Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201810/y-te-hoc-duong-khong-the-xem-nhe-820140/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201810/y-te-hoc-duong-khong-the-xem-nhe-820140/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Y tế học đường: Không thể xem nhẹ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 23/10/2018, 08:58 [GMT+7]

Y tế học đường: Không thể xem nhẹ

(Congannghean.vn)-Khám sức khỏe định kỳ là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động y tế học đường (YTHĐ), giúp cơ quan y tế, nhà trường và gia đình nắm được tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm những nguy cơ để từ đó có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho học sinh một cách phù hợp và hiệu quả. Việc xuất hiện nhiều loại bệnh học đường với các nguyên nhân khác nhau chính là những khó khăn trong công tác YTHĐ hiện nay.

Khám sức khỏe cho học sinh tại Trường Mầm non Trường Thi, TP Vinh
Khám sức khỏe cho học sinh tại Trường Mầm non Trường Thi, TP Vinh

Gia tăng các bệnh học đường

Theo chân đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, chúng tôi được tham gia một buổi khám sức khỏe cho các cháu tại Trường Mầm non Trường Thi, TP Vinh. Theo các bác sĩ, ở độ tuổi này, các cháu chủ yếu gặp các bệnh như sâu răng, suy dinh dưỡng và một số bệnh do thay đổi thời tiết như ho, sổ mũi, viêm họng. Sau khi khám, bác sĩ sẽ ghi kết quả vào sổ khám sức khỏe của các cháu và gửi cho cô giáo chủ nhiệm để phối hợp với các bậc phụ huynh có biện pháp điều trị kịp thời.

Tại Bệnh viện Mắt Nghệ An, mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhân đến khám, điều trị, trong đó khoảng 1/3 bệnh nhân đang ở lứa tuổi học đường. Được biết, cận thị là loại bệnh hay gặp nhất và đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh yếu tố bẩm sinh thì nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị chủ yếu là do yếu tố môi trường, sinh hoạt, cuộc sống. Phòng học không đủ ánh sáng, tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính, tivi… là nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị học đường. Trên thực tế, áp lực học hành từ phía gia đình đã vô hình trung sinh ra các bệnh liên quan đến mắt. Do làm việc và học tập quá nhiều nhưng lại ngủ ít dẫn đến mắt bị mỏi.

Một căn bệnh mà học sinh cũng thường mắc phải là cong vẹo cột sống. Hiện nay, tỉ lệ học sinh bị các bệnh liên quan đến cong vẹo cột sống khá cao. Nguyên nhân chính là do tư thế ngồi học. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ bị biến dạng cột sống, gây khó thở, nhiều trường hợp nặng buộc phải phẫu thuật…

Xây dựng trường học an toàn, lành mạnh

Có thể thấy, nhiều năm qua, việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh thực hiện theo đúng kế hoạch đã giúp các em được phát hiện bệnh sớm, có phương pháp điều trị phù hợp và được nhà trường theo dõi, phối hợp chăm sóc. Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT, đến thời điểm này, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã có phòng y tế và cán bộ y tế. Trong đó, 922 trường có cán bộ y tế chuyên trách và 661 cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Với hơn 90% học sinh đã có thẻ bảo hiểm y tế nên thời gian qua, công tác YTHĐ đã được quan tâm hơn. Hàng năm, tỉ lệ học sinh được khám sức khỏe đạt hơn 90%, trong đó nhiều nhất là ở bậc học mầm non.

Trường học được xác định là nơi tập trung nhiều lứa tuổi, là môi trường dễ lây lan dịch bệnh, vì thế thời gian qua, ngành giáo dục đặc biệt chú trọng đến công tác YTHĐ. Các trường học bên cạnh việc quan tâm đến chương trình phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm còn thường xuyên phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, có biện pháp xử lý tình huống và thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời cho ngành y tế khi có dấu hiệu bệnh, dịch xảy ra trong trường. Đặc biệt, hiện 100% trường học phối hợp và tham gia tốt công tác tiêm chủng phòng bệnh theo chiến dịch hoặc dịch vụ mà ngành Y tế triển khai.

Với sự nỗ lực, cố gắng trên, công tác YTHĐ đã góp phần quan trọng vào việc chăm lo sức khỏe cho học sinh, tạo cho các em ý thức phòng các loại bệnh ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: Cán bộ YTHĐ chuyên trách còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đồng đều; tại các trường, giáo viên kiêm nhiệm thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến hoạt động của công tác YTHĐ. Ngoài ra, kinh phí cho công tác này tại nhiều cơ sở không có. Kinh phí dùng để triển khai các hoạt động YTHĐ chủ yếu từ quỹ bảo hiểm y tế học sinh trích lại cho các trường, kinh phí của các huyện, thị xã, thành phố cũng như các xã, phường, thị trấn hỗ trợ còn ít, nhiều nơi không có kinh phí cho công tác này, vì thế khó phát hiện một số bệnh học đường…

.

Phan Tuyết

.