Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201901/noi-long-cua-giao-vien-day-tre-tu-ky-834791/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201901/noi-long-cua-giao-vien-day-tre-tu-ky-834791/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nỗi lòng của giáo viên dạy trẻ tự kỷ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 16/01/2019, 18:38 [GMT+7]

Nỗi lòng của giáo viên dạy trẻ tự kỷ

(Congannghean.vn)-Một lớp học mà người ta gọi là “đặc biệt”, bởi ngoài việc dạy những đứa trẻ tự kỷ, giáo viên nơi đây còn phải có kỹ năng mềm làm tốt công tác tư tưởng cho các bậc phụ huynh.

Dạy trẻ tự kỷ ngoài chuyên môn rất cần tình yêu thương và sự nhẫn nại, kiên trì
Dạy trẻ tự kỷ ngoài chuyên môn rất cần tình yêu thương và sự nhẫn nại, kiên trì

Chúng tôi được tham gia một lớp học trị liệu dành cho trẻ tự kỷ tại Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, vì đa số trẻ đều gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ…Vì vậy, chỉ có sự tâm huyết, tình yêu đối với con trẻ mới giúp các cô giáo theo đuổi nghề nghiệp đến cùng. Trực tiếp chứng kiến các cô tận tình điều trị cho các cháu, chúng tôi mới thấy được nỗi vất vả, khó nhọc mà các cô trải qua.

9 năm gắn bó với công việc dạy trẻ tự kỷ tại Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An, cô Tôn Thị Trí (SN 1985) đã có rất nhiều kỷ niệm buồn vui. Cô Trí cho biết: “Cũng là giáo viên nhưng công việc ở đây không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Nhiều lúc rất mệt mỏi và áp lực, vì vậy các cô phải thật sự tâm huyết và dành hết tình yêu thương cho trẻ mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cũng theo cô Trí, đến với lớp học này, các bậc làm cha mẹ phải chấp nhận sự thật về bệnh tình của con mình. Bởi thế, việc làm tư tưởng cho phụ huynh có vai trò rất quan trọng. Khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ phải thực sự kiên nhẫn. Có em dù đã lên 6, 7 tuổi nhưng vẫn như “đứa trẻ sơ sinh”, không có kỹ năng giao tiếp, thậm chí chưa biết nói chuyện, tự vệ sinh cá nhân…; có em đã 10 tuổi nhưng rụt rè, không phân biệt được màu sắc, nhận biết thế giới xung quanh; có em thường xuyên chạy nhảy, có hành vi đánh đập cô giáo...

Mỗi trẻ là một thế giới riêng nên việc dạy trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, kỹ năng để đưa ra các phương pháp trị liệu khác nhau. “Mặc dù công việc áp lực và mệt mỏi, nhưng khi thấy các em làm được những điều đơn giản như ngồi yên trên ghế, bật ra những ngôn ngữ đầu tiên hay tự cầm thìa xúc cơm ăn là chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, cô Trí chia sẻ.

Là một giáo viên từng giành giải cao tại Hội thi trị liệu viên giỏi, cô Nguyễn Thị Hóa là người trực tiếp can thiệp cho trẻ tự kỷ trong nhiều năm tại trung tâm, có nhiều học trò thân thiết như người thân trong gia đình. Điển hình như trường hợp cháu N. (4 tuổi) chưa nói được và không chịu giao tiếp. N. thường xuyên la hét, không chịu được sự tác động của âm thanh cũng như từ người lạ. Khó khăn lắm, cô Hóa mới thân thiết và được N. tin tưởng. Mỗi một thay đổi, tiến bộ nhỏ của cháu cũng khiến cô mừng rơi nước mắt.

Các cô giáo nơi đây vẫn nhớ như in trường hợp cháu bé tự kỷ đến từ tỉnh Hà Tĩnh. 18 tháng tuổi, bố mẹ phát hiện con mình có những biểu hiện không bình thường nên đã gửi gắm tại Quỹ bảo trợ trẻ em Nghệ An. Việc điều trị gặp nhiều khó khăn khi bé khóc ròng rã suốt 3 tháng trời. Đã có lúc, các cô muốn buông xuôi nhưng vượt lên tất cả là tình thương yêu con trẻ. Sau nhiều lần áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau, sau 1 năm điều trị, với sự phối hợp kiên trì từ phía gia đình, cháu đã nói chuyện và chơi đùa với các bạn.

Hay trường hợp cháu bé 13 tuổi đến từ TP Vinh, được bố mẹ đưa đến trung tâm từ lúc 5 tuổi trong tình trạng quấy phá, hay đánh đập mọi người. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mẹ không có việc làm, chỗ ở không ổn đinh. Với sự kiên trì, nhẫn nại, tận tâm của các giáo viên nơi đây, tính cách của bé dần có những chuyển biến tích cực.

Bà Nguyễn Thị Lài, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại, trung tâm có 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho 50 trẻ tự kỷ. Đó là những y tá, bác sĩ, giáo viên mầm non, thạc sĩ, cử nhân chuyên ngành tâm lý học… Họ hướng dẫn trẻ từ động tác đơn giản như nhai, thổi… đến những cử chỉ phức tạp hơn như biết nghe lời, nhận biết màu sắc, thế giới xung quanh…

Dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Bên cạnh tình yêu thương, tâm huyết với nghề của các giáo viên thì việc điều trị cho trẻ rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của phụ huynh, nhà trường và xã hội. Các bậc làm cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ, nhận biết sớm các triệu chứng của trẻ tự kỷ để có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ sớm tìm lại nụ cười, hòa nhập với cộng đồng.

.

Phan Tuyết

.