Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201708/nha-giao-dau-dau-voi-gia-tri-van-hoa-que-huong-753996/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201708/nha-giao-dau-dau-voi-gia-tri-van-hoa-que-huong-753996/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhà giáo đau đáu với giá trị văn hóa quê hương - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 24/08/2017, 08:58 [GMT+7]

Nhà giáo đau đáu với giá trị văn hóa quê hương

(Congannghean.vn)-Là nhà giáo ưu tú, từng là một trong những báo cáo viên cao cấp thường được Tỉnh ủy Nghệ An mời lên lớp phổ biến về chính trị Mác - Lênin, đến nay nhà giáo Trần Vân Nam vẫn say mê nghiên cứu, tìm tòi các giá trị văn hóa của quê hương.

Nhà giáo Trần Vân Nam - người có niềm đam mê nghiên cứu các giá trị văn hóa tại địa phương
Nhà giáo Trần Vân Nam - người có niềm đam mê nghiên cứu các giá trị văn hóa tại địa phương

Trở về quê hương sau nhiều năm công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà giáo Trần Vân Nam (SN 1941) trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc được bố trí giảng dạy, làm công tác quản lý tại Khoa Triết học, Trường Đại học Vinh. Là một người xa quê lâu năm nên khi trở về công tác, cùng với việc giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu, ông đã tham gia nhiều hoạt động thiết thực, hữu ích vì quê hương. Với mong muốn bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, trên cơ sở đề đạt nguyện vọng với cấp ủy, chính quyền địa phương và mời một số học giả, nhà khoa học tham gia, ông đã bắt tay vào nghiên cứu, thu thập thông tin để viết về lịch sử các xã, các dòng họ văn hóa trên địa bàn huyện Nghi Lộc.

Mặc dù công tác chuyên môn tại Trường Đại học Vinh khá bận rộn nhưng để có những tư liệu quý, bằng niềm đam mê của bản thân, ông đã không quản ngại khó khăn, đến tận cơ sở ghi chép, gặp những nhân chứng sống để tái hiện lịch sử, các sự kiện có tính điển hình. Từ đó, ông đối chiếu với lịch sử của dân tộc, địa phương trước khi chính thức sử dụng làm tư liệu lịch sử. Với sự cần mẫn, tỉ mỉ và cố gắng, ông đã phát hiện nhiều tư liệu quý, trong đó có những điều mà đến nay sử sách vẫn chưa nhắc đến. Đáng kể nhất là cuốn sách Lịch sử xã Phúc Thọ dày 219 trang, khái quát gần như đầy đủ quá trình hình thành, những đóng góp của người dân Phúc Thọ qua các thời kỳ với các sự kiện, nhân vật cụ thể. Cuốn sách này hiện được Đảng ủy, UBND xã Phúc Thọ sử dụng làm tư liệu chính thống để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.

Với mong muốn tái hiện, làm rõ lịch sử các dòng họ văn hóa có công với dân tộc qua các thời kỳ để vinh danh, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, thông qua những nguồn tư liệu có được trong các lần đi điền dã, nhà giáo Trần Vân Nam đã góp công biên soạn, chỉnh lý và đưa vào sử dụng gia phả của 10 dòng họ. Điển hình như dòng họ Phạm, họ Trần Văn (sinh sống chủ yếu tại huyện Nghi Lộc). Ngoài ra, do có nhiều hiểu biết về lịch sử địa phương nên trong quá trình phục dựng đền Đông Hải tại xã Phúc Thọ, ông là một trong những người có công đầu trong việc tái hiện quá trình xây dựng và lịch sử của ngôi đền.

Sau khi nghỉ hưu, bên cạnh tiếp tục thực hiện niềm đam mê khám phá lịch sử quê hương, chủ động tìm tòi, phát hiện các tư liệu quý để bổ sung vào tư liệu lịch sử của địa phương, nhà giáo Trần Vân Nam còn đứng ra sáng lập Thi đàn “Gió lam chiều Nghệ An” trực thuộc Trung tâm Văn hóa Hội Người cao tuổi Việt Nam, tập hợp những người yêu thơ sinh sống tại TP Vinh, Nghi Lộc, TX Cửa Lò và tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, ông vừa là người sáng tác, đồng thời là Trưởng ban biên tập, biên soạn.

Thi đàn “Gió lam chiều Nghệ An” ngoài đóng vai trò tập hợp và là nơi sinh hoạt của những người yêu thơ trên địa bàn, còn làm tốt vai trò cầu nối với những người yêu thơ trong Nam, ngoài Bắc. Rất nhiều nhà thơ chuyên nghiệp, không chuyên đã gửi thơ về giao lưu và đề nghị được đăng trên Thi đàn. Từ năm 2012 đến nay, Thi đàn đã xuất bản 6 tập thơ, trong đó có nhiều tập thơ được đăng trên Báo Nghệ An, Báo Khánh Hòa, Báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam…

Ngoài ra, nhà giáo Trần Vân Nam còn tham gia sinh hoạt và tích cực đóng góp vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ông là tác giả của 11 hoạt cảnh, ca kịch tham gia các Hội thi Khuyến nông, Hòa giải cơ sở…; trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các hội thi cấp huyện, tỉnh. Cùng với việc chuyển tải thông điệp, mục đích của hội thi, các tác phẩm của ông đã khéo léo chuyển tải giá trị lịch sử văn hóa của quê hương. Đây cũng là một cách thức mà theo ông, sẽ dễ dàng để người dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp nhận, thấm nhuần những giá trị cao đẹp đó.

.

Thu Thủy

.