Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/trao-truyen-cau-hat-dan-ca-721594/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201702/trao-truyen-cau-hat-dan-ca-721594/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trao truyền câu hát dân ca - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 05/02/2017, 09:27 [GMT+7]

Trao truyền câu hát dân ca

(Congannghean.vn)-Ươm mầm ví, giặm cho các tài năng nhí, chúng ta kỳ vọng các em sẽ tiếp nối những bậc tiền bối trong việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm; để theo thời gian, câu hò, điệu ví sẽ mãi trường tồn, ngân vang…

Em Hà Thị Quỳnh Như biểu diễn tiết mục “Cõi bờ trong tiếng mẹ ru” tại Liên hoan  dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016
Em Hà Thị Quỳnh Như biểu diễn tiết mục “Cõi bờ trong tiếng mẹ ru” tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016

Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây vừa là niềm vinh dự lớn lao, đồng thời đặt ra cho các ban, ngành chức năng trách nhiệm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Có thể nói, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, từ trong lao động sản xuất, câu hát dân ca vẫn được người dân xứ Nghệ cất lên mộc mạc, bình dị và ấm áp nghĩa tình. Cứ như thế, dân ca đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trường tồn với thời gian. Ngày nay, khi mà một bộ phận giới trẻ đang “quay lưng”, thờ ơ với âm nhạc truyền thống thì vẫn còn rất nhiều em nhỏ - với niềm đam mê dân ca ví, giặm cháy bỏng đang âm thầm “thắp lửa” cho loại hình nghệ thuật truyền thống. Chính những “chồi xanh” này là lớp kế cận để người đi trước trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Phát biểu tại lễ bế mạc Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2016, NSND Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nghệ An khẳng định: Điều đáng ghi nhận tại Liên hoan lần này là sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ tài năng với giọng hát dân ca ngọt ngào, thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu ví, giặm nguyên gốc, lời cổ. Với cách thức trao truyền, chuyển giao đó, chúng ta có quyền đặt niềm tin vào thế hệ trẻ trong việc tiếp nối, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý báu mà cha ông để lại.

Từ thuở còn nằm nôi, người mẹ đã thổi vào hồn những đứa con hình ảnh cánh cò trắng muốt chao liệng trên cánh đồng; hình ảnh cây đa, bến nước, con đò; tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng qua lời ru, điệu hò, câu ví… Mới 14 tuổi nhưng em Phạm Thị Phương đến từ huyện Đô Lương được xem như một nghệ sỹ nhí hát dân ca nổi tiếng.

Với giọng hát cao vút, ngọt ngào, Phương đã để lại nhiều dấu ấn tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016. Trình diễn giặm ru lời cổ “Phụ tử tình thâm”, với khả năng diễn xuất cũng như truyền tải được tình cảm vào tiết mục của mình, Phương được Ban tổ chức đánh giá cao và giành giải diễn viên ít tuổi có thành tích trình diễn xuất sắc nhất.

Phạm Thị Phương chia sẻ: “Em yêu dân ca từ khi còn rất nhỏ qua những lời ru, lời hát của mẹ. Đến tuổi đi học, được thầy cô hướng dẫn dạy bảo, tình yêu với dân ca ví, giặm càng lớn dần lên trong em. Không chỉ học từ mẹ, thầy cô, em còn học hát qua mạng internet. Thời gian rảnh rỗi, em thường dùng điện thoại di dộng mở những bài dân ca do các nghệ sỹ nổi tiếng như NSND Hồng Lựu, NSND Tiến Dũng thể hiện để học lấy hơi, nhả chữ, ngắt nhịp, luyến láy…”.

Giống như Phạm Thị Phương, Hà Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 7 đã làm lay động khán giả khi nghe em trình bày điệu hát chèo “Cõi bờ trong tiếng mẹ ru”. Quỳnh Như sinh ra tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành - cái nôi của những làn điệu dân ca. Tuổi thơ thấm đẫm trong lời ru là những khúc hát dân ca ngọt ngào của mẹ. Năm 3 tuổi, Quỳnh Như đã hát và thuộc lòng nhiều làn điệu dân ca.

Chị Trần Thị Hương, mẹ của em chia sẻ: Khi thấy mẹ mở đĩa hát là Quỳnh Như chăm chú nghe rồi hát theo. Những khúc hát dân ca ví, giặm cứ thế ngấm vào em và trở nên quen thuộc, thân thương. Với giọng hát ngọt ngào, sâu lắng cùng cách thể hiện rất có duyên, tại các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm từ cấp cụm đến tỉnh, Quỳnh Như được đánh giá là một tài năng nhí đầy triển vọng. Chia sẻ về ước mơ của mình, Quỳnh Như cho biết: “Em mong muốn sau này sẽ trở thành một ca sĩ hát dân ca để mang điệu ví, giặm quê mình đến với bạn bè khắp mọi miền đất nước”.

Có thể nói, trường học chính là môi trường để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tiếp thêm sức sống. Hiện nay, phong trào hát dân ca trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh phát triển rầm rộ từ bậc mầm non, tiểu học đến các trường đại học, cao đẳng. Nhiều hạt nhân văn nghệ được phát hiện cũng nhờ phong trào hát dân ca trong nhà trường. Em Nguyễn Quốc Bảo đến từ huyện Nam Đàn từng đạt giải “Nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất” tại Liên hoan Câu lạc bộ Dân ca xứ Nghệ lần thứ nhất năm 2012 cho biết: “Mẹ em là giáo viên dạy dân ca ở Trường THCS Làng Sen, xã Kim Liên. Chính mẹ đã truyền cho em niềm đam mê, tình yêu dân ca mãnh liệt”.

NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Chỉ khi “sống” được trong cộng đồng, dân ca ví, giặm mới được bảo tồn và phát triển bền vững”. Để ươm mầm ví, giặm cho các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ, qua đó góp phần trao truyền, xây dựng và mở rộng phong trào ca hát dân ca, NSND Hồng Lựu đã thành lập Câu lạc bộ “Chồi xanh”. Cứ vào dịp nghỉ hè, trong ngôi nhà của chị lại tràn ngập tiếng cười của các em đến từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Lớp học hoàn toàn miễn phí với khoảng 25 - 30 em trong độ tuổi từ  4 - 14. Khi đến với “mẹ” Lựu, các em không chỉ được học hát dân ca mà còn được “mẹ” dạy nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

Phần biểu diễn lời cổ “Phụ tử tình thâm” của NSND Hồng Lựu cùng với các em thiếu nhi CLB “Chồi xanh”
Phần biểu diễn lời cổ “Phụ tử tình thâm” của NSND Hồng Lựu cùng với các em thiếu nhi CLB “Chồi xanh”

“Các em đến đây đều có năng khiếu hát dân ca. Đặc biệt, nhiều em ở những vùng như Tân Kỳ, Đô Lương, Yên Thành… có chất giọng dân ca rất hay. Ngoài dạy kỹ thuật hát dân ca thì việc truyền cảm xúc, tình cảm vào tiết mục mà mình biểu diễn đến với khán giả rất quan trọng. Chính các em đã thổi hồn để dân ca ví, giặm neo đậu trong trái tim mỗi người dân xứ Nghệ nói riêng và người dân cả nước nói chung…”, NSND Hồng Lựu chia sẻ.

Ngoài Phạm Thị Phương, Hà Thị Quỳnh Như, tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 còn có nhiều hạt nhân mới của CLB “Chồi xanh” như: Mai Uyên, Công Phước, Trà My đến từ TP Vinh; Linh Chi đến từ huyện Nam Đàn… Đây được đánh giá là những nhân tố sẽ tỏa sáng trong thời gian tới. Cũng theo NSND Hồng Lựu, năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã giao cho Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tuyển chọn 12 - 15 em học hết THCS để đào tạo bộ môn sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Bằng niềm đam mê dân ca ví, giặm cháy bỏng, những hạt nhân đầy triển vọng đang được ươm mầm để tiếp tục gìn giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Với những gì các em đã thể hiện trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ neo đậu trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt mà còn chắp cánh bay xa, đến với bạn bè năm châu bốn biển...

.

Phan Tuyết

.