Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201701/tin-hieu-vui-tu-nhung-doi-moi-trong-giao-duc-717045/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201701/tin-hieu-vui-tu-nhung-doi-moi-trong-giao-duc-717045/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tín hiệu vui từ những đổi mới trong giáo dục - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/01/2017, 10:05 [GMT+7]

Tín hiệu vui từ những đổi mới trong giáo dục

(Congannghean.vn)-Năm 2016, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện những nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). So với năm 2015, những thay đổi, điều chỉnh này được đánh giá là hợp lý, nhận được sự đồng tình của dư luận, trong đó phải kể đến thay đổi trong đăng ký xét tuyển đại học, sửa đổi Thông tư 30…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Vinh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Vinh

Khắc phục những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia

Náo loạn, căng thẳng, mệt mỏi là những gì chúng ta thấy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Lần đầu tiên áp dụng kỳ thi 2 trong 1 vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học nên việc tồn tại những bất cập là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, những bất cập này khiến cả thí sinh lẫn phụ huynh chạy nháo nhào như vỡ trận. Đua nhau nộp - rút hồ sơ, thấp thỏm theo dõi điểm thi khiến tất cả đều mệt mỏi cho đến tận ngày xét tuyển cuối cùng. Những bất cập trong khâu xét tuyển khiến nhiều thí sinh có điểm số cao nhưng không thể đậu nguyện vọng 1 mà phải ngậm ngùi đăng ký nguyện vọng 2, thậm chí là năm sau thi lại.

Để khắc phục những bất cập này, kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi, điều chỉnh theo hướng tích cực, thuận lợi hơn. Theo đó, thời gian xét tuyển đã được rút ngắn, từ 25 ngày xuống chỉ còn 12 ngày cho xét tuyển đợt 1. Các đợt bổ sung sau đó chỉ kéo dài trong vòng 10 ngày. Thí sinh được nộp hồ sơ tối đa vào 2 trường (mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng). Thay đổi lớn nhất đó là thí sinh sau khi đã nộp hồ sơ không được rút ra để nộp vào trường khác. Các trường cũng không được công khai điểm số trong quá trình thu nhận hồ sơ. Thay vì chỉ nộp hồ sơ bằng 2 cách như năm trước, thí sinh nộp hồ sơ bằng 3 hình thức: Gửi trực tiếp tại trường, chuyển phát nhanh qua đường bưu điện và đăng ký trực tuyến. Có một điểm tồn tại trong kỳ thi này đó là lượng thí sinh ảo vẫn ở mức cao.

Để khắc phục tình trạng này, chủ trương của Bộ  GD&ĐT cho kỳ thi 2017 đó là giao chỉ tiêu cho các trường đại học dựa trên kết quả kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường, tránh tình trạng “vênh” giữa điều kiện đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu. Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường dự báo nhu cầu thị trường lao động để giúp các trường xác định chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế.

Năm 2017, Bộ tiếp tục hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia với những điểm mới. Theo đó, điểm thay đổi lớn nhất là môn Toán được thi theo hình thức trắc nghiệm. Trong số 5 môn thi, duy nhất môn Văn thi theo hình thức tự luận.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường Đại học Vinh
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường Đại học Vinh

Sửa đổi Thông tư 30 theo hướng nhân văn

Một trong những thay đổi nhận được sự đồng tình, phản hồi tích cực của dư luận đó là sự ra đời của Thông tư 22 thay thế Thông tư 30  về việc nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học. Nếu như Thông tư 30 tạo ra nhiều áp lực, gánh nặng cho giáo viên trong việc ghi sổ sách, đánh giá, nhận xét học sinh và phụ huynh không nắm được kết quả học tập, khả năng tiếp thu của con ở mức độ nào thì Thông tư 22 đã khắc phục được những bất cập này.

Thông tư 22 đã điều chỉnh việc đánh giá học sinh theo 3 mức: Hoàn thành, hoàn thành tốt và chưa hoàn thành thay vì chỉ có 2 mức hoàn thành và chưa hoàn thành như trước đây.

Về đánh giá định kỳ phẩm chất, năng lực của học sinh cũng được thay thế từ 2 mức là đạt và chưa đạt sang 3 mức: Tốt, đạt và cần cố gắng. Việc thay đổi mang tính định tính, lượng hóa của cả 2 điều này giúp phụ huynh nhìn nhận đúng hơn về học lực của con ở mức độ nào cũng như quá trình rèn luyện của con ra sao, còn điểm nào chưa được để kịp thời hỗ trợ, động viên, phối hợp với giáo viên, nhà trường kịp thời điều chỉnh để con tiến bộ hơn. Về phía học sinh, khi nhìn vào nhận xét cũng hình dung được mình học ở mức nào, tạo động lực cố gắng, phấn đấu trong học tập và rèn luyện.

Thông tư 22 còn giữ nguyên kết quả đánh giá bằng điểm số thông qua các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm. Riêng học sinh lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra giữa kỳ I và II môn Toán, Tiếng Việt để đáp ứng yêu cầu của bậc THCS.

Nếu như trước đây, giáo viên mất nhiều thời gian trong việc ghi sổ sách hàng tháng, nhận xét từng học sinh thì nay hồ sơ đánh giá học sinh chỉ còn học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Giáo viên chỉ nhận xét khi thấy cần thiết, thay vào đó là tăng cường nhận xét bằng lời để chỉ ra những điểm còn thiếu sót ở các em, khuyến khích, động viên học sinh cố gắng hơn. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh thông qua sổ ghi chép cá nhân, theo dõi học sinh.

Vận dụng linh hoạt các điểm tích cực của VNEN

Sau 4 năm Nghệ An triển khai thí điểm mô hình trường học mới VNEN tại 73 trường tiểu học, đến ngày 31/5/2016, dự án kết thúc và nhận được nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh và dư luận. Thực chất quá trình triển khai VNEN đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, giúp học sinh tự chủ trong việc học, mạnh dạn, tự tin cũng như rèn luyện và trau dồi kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, do chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nhiều địa phương nên VNEN bộc lộ nhiều hạn chế, chưa “được lòng” phụ huynh. Vì thế, nhiều địa phương đã chấm dứt thực hiện mô hình này.

Trước thềm năm học mới 2016 - 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các địa phương đang triển khai mô hình VNEN tiếp tục thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Các cơ sở không áp dụng mô hình thì lựa chọn thành tố tích cực để hoàn thiện, bổ sung phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.

Riêng Nghệ An, 90% trường học đăng ký tiếp tục áp dụng VNEN; 80% đăng ký áp dụng các thành tố của mô hình này. Theo đó, năm học 2016 - 2017 ngành Giáo dục Nghệ An chỉ đạo không hoàn toàn áp dụng VNEN một cách rập khuôn, máy móc mà vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những điểm mới, điểm tích cực đảm bảo theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, phát triển về chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An năm 2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao kết quả mà ngành Giáo dục tỉnh nhà đạt được.

Nghệ An đã trở thành một điểm sáng về giáo dục ở khu vực Bắc miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, với tốc độ xây dựng trường chuẩn quốc gia cao nhất khu vực miền Trung (55,5%), là 1 trong 10 tỉnh có tỉ lệ cao nhất nước. Các bậc giáo dục mầm non, tiểu học, giáo dục phổ thông đều có bước phát triển đồng đều, vững chắc.

Đặc biệt, hàng năm Nghệ An đóng góp vào thành tích chung của ngành giáo dục cả nước khi có nhiều học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế (trong 5 năm qua, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có 9 học sinh đoạt Huy chương Vàng quốc tế). Tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh đỗ ĐH, CĐ ở Nghệ An luôn ở top đầu cả nước.

 

.

Huyền Thương

.