Chủ Nhật, 19/05/2019, 10:04 [GMT+7]
Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019)

Bác Hồ - 'Cả cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, hy sinh cho dân tộc Việt Nam'

(Congannghean.vn)-“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam” (trích trong lời bài hát “Bác Hồ - một tình yêu bao la” của nhạc sỹ Thuận Yến). Bác Hồ, tiếng gọi gần gũi mà thân thương, giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng ấy luôn là niềm tự hào của các thế hệ con người Việt Nam. Cả cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Người là trường học lớn, là tấm gương đạo đức cho các thế hệ học tập, noi theo.

Tháng 5 về trên quê Bác

Những ngày này, hàng nghìn người dân từ khắp các tỉnh thành trong cả nước và du khách quốc tế lại cùng nhau tìm về huyện Nam Đàn - nơi sinh ra vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tấm lòng thành kính để tri ân nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2019). Trong đó, có những cụ già râu tóc bạc phơ được con cháu dìu đi, những đoàn cựu chiến binh, các cháu học sinh mặc đồng phục hay những cô cậu thanh niên… Tất cả mọi người đều chăm chú, thành kính lắng nghe những câu chuyện kể về tình cảm cao cả, sâu nặng của Người đối với quê hương, đất nước từ giọng kể truyền cảm, sâu lắng, mang đậm chất xứ Nghệ của nữ thuyết minh viên. Nhiều người không kìm nổi lòng mình, nghẹn ngào bật khóc...

Các cựu chiến binh chăm chú lắng nghe thuyết minh về cuộc đời và nhân cách giản dị mà cao cả của Bác Hồ
Các cựu chiến binh chăm chú lắng nghe thuyết minh về cuộc đời và nhân cách giản dị mà cao cả của Bác Hồ

Giữa những đổi thay của xu hướng hiện đại hóa, thì ngôi làng nhỏ Kim Liên vẫn giữ được nét cổ xưa, mộc mạc, yên bình, gần gũi như chính con người nơi đây. Với những con đường làng quanh co, bờ giậu xanh mướt, đóa hoa sen tỏa ngát hương thơm và những bờ tre vững chãi, hàng dâm bụt thắm đỏ, hoa cau, hoa bưởi thơm nồng… Mái nhà 3 gian đơn sơ ở làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác) là nơi cất tiếng khóc chào đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kiệt xuất. Gian ngoài dùng để học tập và nghỉ ngơi của cụ Phó bảng - thân sinh của Người. Gian giữa là chiếc giường bằng gỗ xoan còn vẹn nguyên -  nơi cụ Hoàng Thị Loan đã sinh thành và nuôi nấng 3 người con. Chiếc võng đung đưa ở gian bên cạnh, nơi tuổi ấu thơ, Bác Hồ thường nằm nghe tiếng ru à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà… “Một sáng tháng 5 đầu hè, đúng vào mùa sen nở, khi hương sen ngào ngạt, Bác cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của ngoại và ngoại đã đặt tên cho Bác là Nguyễn Sinh Cung... Quê mẹ Hoàng Trù là cái nôi đã góp phần hình thành, bồi đắp tuổi thơ và nhân cách cao thượng của Bác...”, giọng thuyết minh viên rưng rưng.

Làng Sen (quê nội Bác) tuy không phải là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, nhưng lại ghi dấu suốt những năm thơ ấu của Bác; là nơi nuôi dưỡng, vun đắp những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước của Người. Ngôi nhà lá năm gian này là ngôi nhà tình nghĩa của bà con Làng Sen quyên góp dựng nên để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng trở về làng vào năm 1901. Lúc này mẹ Bác đã qua đời, nên gian chính của căn nhà được ông Nguyễn Sinh Sắc dùng để thờ bà Hoàng Thị Loan, cũng như đọc sách, tiếp khách. Các gian khác dùng để nghỉ ngơi, nấu nướng, có riêng một gian nhỏ cho bà Thanh, người chị của Bác Hồ.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, mọi kỷ vật vẫn còn vẹn nguyên: Những chiếc phản gỗ để Bác và cha cùng anh nằm ngủ; chiếc giường con xinh xắn của chị Thanh, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ, vài vật dụng đơn sơ vẫn còn đó… Mỗi kỷ vật, mỗi góc nhà, chái bếp, hàng hiên… tất cả đều thắm hồn dân tộc, gợi lên trong tâm khảm bao thế hệ con người Việt Nam nỗi xúc động nghẹn ngào, niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách vô cùng giản dị, thanh cao mà vĩ đại của Bác Hồ...

Đây là lần thứ 4, ông Nguyễn Mạnh Cường (78 tuổi) ở Bắc Ninh về thăm quê Bác. Lần đầu tiên ông đến khi còn là cậu học sinh đi theo đoàn nhà trường. Từ đó đến nay, mấy chục năm trôi qua nhưng mọi ký ức về căn nhà Bác vẫn còn như mới. Năm nay, đi cùng ông còn có vợ chồng 2 người con trai và 3 đứa cháu. Ông tâm sự: “Mỗi lần về thăm quê Bác, tôi đều thấy xúc động, bồi hồi như về lại quê hương của chính mình… Tôi thường xuyên kể cho con cháu nghe về Bác Hồ và nay trực tiếp đưa các cháu đến quê Bác. Từ đó, càng thấu hiểu hơn về nỗi gian truân vất vả mà Bác và gia đình phải vượt qua. Tôi và con cháu nguyện học tập và làm theo tấm gương của Bác”.

Được về thăm quê Bác, tự tay thắp nén hương, dâng lên bàn thờ Bác những bông hoa sen, hoa cúc tinh khiết, những chùm quả ngọt tươi; được ngắm nhìn, dạo bước trong khu vườn, mái nhà tranh gắn liền với tuổi thơ Bác… Để khi xa rồi cứ lưu luyến, nhớ thương về “quê chung”. “Tôi trở về quê Bác làng Sen/ Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!/ Làng quen như thể quê chung vậy/ Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn” (“Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu). Thật vậy, từ bao giờ, xứ Nghệ đã trở thành “quê chung” - quê hương của tất cả người dân Việt Nam và còn là điểm đến ân tình, hiếu khách, nồng hậu của bạn bè quốc tế.

Du khách thập phương về thăm quê Bác
Du khách thập phương về thăm quê Bác

Chuẩn bị chu đáo Lễ hội Làng Sen năm 2019

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết, theo số liệu tính từ ngày 10/4 - 10/5, Khu Di tích đã có gần 7.000 đoàn, 264.429 lượt khách về thăm quê Bác, trong đó có gần 60 đoàn với 419 lượt khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Lào, Hàn Quốc... Để đón tiếp các đoàn khách về thăm quê Bác vào dịp lễ 30/4, 1/5, đặc biệt là dịp 19/5 một cách chu đáo nhất, ngay từ đầu tháng 4, Ban Quản lý (BQL) Khu di tích đã tiến hành bảo tồn, tôn tạo các cụm di tích Hoàng Trù, Làng Sen, mộ bà Hoàng Thị Loan; chăm sóc, bảo quản nội, ngoại thất khu di tích, vườn hoa, cây cảnh, khuôn viên khu trưng bày. Đồng thời, làm tốt công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, phối hợp với lực lượng Công an đảm bảo ANTT…

Đặc biệt, do thời điểm này, nhiệt độ cao (từ 38 - 400C) cùng với gió Lào đặc trưng nên công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) được BQL Khu di tích chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Tổ PCCC thuộc Đội 7, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh ưu tiên hàng đầu. Trong thời gian qua, bên cạnh tập huấn công tác PCCC thì BQL còn tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên và bà con khu vực lân cận về các kỹ năng PCCC. Ngoài ra, để công tác thuyết minh phục vụ các đoàn khách chu đáo, tận tình hơn, BQL Khu di tích cũng đã nâng cao trình độ hiểu biết về chính trị cho các cán bộ làm công tác thuyết minh; đồng thời, cắt cử người thường trực tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa báo công trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh... đảm bảo sự tôn nghiêm, thành kính.

Năm nay, gắn với chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1959 - 2019) và 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Lễ hội Làng Sen năm 2019 sẽ được tổ chức quy mô toàn tỉnh. Với chủ đề chính: Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống đấu tranh, gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi quê hương Nghệ An đổi mới “Hội nhập và phát triển”…, Lễ hội Làng Sen năm 2019 sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Trong đó, các hoạt động Lễ hội cấp cơ sở “Liên hoan tiếng hát Làng Sen” được tổ chức từ tháng 4/2019 đến ngày 10/5/2019 trên địa bàn toàn tỉnh. Lễ hội cấp tỉnh sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 17 - 19/5/2019) với các hoạt động phong phú như: Khai mạc triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tại Quảng trường Hồ Chí Minh; Diễu hành rước ảnh Bác Hồ từ Quảng trường Hồ Chí Minh về Khu di tích Kim Liên; Khai mạc lễ hội Làng Sen năm 2019; triển lãm các đề tài về Đảng, Bác Hồ và Lễ hội tại xã Kim Liên (Nam Đàn), Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh; trình diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Quảng trường Hồ Chí Minh và xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; tổ chức trò chơi dân gian gắn với hoạt động tuổi thơ của Bác Hồ tại sân vận động Làng Sen và núi Chung, xã Kim Liên; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và hội trại ở các xã, thị trấn trong toàn huyện Nam Đàn.

Tháng 5 về, bầu trời cao, trong xanh với ánh nắng vàng rực. Tháng 5 hành hương về thăm quê Bác để không chỉ được đắm mình trong không gian đậm hương sen và sống lại cảm xúc về nơi đã sinh ra vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam mà còn cảm nhận sự đổi thay của quê hương Xô viết anh hùng…

.

Thu Thủy

.