Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/hoc-sinh-lop-9-va-san-pham-bao-ton-di-san-cua-thanh-pho-722682/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/hoc-sinh-lop-9-va-san-pham-bao-ton-di-san-cua-thanh-pho-722682/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Học sinh lớp 9 và sản phẩm bảo tồn di sản của thành phố - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 12/02/2017, 09:13 [GMT+7]

Học sinh lớp 9 và sản phẩm bảo tồn di sản của thành phố

(Congannghean.vn)-Học giỏi, am hiểu về kiến thức Lịch sử và trên tất cả đó là tình yêu, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc đã thôi thúc Đào Khánh Tùng, học sinh lớp 9G, Trường THCS Hà Huy Tập tìm tòi, nghiên cứu kho tàng lịch sử, di sản văn hóa của thành phố nơi mình sinh ra.

Cô giáo Thúy Hà cùng Đào Khánh Tùng chỉnh sửa dự án để đưa vào các giờ học Lịch sử
Cô giáo Thúy Hà cùng Đào Khánh Tùng chỉnh sửa dự án để đưa vào các giờ học Lịch sử

Sau mỗi giờ học, em Đào Khánh Tùng thường một mình loanh quanh trên các con phố tìm đến các di tích lịch sử - những nơi còn lưu dấu chiến tích lịch sử để ghi chép, tìm hiểu. Sau mỗi chuyến đi như vậy, em đã tích lũy thêm được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế để đưa vào dự án của mình. Dự án “Giới thiệu và bảo tồn, phát huy giá trị di sản của thành phố Vinh” được Đào Khánh Tùng làm trong gần 3 tháng dưới sự giúp đỡ của cô Bành Thị Thúy Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường và cũng là giáo viên bộ môn Lịch sử của em.

Công trình nghiên cứu này đã đạt giải Nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS cấp thành phố và đạt giải khuyến khích trong kỳ thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học (khối THCS không có giải Nhất). Mặc dù không đạt kết quả cao nhưng công trình của em đã thực sự gây được sự chú ý của Ban giám khảo và đông đảo thầy cô bởi ý nghĩa mà nó mang lại.

Khi xem đoạn phim về dự án của Đào Khánh Tùng chắc hẳn ai cũng xúc động bởi giọng thuyết minh trầm ấm, truyền cảm của chính tác giả. Hình ảnh thành phố Vinh hiện ra từ thuở sơ khai, trải qua các thời kỳ, qua nhiều lần thay tên gọi được giới thiệu và khái quát một cách khoa học và logic. Sau phần giới thiệu chung về thành phố và các món ăn đặc sản, địa điểm nghỉ dưỡng là phần hệ thống di sản văn hóa tiêu biểu (di sản vật thể và phi vật thể). Cuối cùng tác giả đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của những hệ thống di sản này.

Điều nổi bật trong dự án đó là các hệ thống di sản, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của thành phố được giới thiệu và khái quát ngắn gọn nhưng rất đầy đủ. Mỗi địa danh gắn với những mốc lịch sử quan trọng, nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử… Đó là hệ thống các đền, chùa, cụm di tích làng Đỏ (phường Hưng Dũng) với di tích Đình Trung, dăm Mụ Nuôi - nơi thành lập chi bộ đầu tiên của thành phố; cụm di tích Bến Thủy với Cồn Mô, nhà máy…; bia dẫn tích Cửa Nam nơi Bác Hồ đã nói chuyện với nhân dân khi trở về thăm quê năm 1953…

Đam mê các môn xã hội như Địa lý, Lịch sử, đặc biệt năm học này, Đào Khánh Tùng là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Những bài học Lịch sử luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với em. Tùng chia sẻ, dù bất cứ ai, làm gì đi chăng nữa thì cũng đều phải biết và trân trọng những bài học lịch sử dân tộc để lại. Để làm ra sản phẩm này, ngoài việc tìm tòi, thu thập tài liệu, hình ảnh, Tùng mất nhiều thời gian thu âm lời bình cho đoạn phim, lựa chọn âm nhạc, làm powerpoint, chỉnh sửa, hoàn thiện…

Trong dự án này, Tùng cũng đề ra các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản như gắn học Lịch sử qua những giờ học thực tế, đi tham quan danh thắng, bảo tàng lịch sử; đưa di sản (dân ca ví, giặm) vào trường học; triển lãm hình ảnh, tư liệu lịch sử… Hiện nay, dự án này đã được nhà trường sử dụng để đưa vào các giờ học ngoại khóa, lồng ghép giới thiệu vào các môn học Lịch sử.

Cô Bành Thị Thúy Hà chia sẻ: Môn Lịch sử được xem là môn học khô khan, khó nhớ bởi khối lượng kiến thức phải ghi nhớ quá nhiều dẫn đến việc học sinh lơ là, khiến các em không hiểu biết về Lịch sử dân tộc. Điều này thật sự rất đáng lo ngại nếu như chúng ta không đổi mới phương pháp dạy học để khuyến khích sự ham học, yêu thích và sáng tạo của học sinh. Những năm trở lại đây, nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử như thường xuyên tổ chức tham quan, học tập thực tế tại các Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4, các di tích lịch sử trong thành phố và các huyện, tỉnh lân cận như Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; ứng dụng CNTT, sử dụng máy chiếu trong các giờ học...

.

Huyền Thương

.