Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201904/sach-va-van-hoa-doc-850999/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201904/sach-va-van-hoa-doc-850999/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sách và văn hóa đọc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 24/04/2019, 11:22 [GMT+7]

Sách và văn hóa đọc

(Congannghean.vn)-Trải qua hàng chục vạn năm tiến hóa, từ “người khôn” đến người hiện đại, xét về phương diện cấu trúc cơ thể, xét về mặt “cơ bắp” thì sự thay đổi là ít, là hữu hạn. Nhưng nếu xét về phương diện trí tuệ thì sự thay đổi là vô cùng lớn, là vô hạn. Sức mạnh của con người với tư cách là một sinh vật thượng đẳng, một sinh vật xã hội chính là ở trí tuệ, ở tri thức.

Cán bộ, chiến sỹ Công an Nghệ An hưởng ứng Ngày sách Việt Nam - Ảnh: Đức Vũ
Cán bộ, chiến sỹ Công an Nghệ An hưởng ứng Ngày sách Việt Nam - Ảnh: Đức Vũ

Cho đến thời đại chúng ta đang sống, vốn tri thức của nhân loại được tích lũy hàng chục vạn năm là cực lớn và đang tiếp tục lớn hơn, phong phú hơn với tốc độ ngày càng nhanh.
Từ khi có chữ viết, vốn tri thức cực lớn ấy được chứa đựng trong sách. Do đó, sách là kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại. Sách ra đời từ hàng nghìn năm trước. Từ sách viết đến sách in và nay còn có thêm sách điện tử. Song, dù là sách gì thì con người cũng phải đọc. Từ đọc và qua đọc, con người thu nhận tri thức. Ít đọc hoặc không đọc đồng nghĩa với ít hoặc không có tri thức tối thiểu cần thiết.

Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại công nghệ thông tin. Ít đọc hoặc không đọc sách là bảo thủ, là lạc hậu, là bị rớt lại ngày càng xa ở phía sau. Hẳn vì vậy mà Lê Nin đã có một luận điểm cực kỳ ngắn gọn, nhưng là chân lý:

“Không có sách, không có tri thức

Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội”

Còn Lord Byron thì có câu danh ngôn:

“Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ

Một cuốn sách hay có thể làm thay đổi số phận biết bao người”

Giá trị đích thực và ý nghĩa sâu xa của sách và đọc là thế. Bất cứ cá nhân nào của cộng đồng dân tộc nào cũng phải cố hết sức để nhận ra điều đó.

Tại cuộc gặp mặt các nhà đầu tư do tỉnh ta tổ chức đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu của mình đã nhắc lại việc chia thời gian làm việc của đồng chí Kim Ngọc - người táo bạo đi trước cho chủ trương “khoán hộ”. Đồng chí Kim Ngọc dành 1/3 thời gian cho hội họp, 1/3 thời gian để đọc và 1/3 thời gian đi thực tế đến tận dân, tận việc. Tri thức và hiểu biết có được từ đọc, từ thực tiễn sống động, từ ý dân, lòng dân là điều đảm bảo cho chất lượng, cho sự đúng đắn của các quyết định ở các cuộc họp của lãnh đạo, chính quyền. Nói lại chuyện này hẳn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý mỗi đảng viên, cán bộ của tỉnh ta từ tầm tỉnh đến cơ sở phải đọc và phải xuống cơ sở gặp dân, gặp người lao động, gặp doanh nghiệp để lãnh đạo và quản lý điều hành có hiệu quả.

Vừa mới đây thôi, đến dự “Ngày sách Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đưa ra một nhận xét là cán bộ ta ít đọc và lười đọc. Chưa nói đến đọc sách, ngay đọc các văn bản của cấp trên cũng rất hời hợt. Đây hẳn là một điều rất đáng lo ngại.

Xét trên bình diện rộng, thì người Việt Nam ta không hẳn là ít đọc. Có điều phải nói là người Việt Nam ta, nhất là lớp trẻ rất chăm đọc mạng, nhưng rất ít đọc sách. Suốt ngày, vào bất cứ lúc nào có thể, người ta dán mắt vào màn hình di động đọc đủ mọi thông tin  trên trời, dưới biển, từ Đông sang Tây, cả tốt lẫn tạp… Có điều gì đó trong quan niệm hiện nay, không đọc mạng đồng nghĩa với “cổ lỗ sĩ”, đọc mạng như là “mốt” thời đại. Xét cho cùng đọc là cần thiết, là không thể không đọc. Nhưng điều cần nghĩ, căn bản chính là: Không thể lấy đọc mạng thay cho đọc sách (sách in hoặc sách điện tử). Bởi đọc mạng có thể thỏa mãn nhu cầu thông tin nhưng chỉ có đọc sách mới làm cho ta giàu có thêm về tri thức. Mà, ở thời đại hiện nay, có giàu về tri thức mới giàu về trí tuệ, tâm hồn, vật chất và mới giàu về nhiều phương diện khác nữa.

Trở lại với Lê Nin khi người đòi hỏi: Những người cộng sản muốn đi tới lý tưởng cao đẹp của mình, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người phải thâu tóm toàn bộ tri thức của nhân loại, phải đứng trên đỉnh cao nhất của tri thức nhân loại. Để làm được như vậy, không có cách nào khác. Phải đọc sách, phải biết cách đọc sách.

Nhân kỷ niệm 149 năm Ngày sinh V.Lê Nin vĩ đại và nhân “Ngày sách Việt Nam”, xin có đôi điều bày tỏ như trên. Còn gì chưa đủ đầy hoặc khiếm khuyết xin được quý bạn đọc trao đổi thêm để sự đọc của mỗi chúng ta, của xã hội ta ngày càng thêm đậm, thêm đẹp.

.

Trương Công Anh

.