Thứ Bảy, 18/05/2019, 10:48 [GMT+7]

"Duyên nghề"

(Congannghean.vn)-Tôi biết đến Báo Công an Nghệ An lần đầu tiên không phải qua tờ báo giấy quen thuộc, lại càng không phải trên giao diện báo điện tử. Số là hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đi học chuyên Văn của trường tỉnh (nói “chuyên Văn”, vì có liên quan đôi chút đến công việc chuyên môn của tôi sau này). Hàng ngày, chậm rãi đạp xe trên đường Lê Hồng Phong, ngang qua trụ sở Cảnh sát 113 bây giờ, thấy in đậm vào mắt là tấm biển “Báo Công an Nghệ An”, trình bày kiểu chữ cũng rất đơn giản, ít màu mè, hình như được kẻ vẽ bằng tay thì phải (đặc điểm chung của các biển hiệu thời ấy). Và cũng chỉ biết đến thế thôi. Cho nên nói chính xác thì tôi được cầm trên tay tờ báo Công an Nghệ An lần đầu tiên vào tầm giữa năm 2000, khi là sinh viên thực tập tại Phòng An ninh điều tra của Công an tỉnh Nghệ An. Khi ấy, báo in vẫn là hình thức thông tin chủ đạo, đọc báo hàng ngày vẫn là sự hứng thú, niềm vui của rất nhiều người, nhất là những tờ báo có tính cập nhật thời sự cao.

Giám đốc Công an tỉnh thăm hỏi, động viên cán bộ, phóng viên Báo Công an Nghệ An trực lễ và làm báo Tết năm 2019
Giám đốc Công an tỉnh thăm hỏi, động viên cán bộ, phóng viên Báo Công an Nghệ An trực lễ và làm báo Tết năm 2019

Tốt nghiệp đại học, tôi nhận công tác tại huyện miền núi Quế Phong. Là cán bộ Tổng hợp nên vào tầm tháng 6 năm 2002, tôi được Lãnh đạo đơn vị cử tham gia Lớp tập huấn cộng tác viên Báo Công an Nghệ An, khi đó đồng chí Nguyễn Thanh là Trung tá, Trưởng phòng PX21 và là Tổng biên tập của Báo. Dăm ngày tập huấn không dài, nhưng chúng tôi, tạm gọi là “cộng tác viên” - dù chưa hề có mẩu tin đăng báo nào, lấy làm háo hức lắm, vì được thế hệ “đàn anh” như các phóng viên Ngọc Tuần, Việt Long, Thành Trung hướng dẫn khá nhiều kỹ năng viết bài, đưa tin... rất thiết thực và bổ ích. Hôm gần bế mạc, Ban tổ chức Lớp tập huấn còn mời được đồng chí Đỗ Quý Doãn, lúc bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin (sau này là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đến gặp gỡ, động viên với những câu chuyện kể đầy tính thực tế, sinh động và hấp dẫn. Tôi còn nhớ đồng chí Đỗ Quý Doãn nêu ví dụ thú vị nhưng rất thực tế về sự ảnh hưởng của truyền thông đối với dư luận xã hội, rằng: Cứ hễ báo chí nêu “Lực lượng chức năng vừa bắt một vụ mại dâm tại khách sạn X” nào đó, thì y như rằng khách sạn ấy sau đó tự nhiên đông khách hẳn. Nhưng nếu báo đưa tin “Công an đã khám phá thành công vụ trộm tài sản của khách du lịch tại khách sạn Y” nọ, thì vô tình làm cho khách sạn ấy cứ thưa khách dần (!) Chia tay lớp tập huấn, vui thì vui thật, cứ ngỡ sẽ trở thành “nhà báo” đến nơi, ấy vậy mà rồi khi trở lại đơn vị công tác, tôi cũng chẳng có lấy nổi một mẩu tin nào đăng báo...

Mãi đến cuối năm 2003 trở đi, sau một thời gian dài làm việc ở Phòng Công tác chính trị của Công an tỉnh, tôi mới có điều kiện được tiếp xúc với cán bộ, phóng viên của Báo Công an Nghệ An nhiều hơn. Vì khi đó tôi cùng sinh hoạt đoàn với các đồng chí trẻ của Báo như Hoài Mơ, Việt Dũng, Hải Việt, Ngọc Tú..., lại vừa làm cán bộ Tổng hợp nên thường được các anh, chị phóng viên của Báo sang gặp để lấy tin viết bài. Thế là vài ba lần tôi được có tên trên mặt báo (khi thì đồng tác giả, khi thì được đứng tên độc lập, oách thế!). Lại nói về bài viết được in báo đầu tiên (đâu như năm 2011 thì phải), phóng viên Thành Trung cứ nằng nặc bắt tôi nhận tiền nhuận bút, trị giá “cưa đôi” 120.000 đồng, vì “đồng tác giả”. Sau này, với phóng viên Mai Hậu cũng vậy, tôi chỉ việc cung cấp thông tin cho em ấy viết bài, nhưng khi báo ra thì thấy đứng tên tôi và đương nhiên, dù rất ngại nhưng tôi vẫn cứ phải nhận nhuận bút do Mai Hậu đến trao tận tay!

Báo Công an Nghệ An ủng hộ Tết vì người nghèo năm 2019
Báo Công an Nghệ An ủng hộ Tết vì người nghèo năm 2019

Công bằng mà nói, cùng với những tờ báo uy tín khác của cả nước, Báo Công an Nghệ An có nhiều bài viết, nhiều chuyên mục thật sự hấp dẫn, cuốn hút độc giả, buộc người ta cứ tìm đến như một nhu cầu tất yếu, nhất là khi nghe kể chuyện đánh án, chuyện nghề, chuyện đời của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an, rồi những thông tin cảnh báo tội phạm và tai, tệ nạn xã hội cho mọi người biết để phòng ngừa…; đến các chuyên mục văn hóa, xã hội, nhất là mục tiểu phẩm của các bác Huỳnh Cương, Vũ Ba Lan... Do đó, đã từ lâu, tôi đều duy trì thói quen đọc Báo Công an Nghệ An đầu tiên trong số các tờ báo đến tay, hàng ngày đều phải nhiều lần truy cập Báo Công an Nghệ An điện tử. Sau đó, tôi cất cẩn thận những tờ báo có được theo tiêu chuẩn, đưa về nhà để bố mẹ đẻ đọc (vì các cụ tuổi cao, mắt kém, không thích đọc báo trên internet). Những tờ báo ấy lại tiếp tục được “luân chuyển” qua hàng xóm, láng giềng và đương nhiên không bao giờ quay trở lại nhà tôi nữa! Thế là tôi, vừa làm cộng tác viên (dù rất nhỏ nhoi, ít ỏi về số lượng tin bài được đăng), vừa là độc giả, lại kiêm luôn công tác “phát hành - quảng cáo” cho Báo, từ lâu lắm rồi!

Cuộc đời có những điều thật bất ngờ và thú vị. Tháng 9 năm 2018, tôi được Lãnh đạo Công an tỉnh phân công về nhận công tác tại Báo Công an Nghệ An. Bạn bè chúc mừng, nói rằng tôi được đi đúng “nghề” rồi. Tôi không dám nhận vì thấy mình chưa có đủ năng lực để làm tốt nghề báo, song tự lòng vẫn thấy vui vui. Thế có gọi là “duyên nghề” được không nhỉ?

.

Xuân Thư

.