Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/tet-ven-tron-838238/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201902/tet-ven-tron-838238/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tết vẹn tròn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 07/02/2019, 09:56 [GMT+7]

Tết vẹn tròn

(Congannghean.vn)-Anh quơ tay tìm chiếc điện thoại cục gạch, màn hình báo 3 giờ sáng. Không phải tiếng mèo kêu trên mái tôn đánh thức anh mà bởi vì hôm nay là ngày làm cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Anh lên thành phố làm thợ hồ cả năm chỉ về hai, ba lần. Càng cạn năm, cạn tháng, nỗi nhớ nhà như con mèo cấm cẳn, ngúng nguẩy, khó chiều. Suốt từ hôm tiễn ông Táo về trời, hình bóng vợ đưa võng ru con bên hiên nhà cứ xôn xao trong lòng anh.
 
Anh nhón chân để không làm thức giấc mấy anh em cùng phòng, mở hé cửa rồi lách người ra ngoài hiên. Cái rét ngọt như được ướp mùi nhang trầm mà hồi bé anh gọi nó là mùi Tết xoa lên mắt cay xè. Ánh đèn đường đỏ quạch trườn qua khe hở dưới chân cánh cổng liếm vào gót chân anh. Anh nắn nắn túi áo ngực, còn nửa điếu thuốc lá bẻ đôi. Châm lửa, hít một hơi dài, khói trắng chồm lên rồi lặn tăm vào bóng đêm đặc quánh. Đã hứa với vợ và con gái sẽ cai thuốc nhưng mỗi lần nhớ nhà là anh lại hút điếu thuốc cho khuây khỏa. Đốm lửa hờ hững giữa hai ngón tay anh cứ lịm dần, lịm dần đi. 
 
Anh bỏ học giữa chừng theo người chú họ vào Nam mót mủ cao su. Đến khi hay tin bố bị ngã giàn giáo liệt nửa người, anh trở về quê ai mướn gì làm nấy. Trong đêm giao lưu văn nghệ với làng bên, anh để ý một cô gái tên Thơm trong đoàn chèo. Từ dăm ba câu bông đùa của đám trai làng, đến những sớm tinh sương anh ngấp nghển đầu đường cái đỡ gánh rau từ vai Thơm quẩy đi chợ phiên, những trưa anh gò lưng đạp xe đèo Thơm chạy nắng cháy, những chiều bế Thơm leo lên lưng trâu thong dong bờ đê rợp gió tím, những đêm chèo xuồng ra giữa sông bụm tay múc trăng vàng, rồi thành vợ thành chồng.
 
Nghe người ta đùa “bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”, anh chỉ cười xòa. Còn Thơm thì đấm anh thùm thụp: “Người ta nói vậy mà anh còn cười được!” Thì đúng mà, anh đen đúa, gầy gò, lông bông chẳng nghề ngỗng mà cưới được cô vợ xinh đẹp lại hát hay. Anh tự nhủ lòng sẽ không để Thơm thiệt thòi thêm nữa. Đứa con gái đầu lòng chào đời. Năm thì mười hoạ anh mới được người ta gọi đi làm. Khi thì khiêng mấy chậu cây cảnh, khi thì dẫy mảnh vườn trồng khoai lang, khi thì lợp cái chuồng gà… Thương vợ phải địu con chạy chợ bán rau, anh tính kế lên thành phố làm thuê. Thế mà cũng đã hơn hai năm.
 
Anh ngồi dựa vào tường, ngửa cổ nhìn lên khoảng trời mỏng dẹt bị bóp nghẹt giữa hai dãy nhà trọ, lẩm nhẩm tính số tiền tích góp mấy tháng qua. Liệu rằng có đủ lo một cái Tết be bé mà ấm cúng, có đủ mua ngói vá lại mái nhà dột lỗ chỗ, có đủ nộp tiền học cho con, có đủ để hai mẹ con Thơm trang trải trong năm mới?
 
- Thắng! Vào ăn mì tôm còn đi làm! - Một bàn tay vỗ vỗ vào vai cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của anh.
 
Anh lồm cồm đứng dậy trở vào trong phòng. Bóng đèn tròn tuôn ánh sáng vàng ệch như da người bệnh gan, lưng một nồi mỳ tôm trương phềnh và chồng bát chỏng chơ trên nền xi măng thô ráp. Đứa nào đứa nấy ngồi chồm hỗm xì xụp bát mỳ tôm rồi khoác bộ quần áo lao động lũ lượt kéo nhau ra công trường. Thằng Công khoác vai anh hồ hởi:
 
- Sướng nhé! Mai được về với vợ rồi!
 
Anh gật gật đầu:
 
- Thế mày định ở lại à?
 
- Nhà tao có còn ai đâu mà về! Ở trên này tranh thủ đi làm mấy ngày Tết kiếm được bộn tiền…
 
Thằng Công cười méo xệch rồi tảng lờ sang chuyện khác. Bố mẹ và em gái nó bị lũ cuốn hồi giữa năm. Còn nhớ đêm ấy, dứt cuộc điện thoại từ một người họ hàng, nó như lên cơn điên dại. Trời vừa tảng sáng, anh mượn xe máy chở nó ra bến xe, nó cứ gục đầu vào lưng anh khóc lạc cả giọng.
 
Đứng trên tầng mười sáu tòa nhà xây dang dở nhìn xuống, phố giũ giũ bụi lạnh mùa đông, hây hây hơi xuân ấm nồng. Những gánh hàng hoa thắp sắc xuân trong lòng phố. Sắc màu của Tết thêu lên những nếp nhà, rót đầy vào những cửa hàng chen chúc nhau xếp thành hàng dài hai bên đường. Loa truyền thanh thả ra mênh mang bài hát về Tết, về mùa xuân rộn rã. Suốt ngày dài lòng không thôi chộn rộn, thỉnh thoảng anh lại lẩm nhẩm hát vu vơ. 
 
Cuối ngày, ông chủ gọi cả toán thợ lên gặp. Ông bắt tay từng người chúc ăn Tết vui vẻ. Anh nâng niu phong bì tiền công như nâng niu cái Tết của cả gia đình. Anh bước mà chân quýnh quáng như chạy về phòng trọ. Từng gáo nước giá buốt liếm lên vai, lên ngực, lên cánh tay, lên đùi nhưng lòng anh thì như lửa đốt. Vừa gặm chiếc bánh mì cho qua bữa anh, vừa giúp cô bạn cùng khu trọ nịt lại bao đồ hàng lên gác ba ga xe đạp. Vài anh em cùng phòng quê ở xa lục tục ra bến xe. Họ bắt chuyến xe đêm. 
 
Anh gói chiếc váy xòe hồng cánh sen gắn nơ trên vai áo và cái khăn len quàng cổ trong tấm báo khổ lớn rồi xếp vào góc ba lô. Anh đã chạy một mạch xuống cuối chợ, thở phào khi chiếc váy ấy vẫn trưng trên con ma nơ canh trước cửa hàng quần áo trẻ em. Anh ngắm nó cả tháng nay chỉ đợi nhận lương là mua cho con gái. Anh đã lúng ta lúng túng trước sạp khăn quàng cổ, lật giở hết cái này đến cái khác một hồi lâu.
 
- Anh mua khăn tặng vợ à? - Thấy vẻ mặt căng thẳng của anh, một cô gái hồ hởi ngỏ ý chọn giúp.
 
Như buồn ngủ gặp chiếu manh, anh mừng rỡ gật đầu lia lịa như đứa trẻ con được cho quà.
 
Chuyến xe khách về quê đông cứng. Kẻ ngồi, kẻ đứng lố nhố. Có người phải đứng co một chân, có người ngồi bệt xuống sàn xe. Anh đứng dựa lưng vào thành ghế, hai tay ôm khư khư ba lô tròn căng như chú lợn con ở trước ngực. “Cái gì cũng tăng giá chóng mặt, quả bưởi bằng hai nắm tay mà hơn trăm nghìn”, “Trường mày được nghỉ Tết đến mùng mấy?... Nghỉ dài thế, mùng sáu tao phải đi học lại rồi!”, “Đêm giao thừa anh đón em đi xem bắn pháo hoa ở đầu huyện nhé!”, “Năm nay, con gái tôi trong Nam ra nên ăn Tết to”, “Nhà tôi không gói bánh chưng, họ hàng mỗi người cho một hai cái là ăn chán”…
 
Anh đang nhẩn nha những câu chuyện tầm phào tròn xoe hương Tết thì người đàn ông choàng măng tô dài chấm đầu gối xẵng giọng: “Con đang trên xe… Chiều 30 con đưa hai mẹ con nó đi du lịch Nha Trang… Không được, con đặt vé, đặt phòng xong xuôi hết rồi… Thế bố nhé!”. Ở hàng ghế đối diện, một người phụ nữ mặc lồng hai ba lớp áo dài ngắn lô xô lục chiếc điện thoại cục gạch trong đáy túi cám cò, tay lập cập bấm số, đứa con nhỏ xanh lét ngủ lăn lóc trong lòng: “Mẹ ạ, mẹ giúp con sắp quần áo của chồng con vào cái ba lô màu mận chín dưới gầm giường, chiều con vào bệnh viện luôn. Anh ấy vẫn còn đau lắm ạ! Bác sĩ bảo mùng 2 Tết phẫu thuật lại…”.
 
Xe khách đổ dốc đầu làng, anh ngấp nghển thấy bóng hai mẹ con Thơm qua khung cửa kính. Bước xuống xe, cơn gió mang hương đồng đất mơn mởn độ xuân thì thốc vào mặt khiến anh bừng tỉnh sau một chuyến đi dài. Đứa con gái lụ xụ áo bông, tết tóc đuôi sam lon ton chạy lại ôm chầm lấy chân anh. Anh nhấc bổng con gái hôn rối rít lên đôi má phính phính như trái đào.
 
- Râu bố làm con đau… - Nó mếu máo nắm chặt mép áo anh giật giật.
 
- Bố xin lỗi, sáng nay vội bắt xe về với con, bố quên chưa cạo râu… Hai mẹ con đợi anh lâu không? Xe chạy lòng vòng bắt khách cả tiếng đồng hồ…
 
Thơm đỡ ba lô trên vai anh:
 
- Vừa tan phiên chợ là hai mẹ con chạy ra đây ngóng anh về…
 
Anh đan tay vào khoảng trống giữa những ngón tay gầy của vợ, tim chộn rộn như pháo hoa bung nở trên bầu trời đêm giao thừa. Đứa con thì véo von như chú chim. Bóng ba người ngả vào nhau trên con đường đất gồ ghề dẫn vào xóm nhỏ. Tết vẹn tròn là Tết bên gia đình! 
 
.

Đào Mạnh Long

.