Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201710/phat-trien-dang-trong-hoc-sinh-sinh-vien-761154/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201710/phat-trien-dang-trong-hoc-sinh-sinh-vien-761154/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 10/10/2017, 08:14 [GMT+7]

Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên

(Congannghean.vn)-Phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên (HSSV) là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu tại các trường học hiện nay. Kết nạp nhiều HSSV vào Đảng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, mà đây còn là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An được kết nạp đảng viên mới
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An được kết nạp đảng viên mới

Từ sự quan tâm của Bộ Chính trị…

Công tác phát triển Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các tổ chức Đảng, đặc biệt là trong các nhà trường, học viện. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển đảng viên theo đúng quy định, chú ý những người ưu tú trong công nhân, đội ngũ trí thức, đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…”. Đặc biệt, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị Khóa VIII về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” đã đề ra nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành “Tích cực tạo nguồn, làm tốt công tác phát triển đảng viên trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, nhất là ở những cơ sở hiện còn ít hoặc chưa có đảng viên”. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đạt tỉ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”.

Từ sự quan tâm đặc biệt đó của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác phát triển Đảng trong các trường học, các cơ sở giáo dục cũng đã xác định tổ chức Đảng trong nhà trường là hạt nhân chính trị, tập hợp các lực lượng quần chúng nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng trong nhà trường là khâu then chốt; việc chăm lo, bồi dưỡng và phát triển đảng viên trong nhà trường đã và đang là nhiệm vụ quan trọng để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhà trường. Hay nói cách khác, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong các trường học thực chất là nhằm góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ đảng viên có năng lực, trí tuệ và đạo đức cách mạng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là đào tạo ra những cán bộ, đảng viên của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên”.

Chính vì lẽ đó, trong thời gian qua, với sự cố gắng, quyết tâm của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương, ở các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường phổ thông trong toàn quốc, việc thực hiện Chỉ thị 34 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Đảng nói chung, cơ sở Đảng trong ngành Giáo dục nói riêng.

Công tác phát triển Đảng cho sinh viên các trường học có điểm khác biệt so với các cơ quan, đơn vị khác là vai trò của tổ chức Đoàn, Hội thanh niên được thể hiện rất rõ nét, từ khâu phát hiện nhân tố tích cực đến góp phần bồi dưỡng, rèn luyện, phát triển và giới thiệu vào Đảng. Tham gia tích cực, hiệu quả các phong trào Đoàn, Hội thanh niên là yếu tố đầu tiên giúp các em HSSV được chú ý bồi dưỡng, rèn luyện. Công tác phát triển đảng viên mới trong lực lượng đoàn viên, thanh niên là sinh viên trở thành một nhiệm vụ thường xuyên nhằm bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng. Là cơ sở giáo dục vừa được Chính phủ bổ sung vào danh sách các trường đại học xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia, một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu mà Đảng bộ Trường Đại học Vinh đặt ra là luôn chủ động, tích cực đề ra nhiều giải pháp và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong HSSV.

… Đến việc triển khai ở các trường học

Về vấn đề này, GS.TS. Đinh Xuân Khoa, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: Trước hết, Đảng ủy thường xuyên quán triệt trong từng cấp ủy Đảng, đảng viên và quần chúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên. Qua đó, Đảng ủy Trường đã cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên cho phù hợp với thực tiễn của Trường nhằm nâng cao chất lượng đảng viên. Kết hợp với công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên trong sinh viên; đồng thời thông qua tổ chức nhiều hoạt động để tập hợp, giáo dục, rèn luyện đoàn viên, hội viên nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất, là những giải pháp được thực hiện đồng bộ để nâng cao chất lượng đầu vào cho đảng viên là sinh viên.

Theo số liệu báo cáo của 84 trường đại học, học viện; 78 trường cao đẳng và 20 trường trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị, tổng số giảng viên, cán bộ công chức và HSSV được kết nạp Đảng (giai đoạn 1998 - 2013) là 31.208 đảng viên. Trong đó, số giảng viên, cán bộ công chức là 12.942 đảng viên và số HSSV được kết nạp Đảng là 18.266 em.

Kết quả cho thấy, nếu như trong giai đoạn từ năm 1994 - 1998, Nhà trường chỉ có 189 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng thì giai đoạn từ năm 1998 - 2014, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 3.113 đảng viên, trong đó có 262 cán bộ và 2.851 sinh viên. Tính riêng năm 2016, đã có 323 sinh viên ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trung bình mỗi năm, Đảng bộ Trường ĐH Vinh kết nạp được từ 220 - 300 sinh viên vào Đảng, vượt chỉ tiêu đề ra, là trường đại học có số lượng sinh viên được kết nạp Đảng lớn nhất trong cả nước.

Trong khi đó, ở một đơn vị trường học khác là Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, mặc dù công tác phát triển Đảng trong sinh viên được Đảng ủy nhà trường chú trọng, thế nhưng, trong những năm gần đây, phong trào này đi xuống so với trước. Năm học 2016 - 2017, chỉ có 16 sinh viên là đoàn viên ưu tú được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, con số này của các năm trước là luôn đạt từ 40 - 50 sinh viên.

Lý giải vấn đề này, TS. Dương Xuân Thao, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thực tế hiện nay, do đặc thù ngành nghề đào tạo của nhà trường nên sinh viên sau khi tốt nghiệp, vấn đề chuyển sinh hoạt Đảng gặp khó khăn, nhất là thời điểm chưa ổn định công việc. Một số đảng viên chuyển sinh hoạt về nơi cư trú, nhưng làm việc tại cơ quan, xí nghiệp, trong khi những nơi này có thể có, có thể không có các chi bộ Đảng, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, không phải đơn vị nào cũng có các tổ chức Đảng.

Phát triển Đảng trong nhà trường - những vấn đề đặt ra

Mặc dù vậy, cần khẳng định rằng, công tác phát triển Đảng trong các nhà trường từ trước đến nay là một trong những kênh thông tin quan trọng, phản ánh và khẳng định chất lượng giáo dục, đào tạo, bao gồm cả về mặt tri thức lẫn phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho sinh viên của các trường học hiện nay. Những HSSV sau khi được kết nạp Đảng đều thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của người đảng viên, luôn chấp hành tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần học tập, rèn luyện tốt và là nòng cốt trong các hoạt động của khoa và nhà trường. Tất cả đảng viên sinh viên tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm ngay, một số đảng viên được cử giữ những chức vụ, đảm nhận những công việc quan trọng trong các trường học, cơ quan, đơn vị.  

Cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển Đảng trong trường học thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn. Đối với hệ trung cấp, thời gian học tập tại trường chỉ kéo dài 2 năm, trong khi thời gian thử thách phấn đấu của một đối tượng Đảng tương đối dài nên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phấn đấu của cá nhân, quá trình theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng của tổ chức Đảng.

Cùng với đó, số lượng đoàn viên ưu tú trong trường học được giới thiệu, kết nạp có sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành. Số liệu thống kê trong những năm gần đây cho thấy, số lượng đoàn viên ưu tú được giới thiệu và kết nạp trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, số lượng đảng viên là HSSV dân tộc, tôn giáo còn chưa nhiều, mặc dù chất lượng đảng viên được kết nạp trong đoàn viên trường học đã ngày càng được nâng lên, song nhìn chung vẫn còn thấp, không đồng đều. Số lượng đảng viên chính thức trong đội ngũ HSSV chưa nhiều, chủ yếu là đảng viên trong quá trình dự bị, được kết nạp trong năm học cuối cùng hoặc cận cuối cùng của thời kỳ học đại học, cao đẳng. Tỉ lệ kết nạp đảng viên là học sinh trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vẫn còn thấp.

Những hạn chế nói trên, trong thời gian tới nếu được khắc phục sẽ là động lực để công tác phát triển Đảng trong các trường học hiện nay tiếp tục là khâu then chốt và đột phá. Bởi những kết quả đã đạt được trong gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị là những nỗ lực đáng ghi nhận. Hiện nay, số lượng HSSV chiếm tỉ lớn trong cơ cấu thanh niên. Đây vẫn sẽ tiếp tục là nhóm đối tượng thanh niên đông đảo, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, lớn mạnh của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là nguồn bổ sung lực lượng kế cận đáng kể cho Đảng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trên sẽ góp phần tạo nên bước phát triển mới trong công tác phát triển Đảng từ đoàn viên trường học, là một trong những việc làm thiết thực Đoàn, Hội, góp phần vào việc tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đảm bảo sự kế thừa, phát triển liên tục của Đảng, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.

.

Thiên Thảo

.