Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201802/xung-quanh-de-xuat-bo-cong-diem-thi-nghe-vao-lop-10-780205/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201802/xung-quanh-de-xuat-bo-cong-diem-thi-nghe-vao-lop-10-780205/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xung quanh đề xuất bỏ cộng điểm thi nghề vào lớp 10 - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 07/02/2018, 09:15 [GMT+7]

Xung quanh đề xuất bỏ cộng điểm thi nghề vào lớp 10

(Congannghean.vn)-Chỉ còn gần 2 tháng nữa, các học sinh lớp 9 của tỉnh Nghệ An sẽ bước vào kỳ thi nghề phổ thông, một kỳ thi mà kết quả được quy đổi để tính vào tổng điểm thi lớp 10 THPT. Cùng với những áp lực của kỳ thi vào lớp 10, các em học sinh lại tiếp tục gánh thêm những hoang mang, lo lắng về dự thảo “bỏ cộng điểm thi nghề” vào Kỳ thi tuyển sinh THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) vừa đưa ra.
 
Việc cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ thi nghề được áp dụng từ năm học 2008 - 2009, theo Văn bản số 10945/BGD-GDTrH về việc “Hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông” do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 27/11/2008. Mức điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ nghề (khá, giỏi) trong kỳ thi tuyển sinh THPT tại Nghệ An là 1 - 1,5 điểm. Tuy nhiên, mới đây, theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT vừa đưa ra, về việc bỏ chế độ cộng điểm thi nghề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thực tế cũng cho thấy, trước đây, các trường có tổ chức học và thi nghề nhưng hầu hết mục đích học nghề của học sinh chủ yếu là để lấy điểm cộng vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, học sinh chủ yếu học để đối phó. Các kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 ở tỉnh ta trong thời gian qua cho thấy, vì có khá nhiều điểm cộng đầu vào nên số thí sinh được khuyến khích điểm khá cao, gây nên sự thiếu công bằng cho học sinh. Ở nhiều trường, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, thí sinh có điểm cao nhất không phải là thí sinh có tổng điểm 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ cao nhất mà là thí sinh có điểm cộng cao nhất. 
 
Được biết, dù không có chủ trương của Bộ GD&ĐT nhưng thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tuy có học nghề nhưng không tổ chức thi nghề ở bậc THCS, đơn cử như tại huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương. Song, lại xảy ra một số bất cập như: Với những em có nhu cầu đăng ký vào các trường THPT ở TP Vinh lại chịu thiệt thòi vì không có điểm cộng thi nghề. Bởi vậy, nếu bỏ cộng điểm thi nghề thì tất cả các trường trong toàn tỉnh cùng đồng loạt bỏ, để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các thí sinh khi thi tuyển đầu vào.
 
Trước thực tế này, khi dự thảo về thay đổi quy định cộng điểm khuyến khích được đưa ra, cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Trường THCS Nghi Đức, TP Vinh chia sẻ: “Hiện, nhiều em học sinh học nghề không thực chất, chỉ mục đích đối phó để được cộng điểm thi vào lớp 10. Nếu bỏ cộng điểm thi nghề, việc dạy và thi nghề ở bậc THCS sẽ thiết thực hơn, là cơ hội để học sinh được trải nghiệm nghề nghiệp tương lai, để các em định hướng nghề nghiệp của mình”. Tuy nhiên, cũng theo cô Thanh, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc kỹ về lộ trình áp dụng, tránh gây sốc và lãng phí về thời gian, công sức, kinh phí của học sinh, phụ huynh, nhà trường. Bởi, đến thời điểm này, việc học nghề của học sinh lớp 9 đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3/2018 các em bắt đầu thi. 
 
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: “Việc bỏ chế độ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh THPT đối với học sinh có chứng chỉ học nghề là phù hợp. Bởi hiện nay, việc học nghề của học sinh phổ thông còn mang tính chất đối phó, phần lớn để lấy điểm cộng thêm khi thi vào lớp 10. Ngoài ra, bỏ điểm nghề không có nghĩa là xóa bỏ học nghề, thi nghề mà để việc học nghề đi vào thiết thực, thực chất hơn, hiệu quả hơn, không chạy theo điểm số, không chạy theo số lượng, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục”.
 
Dù ủng hộ chủ trương bỏ chế độ cộng điểm khuyến khích thi nghề, song ông Vinh cũng đề xuất: “Bộ GD&ĐT nên cân nhắc kỹ về lộ trình để triển khai phù hợp, tránh ảnh hưởng tới tâm lý học sinh. Tôi cho rằng, để chủ trương này nhận được sự đồng thuận, cần công bố cho phụ huynh, học sinh biết ít nhất trước một năm học, nếu áp dụng ngay trong mùa tuyển sinh năm học 2018 - 2019 thì lứa học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi này sẽ rất thiệt thòi”. 
 
Thiết nghĩ, nếu chủ trương bỏ cộng điểm nghề được thực hiện thì ngành giáo dục cần có những hình thức khuyến khích hướng nghiệp thay thế để thực hiện tốt kế hoạch phân luồng trong học sinh THCS. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần phải chú trọng, quan tâm hơn nữa hiệu quả của việc học nghề không chỉ ở bậc THCS mà còn ở bậc THPT hiện nay. 
Trước những thông tin nói trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đang trong giai đoạn xin ý kiến đóng góp trước khi phê duyệt. Sau ngày 18/2/2018, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và có quyết định chính thức về cách thức, lộ trình triển khai nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

 

.

THU THỦY

.