Thứ Năm, 09/05/2019, 15:16 [GMT+7]
Hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày Báo Công an Nghệ An phát hành số đầu tiên (19/5/1984 - 19/5/2019)

Ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời làm báo của tôi

(Congannghean.vn)-Suốt cuộc đời làm báo, đi nhiều nơi, gặp nhiều số phận nhưng trường hợp sau đây đã để lại trong tâm trí tôi nhiều ấn tượng nhất. Câu chuyện xảy ra cách đây 15 năm, vào đêm 1/11/2004, tai họa ập xuống gia đình chị Lô Thị Hoa, một hộ người dân tộc Thái sống ở bản Xẹt, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu. Chị bị tai nạn, bỏng phần ngực, cháy hết cả cánh tay trái. Cơ thể chị teo tóp khiến chị không có sữa cho đứa con gái mới 4 tháng tuổi, không có tiền đi bệnh viện chữa trị. Hàng ngày, chị chỉ nhai, đắp những loại lá cây dân gian nên thương tích không bớt mà có nguy cơ nhiễm trùng, ngày càng nặng thêm. Suốt 5 tháng trời như thế, chị Hoa chỉ nằm bất lực mặc cho cơ thể dần dần bị hoại tử, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Được tin về hoàn cảnh của chị, Báo Công an Nghệ An đã mở cuộc vận động trong cán bộ, phóng viên, sau đó ra ngoài xã hội nhằm quyên góp vật chất giúp chị Hoa qua cơn hoạn nạn. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ chị về vật chất cũng như tinh thần. Hai tháng sau, chị ra viện, sức khỏe trở lại bình thường.

Chị Hoa bình phục trở lại sau khi được Báo Công an Nghệ An hỗ trợ cứu chữa
Chị Hoa bình phục trở lại sau khi được Báo Công an Nghệ An hỗ trợ cứu chữa

Trở lại câu chuyện ngày xưa

Chúng tôi về Châu Thắng vào một ngày đầu hè của năm 2019, trời bắt đầu nắng nóng. Vào đến bản Xẹt, chúng tôi đã cảm thấy thấm mệt, leo hết con dốc đến được nhà chị Hoa thì ai nấy đều toát mồ hôi, phải ngồi nghỉ lấy sức. Do được hẹn trước, anh Vi Văn Châu - chồng chị Hoa đang làm thợ hồ xã bên đã tranh thủ về nhà đón khách.

Sau khi giới thiệu những người trong đoàn, Trưởng Công an xã Châu Thắng Lô Văn Thanh chỉ sang tôi hỏi anh Châu:

- Có nhớ bác này không?

Anh Châu cười tít mắt:

- Nhớ, anh Ngọ...ọc. Hồi vợ nằm bệnh viện dưới tỉnh, anh đến thăm cho 2 dây sữa Cô gái Hà Lan mà, nhớ chứ!

Ký ức về câu chuyện 15 năm trước chợt ùa về.

Đó là vào một đêm cuối thu, anh Châu đi chơi dưới bản, thằng con trai 6 tuổi ngủ từ sớm. Chị Hoa ủ đứa con gái 4 tháng tuổi lên võng rồi lật đật nấu nồi cám lợn. Hồi đó không phải nhà cao ráo như bây giờ, ngồi nấu dưới nền đất. Lúc đó khoảng 20 giờ, chị sẵn bị bệnh tim nên khi ghé sát bếp thổi lửa thì bị ngã chúi, lửa than bỏng khiến chị ngất lịm. Lửa phủ lên người cháy khét lẹt. Các nhà trong bản cách xa nhau nên không ai biết. Chỉ khi nghe mùi thịt khét, mọi người mới đổ xô đến kéo chị ra. Nửa thân người bên trái bị bỏng nặng, cánh tay trái bị lửa thui biến dạng.

Những ngày điều trị

Mọi người đi gọi anh Châu về và đưa chị Hoa đi Bệnh viện huyện Quỳ Châu cấp cứu. Chị nằm ở đây gần 1 tháng. Anh Châu phải ngày đêm túc trực chăm sóc, bỏ công ăn việc làm. Trong khi đó, đứa con trai Vi Văn Long đang học mẫu giáo trong bản không ai đưa đón đến trường, bé Vi Thị Huệ không có sữa khóc ẽo ọt. Bà Tuế - mẹ anh Châu già khọm cũng rất cần người chăm sóc. Mọi việc ở nhà tất thảy anh Châu đều nhờ đến bà con dân bản.

Mặc dù chị Hoa được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, vết thương có bớt một phần nhưng tính các khoản chi tiêu thì gia đình không thể nào "kham" nổi. Anh Châu phải đưa vợ về nhà chữa trị. Bài thuốc duy nhất của anh là dùng các loại cây cỏ dân gian đắp lên vết bỏng của vợ. Ngày ấy ngoài các buổi đi làm rẫy, anh Châu tranh thủ tìm các loại lá cây có thể đắp rịt vết bỏng những mong vợ bớt đau đớn.

Qua 2 tháng trời điều trị như thế, vết thương không những không bớt mà bị nhiễm trùng sưng tấy, thịt thối rữa, mùi hôi thối tỏa ra khắp nhà, bay lan ra quanh vùng. Tuy nhiên, nếu đưa chị Hoa đi bệnh viện thì không có tiền. Có thể nói, vào thời điểm đó, gia đình chị Hoa hoàn toàn bất lực. Chị chỉ biết nằm đó, mặc cho các vết thương hoại tử dần, không khác gì nằm... chờ chết.

Đầu tháng 3/2005, Báo Công an Nghệ An nhận được thông tin về trường hợp của chị Hoa. Ngay sau đó, Cấp ủy, Ban biên tập liền phát động một đợt quyên góp trong cán bộ, phóng viên đơn vị, mỗi người tối thiểu 100.000 đồng. Khi đó có phóng viên ủng hộ hẳn 1 tháng nhuận bút. Thông qua Báo Công an Nghệ An, một Việt kiều ở Na-uy gửi về ủng hộ 1 triệu đồng. Ngày 18/3/2005, đoàn cán bộ do Tổng biên tập Nguyễn Thanh dẫn đầu lên Châu Thắng tặng số tiền trên cho chị Hoa. Đồng thời viết bài kêu gọi các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ chị Hoa qua cơn hoạn nạn.

Có được số tiền trên, anh Châu lại “khăn gói quả mướp” đưa vợ xuống Bệnh viện huyện Quỳ Châu chữa trị một lần nữa. Lần này, với tấm lòng y đức cùng sự vận động của cơ quan báo, các y, bác sĩ Bệnh viện đã đồng ý điều trị miễn phí cho chị Hoa. Thế nhưng, qua 1 tháng nhiệt tình chữa trị, vết bỏng vẫn không khá hơn. Cánh tay trái bị nhiễm trùng nặng có nguy cơ phải cắt bỏ, yêu cầu cần chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Lại một lần nữa, Báo Công an Nghệ An tiếp tục mở cuộc vận động với quy mô lớn hơn. Đơn vị cử trực tiếp cán bộ đến làm việc với Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Rất may, Ban Giám đốc Bệnh viện ủng hộ ngay. Bệnh viện hứa chữa trị miễn phí hoàn toàn cho chị Hoa, ủng hộ cả chuyến xe đưa chị Hoa từ Quỳ Châu xuống TP Vinh (khoảng 170 km). Chi phí ăn ở của chị Hoa, anh Châu trong thời gian điều trị Bệnh viện cũng "bao" luôn.

Hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được sự chăm sóc rất tận tình của các y, bác sĩ, chị Hoa đã hồi phục nhanh chóng. Ngày ra viện, chị còn "bọc" hơn triệu bạc về quê. Trước khi ra về, anh Châu - chị Hoa đến trụ sở Báo Công an Nghệ An thăm, bày tỏ sự biết ơn khôn xiết.

Bố con anh Châu (chồng chị Hoa) bên ngôi nhà của mình
Bố con anh Châu (chồng chị Hoa) bên ngôi nhà của mình

Gia đình chị Hoa bây giờ

Điều làm các thầy thuốc nuối tiếc là khi xuất viện, chị Hoa chỉ còn 1 cánh tay nguyên vẹn. Cánh tay trái từ khuỷu trở xuống do bị hoại tử đã phải cắt bỏ. Theo các bác sĩ chuyên khoa thì đó là cách tối ưu nhất, vì nếu không như thế, nhiễm trùng sẽ lây lan càng nặng, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Thắng Lô Văn Nhàu kể: Hồi mới xuất viện, như ý thức được ý nghĩa cuộc sống cộng đồng, chị Hoa tham gia ngay vào Hội Phụ nữ xã, là hội viên tích cực. Thấy hoàn cảnh khó khăn, xã vận động bà con trong bản ủng hộ gia đình chị làm được ngôi nhà nhỏ. Đa phần dân trong xã đều nghèo nên người thì góp của, người góp công, nghĩa là thiếu cái gì ai có thì tự nguyện mang đến. Bây giờ gia đình chị có ngôi nhà sàn 2 gian cao ráo, khang trang, còn có bộ bàn ghế để ngồi, có cái tivi Samsung đời mới. Anh Châu là người đàn ông hiền lành, thương vợ, thương con. Anh làm quần quật, cứ sáng sớm là vắt cơm đi, chiều tối mới về. Cu Long bé tí ngày nào nay đã 21 tuổi theo cha làm thợ hồ. Cháu gái Vi Thị Huệ nay đã 15 tuổi đi phụ giúp hộ trong xóm bán quán ăn. So với nhiều hộ trong xã thì hiện nay gia đình anh Châu - chị Hoa như thế là quá ổn định.

Có một điều là suốt buổi nói chuyện cho đến lúc sập tối, khi bắt tay ra về, anh Châu cứ nhắc đi nhắc lại câu nói: "Nhờ có Báo Công an Nghệ An mà vợ tôi được cứu sống. Báo Công an Nghệ An là người sinh ra vợ tôi lần thứ 2". Rồi anh cứ phân vân: "Sao bác Ngọc không ở lại uống rượu với ta đêm nay chứ!".

.

Trần Hoài Ngọc

.