Thứ Năm, 13/06/2019, 08:29 [GMT+7]

Làm sống lại vẻ đẹp truyền thống của linh vật Việt

(Congannghean.vn)-Nghê là linh vật đã tồn tại từ lâu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam nói chung, mảnh đất xứ Nghệ nói riêng. Linh vật nghê được khắc trên bia đá, đồ thờ, được chạm trên kiến trúc, được tô, đắp đặt trước cổng, cửa các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu… Hình tượng ấy rất gần gũi với đời sống người Việt. Theo thời gian, nghê dường như đã bị lãng quên, bị người Việt thay thế bằng những linh vật mang biểu tượng “ngoại lai”.
 
Ngày 8/8/2014, Công văn số 2662/BVHTTDL - MTNATL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra đời như một khởi đầu cho phong trào "nói không" với các sản phẩm ngoại lai, không phù hợp giá trị văn hóa Việt Nam.  Nghệ An là tỉnh đi đầu trong chiến dịch dẹp bỏ linh vật ngoại lai. Minh chứng đã có hàng trăm đôi sư tử đá, đèn đá và nhiều hiện vật lạ không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc đã được đưa ra khỏi không gian các di tích, nơi thờ tự, trụ sở các cơ quan và không gian cộng đồng. Thay thế vào đó là việc bảo tồn và gìn giữ linh vật nghê Việt. 
Buổi triển lãm chuyên đề “Linh vật nghê Việt”  thu hút đông đảo người dân đến tham quan
Buổi triển lãm chuyên đề “Linh vật nghê Việt” thu hút đông đảo người dân đến tham quan
 
Linh vật nghê được khắc trên bia đá, vẽ trên đồ thờ, chạm trên kiến trúc, chầu trước cổng cung điện, lăng tẩm của các bậc vua chúa và trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu… Trải qua hàng trăm năm, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn lưu giữ được những con nghê mang dáng vẻ đặc trưng từng thời kỳ, gắn liền với lịch sử xây dựng và hình thành của nhiều ngôi đình, đền.  Mặc dù có biến đổi qua các thời kỳ nhưng luôn thể hiện được tâm hồn, tính cách của người Việt với những cung bậc cảm xúc khác nhau, có trang trọng, cung kính, hoan hỉ, vui mừng…Tuy nhiên, có một thực tế, thời gian qua, nghê dường như đã bị lãng quên, bị người Việt thay thế bằng những linh vật mang biểu tượng "ngoại lai", không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đáng nói, những linh vật nước ngoài, không phù hợp trên lại bị nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn là linh vật của người Việt.
 
Thực hiện Công văn số 2662 của Bộ VHTT&DL, những năm qua, ngành Văn hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra các cơ sở thờ tự, di tích xem có linh vật ngoại lai thì hướng dẫn trao đổi với địa phương để có giải pháp đưa ra khỏi di tích... Về cơ bản, các địa phương có di tích cộng đồng thực hiện tốt, các di tích xếp hạng không còn linh vật ngoại lai.
 
Mới đây, Sở VH&TT Nghệ An, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề: “Linh vật nghê Việt” tại Bảo tàng Nghệ An, thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Với bộ trưng bày chọn lọc gồm 200 hình ảnh, 65 hiện vật sưu tập nghê Việt, trong đó có sự tham gia tích cực của 12 nhà sưu tập tư nhân thuộc Hội di sản cổ vật Sông Lam, tỉnh Nghệ An đã diễn giải về nguồn gốc, đặc điểm tạo hình, phân loại linh vật nghê Việt; so sánh linh vật nghê Việt với linh vật một số quốc gia; nghê chốn chùa chiền; nghê chốn cung vua, phủ chúa; nghê chốn lăng tẩm, đền miếu; nghê chốn đình làng và các linh vật nghê là hiện vật bảo tàng, cho người xem thấy được sự phong phú của linh vật nghê trong văn hóa Việt, sự tương đồng và khác biệt với linh vật của các quốc gia trong khu vực. Đồng thời là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa và nhân dân hiểu thêm về hình thức và ý nghĩa của linh vật nghê Việt, làm nguồn tư liệu quý tiếp tục truyên truyền cho mỗi người dân Việt Nam nhận biết, tự hào về linh vật nghê Việt để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tâm linh độc đáo của dân tộc Việt Nam. 
 
Ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở VH&TT Nghệ An cho biết, 5 năm qua, Bộ VHTT&DL cũng như Sở VH&TT Nghệ An cùng các cơ quan truyền thông đã tuyên truyền nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó thu được nhiều kết quả khả quan. Triển lãm tư liệu linh vật nghê Việt tại Bảo tàng Nghệ An là một trong những hoạt động thiết thực, thực hiện chủ trương nói không với linh vật ngoại lai, quảng bá, giới thiệu nét đẹp của linh vật truyền thống, làm cho những linh vật ấy sống trong đời sống tinh thần nhân dân.
.

Phan Tuyết

.