Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201710/huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-hoa-tu-bo-ton-tao-di-tich-lich-su-van-hoa-764532/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201710/huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-hoa-tu-bo-ton-tao-di-tich-lich-su-van-hoa-764532/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Huy động nguồn lực xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 31/10/2017, 08:01 [GMT+7]

Huy động nguồn lực xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa

(Congannghean.vn)-Là mảnh đất địa linh nhân kiệt, Nghệ An được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được tỉnh rất chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; trong đó có việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nhân dân để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử. Xã hội hóa không chỉ tạo được nguồn lực tài chính mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử trong nhân dân.

Từ sự ủng hộ đóng góp của các thế hệ học trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn) đã được xây dựng, tôn tạo xứng tầm với nhiều hạng mục
Từ sự ủng hộ đóng góp của các thế hệ học trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Phan Bội Châu (Nam Đàn) đã được xây dựng, tôn tạo xứng tầm với nhiều hạng mục

Nghệ An có hệ thống di tích danh thắng dày đặc. Theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 1.395 di tích danh thắng. Theo số liệu thống kê đến năm 2016, tỉnh Nghệ An có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia, 239 di tích cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã đạt được nhiều thành quả. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh đã tiến hành công tác tu bổ, cấp nguồn vốn bổ sung và khoanh vùng bảo vệ cho gần 40 di tích; lập hồ sơ xếp hạng cho 35 di tích, trong đó có 2 di tích trình xếp hạng cấp quốc gia và 33 di tích trình xếp hạng cấp tỉnh; đồng thời, trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động tại 3 di tích trọng điểm bao gồm: Nhà tưởng niệm Nguyễn Thị Minh Khai, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, tạo điểm nhấn trong công tác bảo tồn và phát duy giá trị các di tích tỉnh nhà.

Trải qua bao biến thiên lịch sử, các di tích lịch sử chịu sự tác động trực tiếp của thời gian và thời tiết, do đó, phần lớn di tích lịch sử được xây dựng lâu đời đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các công trình chủ yếu được xây dựng bằng gỗ cổ kính, trong khi hàng năm địa phương đối mặt với nhiều thiên tai, lũ lụt dẫn đến tình trạng nhiều hạng mục bị mối mọt tàn phá.

Ngoài ra, ở một số địa phương, chính quyền, ban quản lý, con cháu trong dòng họ còn thiếu trách nhiệm trong việc bảo quản, quản lý. Để tôn tạo, tu bổ các di tích xuống cấp, hàng năm, Nhà nước đều hỗ trợ ngân sách để dành cho việc này. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này rất hạn hẹp, trung bình hơn 1 tỉ đồng/năm để đầu tư tôn tạo, tu bổ cho các di tích thuộc diện tu bổ cấp thiết. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 28 di tích lịch sử được đưa vào danh sách các di tích cần được tu bổ cấp thiết, với nguồn kinh phí được UBND tỉnh cấp cho là 2,5 tỉ đồng, trong đó có 3 khu di tích thuộc diện được tu bổ trong năm 2015. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí nên buộc phải dời lại sang năm nay.

Với nguồn ngân sách hạn hẹp, trong khi các di tích thuộc diện tu bổ cần thiết đều là những di tích xuống cấp nghiêm trọng, do đó, việc tôn tạo, tu bổ chỉ mang tính chất “kín trên bền dưới”, tập trung đảo mái, lát nền nhà… dẫn đến hiệu quả không cao. Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ngoài nguồn kính phí Nhà nước, việc đóng góp của toàn thể nhân dân là hết sức quan trọng.

Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao, ngoài ngân sách Nhà nước, hàng năm, toàn tỉnh huy động được hàng chục tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa cho việc tu bổ, tôn tạo di tích. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 – 2015, toàn tỉnh huy động được gần 230 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Chỉ tính riêng năm 2016 huy động được khoảng 19 tỉ đồng. Nguồn này được sử dụng có hiệu quả cho việc phục hồi, tôn tạo các di tích.

Hàng chục di tích được tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa và sự đóng góp công đức của con cháu, các nhà hảo tâm như đền Cờn (Hoàng Mai) huy động được 10 tỉ đồng; chùa Đại Tuệ (Nam Đàn) 15 tỉ đồng; đền thờ Tướng quân Nguyễn Đắc Đài (Nam Đàn) 22 tỉ đồng; Khu di tích Truông Bồn (Đô Lương) 360 tỉ đồng. Nhiều di tích được phục hồi từ 100% nguồn vốn xã hội hóa như đền Cửa Lũy (Anh Sơn), đền Yên Lương, đền Mai Bảng, đền Diên Nhất (TX Cửa Lò); chùa Gám, đền thời Phan Tất Thông (Yên Thành); đền Trà, đền Trường Trạ (TP Vinh) cùng nhiều nhà thờ họ ở các địa phương trong tỉnh. Những con số trên cho thấy, nhiều người dân rất quan tâm đến công tác tôn tạo di tích, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của địa phương.

Rõ ràng, việc xã hội hóa tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử là hết sức quan trọng, tạo được nguồn kinh phí lớn để tôn tạo, phục dựng, bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp, nâng số lượng di tích được tôn tạo nhiều hơn. Trên thực tế, công trình tu bổ từ nguồn kinh phí này cũng chất lượng hơn, vì nguồn vốn lớn nên sửa chữa được nhiều hạng mục và có sự giám sát chặt chẽ của người dân.

Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy rằng, hiện nay việc huy động xã hội hóa mới chỉ đạt hiệu quả ở các di tích có nhiều yếu tố tâm linh như đền chùa. Bởi ở các di tích này hàng năm có rất đông du khách thập phương đến tham quan nên nguồn công đức ủng hộ lớn; nhiều di tích dòng họ, con cháu đỗ đạt, thành danh nên ủng hộ xây dựng cũng nhiều. Trong khi đó, các di tích ít có yếu tố tâm linh như đình làng hay di tích cách mạng thì việc xã hội hóa chưa đạt kết quả, chủ yếu vẫn đang dựa vào nguồn vốn của Nhà nước.

Từ các hạng mục, di tích được tôn tạo, tu bổ cũng sẽ dễ nhìn thấy được rằng, việc xã hội hóa tu bổ, phục dựng di tích vẫn còn những hạn chế nhất định. Muốn tôn tạo di tích không hẳn có tiền là làm được mà còn phải có những kiến thức nhất định về bảo tồn di tích, am hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của di tích đó.

Ông Phạm Công Vinh, Trưởng phòng Tu bổ di tích, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An cho biết: Một số trường hợp tự ý triển khai tu bổ, tôn tạo mang tính tự phát, không thực hiện theo quy định của Nhà nước; đội ngũ thợ không có kiến thức về công tác tu bổ nên trong quá trình tu bổ làm mất giá trị nguyên gốc của di tích; hay như việc đưa một số vật liệu không phù hợp với công trình kiến trúc cổ như: gạch men, bê tông cốt thép, màu sắc lòe loẹt, ngói tây…; điều này vô tình khiến việc tu bổ gần như thay mới. Ngoài ra, nhiều công trình do không có xin phép, không có sự hướng dẫn chuyên môn nên tại một số di tích xây dựng một số công trình phụ trợ (nhà khách, nhà soạn lễ, nhà truyền thống…) xây dựng ở vị trí không phù hợp, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích, làm lấn át các công trình gốc…

Để huy động tối đa nguồn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các di tích, Sở Văn hóa và Thể thao đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nhận thức cho nhân dân có những giải pháp hợp lý để vận động được tối đa nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân.

Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế trong công tác xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử hiện nay, Sở cũng yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nắm được Luật Di sản văn hóa và các kiến thức, quy định chuyên ngành; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhất là hướng dẫn, giám sát và quản lý việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử không những sẽ huy động được một nguồn lực tài chính dồi dào trong nhân dân mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, phát huy giá trị văn hóa lịch sử trên mảnh đất xứ Nghệ địa linh nhân kiệt.

.

Huyền Thương

.