Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201709/tiep-suc-den-truong-vi-mot-tuong-lai-sang-755520/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201709/tiep-suc-den-truong-vi-mot-tuong-lai-sang-755520/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tiếp sức đến trường, vì một tương lai sáng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 03/09/2017, 11:19 [GMT+7]

Tiếp sức đến trường, vì một tương lai sáng

(Congannghean.vn)-Vượt qua quãng đường hàng trăm cây số, cán bộ, nhân viên và phóng viên Báo Công an Nghệ An đã mang tấm lòng của các nhà tài trợ, những người hảo tâm và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, đến với trẻ em nghèo hiếu học tại bản Cao Vều, thuộc xã biên giới Phúc Sơn, huyện Anh Sơn để tiếp sức các em đến trường.

Báo Công an Nghệ An cùng đại diện Công an huyện Anh Sơn, Phòng Giáo dục huyện và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao quà cho học sinh nghèo tại bản Cao Vều
Báo Công an Nghệ An cùng đại diện Công an huyện Anh Sơn, Phòng Giáo dục huyện và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao quà cho học sinh nghèo tại bản Cao Vều

Nồng ấm chương trình tiếp sức đến trường

Mặc dù chỉ mới là năm thứ 2 thực hiện chương trình, song cũng bắt đầu từ đây, đã trở thành thông lệ, thông qua cầu nối Báo Công an Nghệ An, rất nhiều tấm lòng trong xã hội đã cùng chung tay tiếp sức mỗi đầu năm học, để “Tiếp sức đến trường”, tiếp sức những nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập của trẻ em nghèo ở các vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh.

Với ý nghĩa thiết thực đó, chiều 28/8/2017, bất luận thành Vinh âm u hơn bao giờ hết, khi thông tin về cơn bão Pakhar (bão số 7) đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, song thời tiết ấy đã không cản nổi những tấm lòng háo hức của tập thể cán bộ, phóng viên Báo Công an Nghệ An và đại diện một số doanh nghiệp tâm tài, các “Mạnh Thường Quân” sẵn sàng tâm thế để mang tấm lòng yêu thương đến với hàng trăm học sinh nghèo đang theo học tại điểm trường Tiểu học và THCS Cao Vều, thuộc xã biên giới Phúc Sơn, huyện Anh Sơn.

170 suất quà bao gồm sách, vở, bút, thước kẻ, quần áo, giày dép và cặp học sinh (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) là cả sự nỗ lực của tập thể trong thời gian rất ngắn, đã được chuyển đến tận nơi và giao tận tay cho học sinh, chính là sự động viên, khích lệ để các em không chỉ được tiếp sức, mà còn là động lực để học trò ở miền biên viễn này cố gắng hơn trong suốt cả một năm học ở phía trước.

Sau một chặng đường dài, đoàn công tác chúng tôi cũng đã đặt chân đến được mảnh đất Anh Sơn. Đồng hành xuyên suốt cùng chương trình còn có đại diện một số cơ quan, doanh nghiệp như Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoa Sen và một số doanh nghiệp đến từ huyện miền núi Quỳ Hợp. Những “Mạnh Thường Quân” này chia sẻ, không chỉ góp một phần của cải, vật chất mà họ muốn được đến trực tiếp, tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của con em đồng bào ở vùng giáp biên; đồng thời muốn trực tiếp đồng hành, chia sẻ khó khăn, vất vả mà Báo Công an Nghệ An đã vượt qua để mang niềm vui đến cho trẻ em nghèo ở vùng biên giới.

Cũng chính bởi vậy, khi đoàn công tác chở theo những tấm lòng thơm thảo đến tại điểm trường Tiểu học và THCS Cao Vều tại bản Cao Vều, nhìn thấy hàng trăm em học sinh và phụ huynh đang háo hức chờ đợi, những nhà hảo tâm lần đầu đến đây, không ít người đã cay cay khóe mắt. Bởi cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, chỉ mắt thấy, tai nghe mới cảm thông sâu sắc với bà con, cũng như với chương trình mà Báo Công an Nghệ An đã và đang thực hiện.

Lãnh đạo Báo Công an Nghệ An trao những phần quà ý nghĩa cho Trường Tiểu học và THCS Cao Vều
Lãnh đạo Báo Công an Nghệ An trao những phần quà ý nghĩa cho Trường Tiểu học và THCS Cao Vều

Ông Phan Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Cao Vều là bản nằm trên khu vực biên giới Việt - Lào. Nơi đây xung quanh là núi, bốn phía là rừng. Đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do không có đất để sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên tình trạng mù chữ và tái mù chữ ở bản Vều vẫn còn ở mức cao. Cũng chính điều đó khiến sự học của học sinh nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trường Tiểu học và THCS Cao Vều có 170 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái ở các bản Vều 1, Vều 2, Vều 3, Vều 4. Trong đó, nhiều em vẫn chưa đủ điều kiện để đến trường nên nhiều năm nay vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh bỏ học.

Trong khi đó, theo thầy giáo Hoàng Ngọc Yêng, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Vều, dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc thường xuyên nhưng học sinh nơi đây vẫn cần mẫn, chăm chỉ vượt khó vươn lên trong học tập. Hiện, trường có 4 em bị khuyết tật vận động, 3 em trong diện mồ côi, trong đó có 2 anh em ruột là Đinh Văn Dũng và Đinh Văn Hùng, cùng học lớp 7, trú tại bản Vều 3 mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà nội, cuộc sống vô cùng thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Một số em khác cách xa điểm trường đến 4 - 5 km, đi học phải vượt qua nhiều sông suối nhưng chưa từng một bữa bỏ buổi. Đó là hoàn cảnh của em Lương Văn Huỳnh, học sinh lớp 7, ở vùng đồi Gon, thuộc bản Vều 3. Hằng ngày, để đến trường, Huỳnh phải vượt sông Giăng bằng chiếc bè nứa, sau đó đạp xe hơn 3 km nữa. Vất vả là thế, song nhiều năm qua, Huỳnh luôn được đánh giá là một học trò chăm chỉ, nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất.

Cầu nối của những tấm lòng

Trực tiếp có mặt tại lễ trao quà cho các em học sinh, Thiếu tá Hồ Viết Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Công an Nghệ An xúc động cho biết: Kế tiếp sự thành công của đợt tiếp sức học sinh đến trường lần thứ nhất cho học sinh nghèo Đan Lai năm 2016, tại vùng lõm Vườn Quốc gia Pù Mát, năm nay, Báo Công an Nghệ An tiếp tục là cầu nối để đưa doanh nghiệp, những nhà hảo tâm đến gần hơn với trẻ em nghèo hiếu học miền Tây Nghệ An. Mục đích và ý nghĩa hướng đến, không chỉ là những món quà nhỏ về vật chất mà lớn hơn là sự sẻ chia hơi ấm tình người nhằm cổ vũ các em cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành những người có đức, có tài, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Có lẽ đó cũng là kim chỉ nam, là ý nghĩa sâu xa và thiết thực nhất mà những người khởi xướng và thực hiện chương trình này hướng đến.

Những món quà được trao tận tay học sinh
Những món quà được trao tận tay học sinh

Trong lúc chờ đợi con gái nhận quà đầu năm học từ các nhà hảo tâm, tâm sự với chúng tôi, chị Lang Thị Duyên trú tại bản Vều 1 không giấu được những giọt nước mắt tủi phận. Gia đình chị có 3 người con, đứa con trai đầu vì hoàn cảnh khó khăn đã phải nghỉ học, năm nay một đứa lên lớp 3, đứa út vào lớp 1 nhưng 2 vợ chồng chưa biết lấy đâu ra tiền để mua quần áo, sách vở và đồ dùng học tập cho các con. Cách đây mấy hôm, nghe nhà trường thông báo có đoàn từ thiện xã hội của Báo Công an Nghệ An đến tiếp sức đến trường, chị mừng hơn bắt được vàng. Ngay từ sáng sớm, bất chấp cơn mưa rừng ập đến, chị hối 2 đứa con dậy thật sớm, đến trường để nhận quà từ tay các nhà hảo tâm. Niềm vui của chị Duyên như càng nhân đôi khi các con chị khệ nệ ôm gói quà đến bên, chị kiểm tra thấy bên trong là những vật dụng chị đang rất cần mua sắm cho con để bước vào năm học mới nhưng chưa có tiền. “Khai giảng năm nay, lần đầu tiên các con của mình không phải lo quần áo, cặp sách mới nữa rồi”, chị Duyên tự nói một mình mà như reo.

Tâm trạng, hoàn cảnh của mẹ con chị Lang Thị Duyên có lẽ cũng là của hàng trăm phụ huynh, học sinh có mặt sáng hôm đó. Tôi đọc được trong từng ánh mắt, nhìn thấy ở từng gương mặt sự long lanh, rạng rỡ và cả sự hàm ơn khó diễn đạt được bằng lời. Bà con dân tộc Thái nói riêng, người dân sống ở miền biên viễn này nói chung, chân chất và hồn nhiên như cây cỏ, ngôn ngữ nhiều khi bất lực, song tình cảm thì cứ thế tự nhiên phô diễn. Nói như Thượng tá Trần Hữu Văn, Phó trưởng Công an huyện Anh Sơn, là người dẫn đầu tổ công tác của Công an huyện trực tiếp có mặt tại Cao Vều để cùng đoàn công tác của Báo Công an Nghệ An tiếp sức các em đến trường thì, mỗi tình cảm, mỗi tấm lòng đến được với bà con nơi đây đều là những tấm lòng vàng. Bản thân anh đã có nhiều năm gắn bó với bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nên rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn mà họ gặp phải. Cũng vì thế, càng thấy trân trọng và tôn quý những tấm lòng dành cho học sinh nghèo miền núi. Mỗi sự giúp đỡ là một cánh tay nối dài, để giúp học trò vùng cao thoát ly bản làng, hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo.

Với tình cảm nồng hậu ấy, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ mà các nhà hảo tâm đã trao gửi. Chia tay Cao Vều, chia tay mảnh đất Anh Sơn nghĩa tình trong sự bịn rịn, lưu luyến ấm tình quân dân, với cái siết tay rất chặt giữa đại diện lãnh đạo Báo Công an Nghệ An và đại diện các tổ chức đoàn, hội với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các “Mạnh Thường Quân”, rằng nhất định năm sau và những năm sau nữa, sẽ cùng nhau đến với trẻ em nghèo hiếu học miền Tây xứ Nghệ, tiếp sức để các em vững bước chân đến trường.

.

Thiên Thảo

.