Thứ Ba, 30/07/2019, 08:09 [GMT+7]

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh thắng

(Congannghean.vn)-Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di tích - danh thắng trên địa bàn Nghệ An được thực hiện có hiệu quả, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, khơi dậy truyền thống yêu nước cách mạng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
 
Nghệ An là tỉnh có nhiều di tích - danh thắng, với nhiều loại hình, phong phú về nội dung và đậm đà bản sắc xứ Nghệ. Hệ thống di tích ở Nghệ An là sự ghi nhận công sức cả một quá trình chiến đấu, xây dựng lâu dài, bền bỉ của nhân dân tỉnh nhà trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, nó cũng phản ánh tầm cỡ của một vùng văn hóa được sinh ra và nuôi dưỡng bằng tín ngưỡng, phong tục truyền thống lâu bền, mãnh liệt, là những chứng tích thể hiện cội nguồn, truyền thống và đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
Chùa Đại Tuệ, huyện Nam Đàn - ngôi chùa đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật
Chùa Đại Tuệ, huyện Nam Đàn - ngôi chùa đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật
Di tích - danh thắng Nghệ An giàu về số lượng, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Qua kiểm kê, hiện nay, Nghệ An có 2.602 di tích - danh thắng với 439 di tích đã được xếp hạng, 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 239 di tích cấp tỉnh, bao gồm các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh. Các di chỉ khảo cổ học trải dài liên tục từ thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… Bên cạnh đó là một kho tàng di sản lớn lao về loại hình di tích lịch sử có giá trị nhiều mặt gắn với tín ngưỡng, tôn giáo như đình, đền, chùa, miếu… 
 
Nghệ An nằm trong vùng văn hóa xứ Nghệ với bản sắc riêng, không trộn lẫn với các tiểu vùng văn hóa khác. Tiềm năng thì rất lớn nhưng có một thực tế, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lịch sử, văn hóa còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc, địa bàn rộng, phức tạp, nhiều di tích nhưng phân bố không đều ở các vùng miền, gây khó khăn trong công tác bảo quản, quản lý, phát huy. Các di tích theo thời gian do thiên tai, chiến tranh và con người tác động nên bị hư hỏng xuống cấp và có nguy cơ xâm hại về đất đai, ô nhiễm cảnh quan môi trường. Ngoài ra, hàng năm, ngân sách Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng cho công tác bảo tồn, nhưng nguồn lợi kinh tế thu lại từ khai thác di sản còn hạn chế. Một số địa phương do nguồn kinh phí đầu tư còn quá ít nên nhiều di tích chưa được lập hồ sơ khoa học để công nhận, việc cắm mốc giới bảo vệ di tích chưa được thực hiện… Đội ngũ làm công tác bảo tồn, phát huy di tích còn thiếu và yếu. Tại một số địa phương, chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ, phát huy di tích.
 
Xác định rõ di sản văn hóa nói chung, di tích - danh thắng nói riêng là yếu tố quan trọng, có tính quyết định làm nên diện mạo, bản sắc riêng của vùng văn hóa xứ Nghệ; có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Nghệ An đã không ngừng cố gắng thực hiện chiến lược được đề ra trong Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đó là: “Hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu khác gắn với phát triển du lịch. Khai thác, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống”. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành văn hóa - thể thao triển khai xây dựng và đã phê duyệt Đề án "Quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050" và đang triển khai xây dựng đề án các giải pháp phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An. Hàng năm, Sở Văn hóa Thể thao đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích - danh thắng phối hợp với các địa phương khảo sát, rà soát thực trạng các di tích xuống cấp, hư hỏng để đưa vào kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích.
 
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2019, Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An đã chỉ đạo công tác lập hồ sơ xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích, công tác quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa tâm linh, phòng, chống cháy, nổ, sử dụng nguồn công đức ở di tích. Trong đó, đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục di tích lập hồ sơ xếp hạng, phê duyệt bổ sung danh mục, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ cấp thiết di tích, danh mục các di tích điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ năm 2019, duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Quả Sơn, đền Vua Lê, đền Mai Bảng… Duyệt hồ sơ xếp hạng 3 di tích: Nhà thờ họ Nguyễn Thế đại tôn (Thanh Chương), đền Thượng Văn Trai (Yên Thành) và Tuần Thiện Đàn (Diễn Châu)… Đặc biệt là tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản. Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, từ đó hiện thực hóa để bảo tồn bền vững và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như tạo đà cho sự phát triển kinh tế di sản…
.

Phan Tuyết

.