Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201712/phat-trien-giao-duc-o-vung-dan-toc-thieu-so-can-dong-bo-thiet-thuc-hon-772852/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201712/phat-trien-giao-duc-o-vung-dan-toc-thieu-so-can-dong-bo-thiet-thuc-hon-772852/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số: Cần đồng bộ, thiết thực hơn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 21/12/2017, 16:11 [GMT+7]

Phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số: Cần đồng bộ, thiết thực hơn

(Congannghean.vn)-Chính sách về phát triển GD&ĐT cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)  là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, thời gian qua, ngành GD&ĐT Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Điểm trường Kèo Phà Tú, Trường Tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn - một trong những điểm trường ở Kỳ Sơn được đầu tư xây dựng khang trang
Điểm trường Kèo Phà Tú, Trường Tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn - một trong những điểm trường ở Kỳ Sơn được đầu tư xây dựng khang trang

Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đều có các quy định để đảm bảo quyền được giáo dục của đồng bào các DTTS. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006, quy định việc cử tuyển người DTTS vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và được hưởng học bổng, tiền hỗ trợ ăn, ở, đi lại, mua sách vở, đồ dùng học tập; Nghị định 82/2010/NĐ-TTg ngày 15/7/2010 quy định về dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS… Quy định việc tạo điều kiện cho người DTTS được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình bên cạnh việc sử dụng tiếng Việt. Nhà nước cũng đã thành lập các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), bán trú, dự bị đại học cho con em DTTS.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS không chỉ thể hiện qua các nghị định, chương trình, dự án, mà còn bằng chiến lược cơ bản lâu dài, như Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ vùng đồng bào DTTS; Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tình hình mới; hay Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng chính sách hỗ trợ học tập cho trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ít người.

Với tính chất đặc thù, mạng lưới trường học ở miền Tây Nghệ An đã phát triển, các điểm trường lẻ được xây dựng tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các DTTS, đáp ứng khoảng cách hợp lý để học sinh đến trường. Bên cạnh đó, các điểm trường PTDTNT và nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu tăng tỉ lệ huy động, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Nhờ có các chính sách hỗ trợ con em nghèo vùng DTTS, chế độ phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, học sinh… nơi đây đã góp phần tăng tỉ lệ học sinh đến trường. Đội ngũ trí thức là con em DTTS ngày càng tăng, con em các dân tộc đều có người học đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề.

Nhờ có nhiều chính sách đầu tư và sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là chính sách cử tuyển, hỗ trợ tiền học nội trú, bán trú, cấp gạo, miễn học phí… nên học sinh vùng DTTS đã có điều kiện học tập tốt hơn, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao; đồng thời, đồng bào các DTTS giảm bớt được gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” khi cho con em đi học, có điều kiện tập trung lao động sản xuất.

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách đối với GD&ĐT vùng DTTS và sự nỗ lực của ngành giáo dục, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể giải quyết được hết những khó khăn. Hiện nay, tuy mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vùng DTTS đã được tăng cường đầu tư, cải thiện hơn so với trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; phòng học, bếp ăn, công trình vệ sinh cho các cháu học sinh và nhà ở cho giáo viên nhiều chỗ còn thiếu. Quy mô trường học còn nhỏ, trong khi lượng học sinh vùng đặc biệt khó khăn lớn nên nhiều em không được học trường nội trú. Cán bộ quản lý còn thiếu về số lượng, đời sống của đội ngũ giáo viên còn khó khăn nên chưa yên tâm công tác.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng GD&ĐT vùng DTTS, miền núi, cần có sự chung tay phối hợp, tham gia của nhiều bộ, ban, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương.

.

Đại Nghĩa

.