, trong đó học sinh vùng miền núi, dân tộc thiểu số chiếm 70%.

Sau hơn 3 năm học triển khai, mô hình này đã mang lại những hiệu quả tích cực, nhất là việc thay đổi, phát triển kỹ năng của học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã cũng bộc lộ nhiều bất cập. Những nghi ngại, lo lắng của phụ huynh là có cơ sở khi mà nhà trường chưa làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu và tin tưởng VNEN là mô hình học tập tích cực, hiệu quả. Vì vậy, dù có là mô hình dạy học tiên tiến đến mấy thì khi chưa có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện và lộ trình cụ thể mà cho áp dụng một cách máy móc, không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thì việc bất cập là điều tất yếu.

Sau khi Dự án kết thúc, Sở GD&ĐT đã khảo sát lấy ý kiến của các địa phương, kết quả có 70/73 trường đăng ký tiếp tục duy trì; 3 trường chỉ thực hiện một phần và không sử dụng tài liệu của VNEN. 421/470 trường tiểu học đăng ký thực hiện các thành tố của mô hình. Theo giải trình, Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trước khi triển khai mô hình này về cả cơ sở vật chất, sĩ số lớp học, trang thiết bị dạy học và tập huấn đội ngũ giáo viên.

Tại TP Vinh, Dự án VNEN được triển khai tại 2 trường Tiểu học Nguyễn Trãi và Tiểu học Hưng Dũng đã được khảo sát và cân nhắc rất kỹ, vì đây là những trường học vùng ven có sĩ số dưới 40 học sinh đảm bảo điều kiện về sĩ số lớp học. Việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên cũng được thực hiện đầy đủ, trong đó có mời lãnh đạo Bộ và các chuyên gia về tập huấn ở cấp tỉnh. Ngoài ra, kết hợp tập huấn cho đội ngũ cốt cán của huyện.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lục Thị Liên (Quỳ Châu), đối với giáo viên miền núi thì chỉ có 2 giáo viên được đi tập huấn trong khi khả năng tiếp thu của học sinh miền núi còn hạn chế, chưa nói rõ tiếng phổ thông là không khả thi.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan, Phó ban Văn hóa xã hội phản ánh tình trạng học sinh sáng đi học VNEN, chiều lại đi học thêm truyền thống, bà Nguyễn Thị Kim Chi thừa nhận có trường hợp như vậy và xảy ra ở TP Vinh, nguyên nhân là do phụ huynh lo lắng thái quá về việc học của con; đồng thời khẳng định, dù học theo tài liệu truyền thống hay VNEN thì đều đảm bảo một khung chương trình giáo dục và chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ. Sự khác biệt ở đây chỉ là phương pháp dạy học và tài liệu dạy học. Tài liệu của VNEN là sách tích hợp nhưng tùy từng địa phương và nhà trường có thể bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đòi hỏi giáo viên phải tự trau dồi, nâng cao năng lực chuyên môn.

Điểm tổng kết học sinh VNEN cao hơn mức bình quân chung

Trả lời chất vấn câu hỏi của đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) về việc nếu như kết quả thực hiện VNEN là hiệu quả thì tại sao đầu năm học này phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi lại tập trung phản đối và yêu cầu dừng mô hình, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, đó là hiệu ứng tâm lý đám đông và công tác tuyên truyền chưa hiệu quả.

Qua kết quả đánh giá học tập cuối năm 2015 - 2016, cả 2 trường thực hiện VNEN ở TP Vinh đều đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, trong đó Trường TH Nguyễn Trãi xếp thứ 4/7 trường tiên tiến xuất sắc toàn thành phố. Kết quả điểm kiểm tra cho thấy, điểm tổng kết của 2 trường này cao hơn mức bình quân chung của thành phố, Trường TH Nguyễn Trãi đạt 8 điểm, Trường TH Hưng Dũng đạt 8,7 điểm.

Giám đốc Sở cũng khẳng định, tuyệt đối không để học sinh nào thiếu hụt về kiến thức và chuẩn kỹ năng. Trong 2 năm nay, Sở đang từng bước chỉ đạo thực hiện theo lộ trình tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT theo hướng đánh giá năng lực như kỳ thi THPT quốc gia và chậm nhất là trong vòng 2 năm nữa, Nghệ An sẽ tổ chức kỳ thi lớp 10 THPT theo phương pháp này. Phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm việc học và thi là đồng bộ.

Trả lời về hướng giải quyết sắp tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường thí điểm điều chỉnh hợp lý về tổ chức dạy học và đánh giá học sinh trên cơ sở điều kiện của nhà trường và khả năng của đội ngũ giáo viên; phát huy hiệu quả của mô hình, tìm cách khắc phục những khó khăn, hạn chế; bồi dưỡng giáo viên; tham mưu hỗ trợ các điều kiện dạy học, giáo dục đảm bảo học sinh các trường thực hiện mô hình VNEN được học trong môi trường thuận lợi nhất có thể…

Trước những bất cập mà đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, ngành giáo dục tạm dừng nhân rộng mô hình này và chỉ thực hiện trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện. Đối với trường đã thực hiện thí điểm thì phải đánh giá, tổng kết một cách nghiêm túc để phát huy những mặt mạnh, rút ra được thành tố tốt để vận dụng trong quá trình đổi mới giáo dục và hạn chế tối đa những hệ lụy. Quyết định này nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao của cử tri tỉnh nhà.

Vì sao lạm thu chưa được giải quyết dứt điểm

Trả lời chất vấn về tình trạng lạm thu, Giám đốc Sở GS&ĐT hoàn toàn tiếp thu và xin chấn chỉnh kịp thời; đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương cùng vào cuộc quyết liệt. Vì Sở chỉ chịu trách nhiệm quản lý các trường THPT và GDTX, trường hợp vi phạm nằm trong phạm vi thẩm quyền, Sở sẽ mạnh tay xử lý.

Tuy nhiên, trong thực tế các trường vi phạm nhiều nhất lại rơi vào mầm non và tiểu học, việc xử lý lại thuộc Chủ tịch UBND huyện. Trong quá trình kiểm tra, Sở đã gửi văn bản để phối hợp với huyện xử lý. Liên quan đến việc tham mưu thành lập đoàn kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong năm nay của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Chi trả lời, Sở mới chỉ thanh tra được 9 huyện và đã lập biên bản xử lý, số còn lại do số lượng trường quá đông nên Sở không thể đi hết được mà giao lại cho địa phương.

Lý giải về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, những năm gần đây, nguồn lực đầu tư cho giáo dục quá hạn hẹp, không có các chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi đó nhu cầu đổi mới giáo dục ngày càng nhiều. Nhà trường chỉ có 3 khoản thu theo quy định là học phí, phí xe đạp và thu hộ tiền bảo hiểm, còn lại là các khoản thu dựa trên nguyên tắc tự nguyện và thỏa thuận. Nhiều trường đã vận dụng sai 2 khoản thu này và đề ra nhiều khoản vô lý.

Tại Nghệ An, hàng năm số tiền thu được từ nguồn xã hội hóa là rất lớn, khoảng gần 250 tỉ đồng, riêng trong năm học 2015 - 2016 đạt 228 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều trường tổ chức thu xã hội hóa mang tính áp đặt, cào bằng dẫn đến tình trạng lạm thu. Từ đầu năm học này, nhiều trường học sai phạm như Trường Mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên), Mầm non Giang Sơn Tây (Đô Lương).

Kết luận tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT xem xét lại hướng dẫn về vấn đề thu chi đã đầy đủ, chặt chẽ hay chưa. Vận động xã hội hóa đảm bảo nguyên tắc: Tự nguyện, không áp đặt, đúng mục đích, dân chủ, công khai, minh bạch và phải có sự thống nhất giữa nhà trường và hội cha mẹ học sinh; đồng thời nhà trường phải có kế hoạch dự trù kinh phí cụ thể, việc phê duyệt các phòng GD&ĐT cũng phải làm nghiêm túc, khẩn trương. Chủ tịch HĐND yêu cầu UBND tỉnh cùng ngành giáo dục phải tiếp tục chỉ đạo để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để không tái diễn tình trạng lạm thu.

.

Huyền Thương

.